Những lí giải bất ngờ về chuyện vô tư dùng giáo trình photo
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, tình trạng sinh viên sử dụng giáo trình photo thay vì mua sách gốc xảy ra phổ biến.
Lác đác sinh viên đến thư viện học.
Hoàng Tuyết Mai, sinh viên Trường đại học Lao động – Xã hội (Hà Nội) cho rằng, sách và giáo trình bán tại trường có giá từ 40.000 – 80.000 đồng/cuốn, có nhiều loại giáo trình đến hơn trăm nghìn đồng.
Sách đắt, lấy đâu tiền mà mua!
Mỗi học kỳ có 6 – 8 môn, mỗi môn, thầy cô lại yêu cầu có ít nhất một giáo trình chính cho môn học, có môn hai, chưa kể thầy cô yêu cầu sinh viên phải mua sách, đọc sách tham khảo. Số tiền mua sách một học kỳ khá lớn mà nhiều sinh viên không có điều kiện mua sách.
Sách giáo trình đắt, đã thế thư viện trường không đáp ứng kịp thời giáo trình môn học ngay đầu học kỳ mới. Sinh viên đến mua nhưng thư viện hết sách, chưa nhập thêm. Mà giáo trình của trường chỉ thư viện trường bán. Trong khi đó nhiều giảng viên ngay buổi học đầu tiên đã dạy luôn kiến thức trong giáo trình.
Thậm chí sinh viên nào chưa mua được sách thì giảng viên còn mắng không chú tâm học hành. Nhiều môn học đến buổi thứ 4,5 mà thư viện trường vẫn chưa có sách nên buộc phải mua sách photo không, sinh viên Tuyết Mai cho hay.
Mỗi giáo trình giá vài chục nghìn, nhưng do số lượng các môn học nhiều, mỗi môn lại cần 2 - 3 cuốn chính, chưa kể sách tham khảo, đọc thêm, thì với sinh viên cũng là vấn đề lớn. Vì thế, sinh viên thường có xu hướng photo sách cho tiết kiệm.
Mặc dù việc photo sách ảnh hưởng đến vấn đề bản quyền, nhưng nhiều thầy cô cũng hiểu hoàn cảnh của sinh viên nên thông cảm, Nguyễn Thị Trinh, sinh viên ngành Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói.
Theo phản ánh của sinh viên, một số môn học, giảng viên còn yêu cầu cán bộ lớp ghi lại tên những sinh viên không mua giáo trình của môn học. Mà giảng viên dạy môn học là người viết giáo trình nên sinh viên phải mua. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không mua và 'dùng chiêu' mượn sách của anh chị khóa trước hoặc dùng chung với bạn nhưng thực tế là đi kiếm sách photo.
Sinh viên 'chê' thư viện trường
Nguyễn T.H, sinh viên Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: “Mình không hay lên thư viện. Khi nào cần mượn sách hoặc tìm tài liệu thì mình mới lên. Một phần vì thư viện trường nhiều khi không đáp ứng nhu cầu tìm tài liệu của mình. Ví dụ, mình muốn tìm sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam của tác giả này, nhưng lại chỉ có các quyển của tác giả khác”.
Dù nhiều thư viện mở cửa đến 9h tối nhưng vẫn vắng bóng sinh viên.
Các sinh viên được hỏi đều cho biết chỉ đến khi ôn thi mới rủ nhau lên thư viện học bài cho yên tĩnh và có không khí.
Điều kiện cơ sở vật chất hạn chế cũng là một nguyên nhân không thu hút sinh viên đến thư viện.
“Không gian phòng đọc thư viện khá nhỏ nên chỉ một số lượng sinh viên nhất định ngồi là cảm thấy chật chội, mà phòng chỉ trong bốn bức tường nên ngột ngạt. Các loại sách cũng không phong phú, chủ yếu là giáo trình của các thầy cô trong trường, các bài nghiên cứu khoa học và khoá luận của giảng viên, sinh viên trường”, - Tuyết Mai cho biết.
Việc photo tài liệu trong thư viện cũng khá đắt, giá photo cao gấp hai, gấp ba so với bên ngoài nên nhiều sinh viên chọn cách chụp ảnh lại tài liệu cần dùng để học.