Những giờ văn trò sắm vai, cô đạo diễn
Sáu năm học gần đây, Trường THCS Tây Sơn (TP Đà Nẵng) có 15 giải tập thể, cá nhân cuộc thi viết thư UPU quốc gia, quốc tế, nhờ cách giảng dạy môn Văn độc đáo, sáng tạo.
Trò sắm vai
Những giờ học cuối kỳ, dãy lớp 6 Trường THCS Tây Sơn rộn ràng, sinh động. Thay vì bảng đen, phấn trắng, các lớp học “đa phương tiện” được trang bị hệ thống máy chiếu, âm thanh (từ dự án tài trợ). Cô Phạm Thị Phú Phong, Tổ trưởng tổ Ngữ văn đứng lớp, ra đề bài: “Các em hãy trình bày cảm nhận chuyến đi dã ngoại/về quê mà mình yêu thích”.
“Nhờ phương pháp dạy mở này, chúng em tha hồ trình bày kiến thức, cảm nhận và phát huy trí tưởng tượng của mình”. Đào Thụy Thùy Dương |
Lớp học như một “sân khấu nhỏ”, từng tốp học sinh sắm vai thành nhóm trẻ về quê, rồi vai cha mẹ, ông bà, bạn bè…Đi kèm với đó là hình ảnh từ máy chiếu về chuyến tàu, phong cảnh quê hương. Ở mỗi phân cảnh, các em phát triển ý tưởng, hội thoại, sử dụng văn nói phát huy tối đa theo trí tưởng tượng, gợi mở hình ảnh. Hơn 2 tiết học nhanh chóng trôi qua một cách hào hứng.
Tại lớp học khác, cô Phong ra đề: “Em hãy cảm nhận một nhân vật ấn tượng trong truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” (của nhà văn Tạ Duy Anh, SGK lớp 6). Từng học sinh phát biểu, trực tiếp “hóa thân” thành các nhân vật trong truyện.
Nhiều bạn cảm phục, ca ngợi cô em gái trong truyện, trong khi nhiều cậu con trai lại đồng cảm cùng nhân vật người anh luôn cảm thấy chán, hụt hẫng, mất phương hướng vì sự bất tài của mình.
Theo cô Phong, các tiết học không gò bó theo khuôn mẫu nhất định. Bởi thế, nhiều học sinh đồng cảm với người anh, vì đó cũng là trăn trở chung của nhiều bạn trẻ mới lớn hiện nay trước cuộc đời.
Học sinh trường THCS Tây Sơn, TP Đà Nẵng ngoài học văn giỏi, còn biết làm phim - Ảnh: Nguyễn Huy
“Nhờ phương pháp dạy mở này, chúng em tha hồ trình bày kiến thức, cảm nhận và phát huy trí tưởng tượng của mình”, Đào Thụy Thùy Dương (học sinh lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn), cho biết. Dương là học sinh vừa đạt giải Nhất cấp quốc gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42-2013.
Với chủ đề cuộc thi: “Em hãy viết một bức thư để nói: Tại sao nước là quý”, Dương hóa thân thành thần nước Thủy Tinh gửi thư đến thần núi Sơn Tinh. Theo Dương, ban đầu Dương định hóa thân thành 1 giọt nước đi chu du khắp thế giới. Nhưng sau lại chọn cách thể hiện độc đáo, đưa ra thông điệp cũng như cái nhìn mới mẻ về thần nước Thủy Tinh.
Theo cô Hiệu trưởng Hồ Thị Bích Trâm, từ năm học 2008 đến nay, trường có 9 giải cá nhân, 5 giải tập thể cuộc thi viết UPU cấp quốc gia, đặc biệt là 1 giải nhất UPU quốc tế lần thứ 39-2010 của em Hồ Thị Hiếu Hiền. Sự đổi mới phương pháp dạy học, nhất là môn Văn góp phần quan trọng đem lại kết quả trên.
Cô “đạo diễn”
Cô Phong cùng học sinh trường THCS Tây Sơn - Ảnh: Nguyễn Huy
Hơn 20 năm gắn bó với trường, cô Phong là một trong những giáo viên tiên phong áp dụng phương pháp dạy Văn mới nhiều năm nay. Cô cho biết, phương pháp này theo mô hình giáo dục Mỹ, giáo viên đóng vai trò như “người đạo diễn” trên lớp, tiết học sử dụng các thiết bị đa phương tiện, nghe nhìn...
Học sinh không còn là đối thể mà là chủ thể của việc học. Qua các câu hỏi tình huống, giáo viên gợi mở vấn đề thuộc dạng “tư duy bậc cao” để khai thác, phát triển tư duy, khả năng tưởng tượng, sáng tạo của học sinh.
“Sắm vai nhân vật, học sinh sẽ có cơ hội phát triển cách nhìn câu truyện, nhân vật ở những góc độ khác nhau. Cách viết theo mẫu không còn phù hợp với việc dạy học, đặc biệt đối với môn Văn hiện nay. Không chỉ học sinh, mà giáo viên đứng lớp nhiều khi cũng thấy bất ngờ thú vị nhờ cách hóa thân, sắm vai nhân vật cùng những ý tưởng mới của các em”, cô Phong nói.
Là người phụ trách cuộc thi Viết thư UPU của trường, cô Phong tận dụng tối đa phương pháp sắm vai, hóa thân cho học sinh để thể hiện nội dung bài viết.
Theo cô Phong, bức thư của Dương vừa có nét ngây thơ tuổi học trò, vừa truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tài nguyên nước dưới góc nhìn mới, lạ về Thủy Tinh. Cô hy vọng, sau giải quốc gia, bài viết có thể đạt giải cao UPU cấp quốc tế vào tháng 9 tới.
“Hãng phim” trường Tây Sơn Cô Phong còn trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ học sinh nhà trường tham gia làm phim dự thi các liên hoan phim học sinh Việt Nam, châu Á - Thái Bình Dương. Thương hiệu “hãng phim nhà trường” liên tục đạt giải cao: phim “Buổi học của Thúy” đạt giải Đặc biệt Liên hoan phim học sinh châu Á năm 2010; phim “Lan, đừng khóc” đạt giải ba quốc gia, giải Xuất sắc ưu tú liên hoan phim châu Á (năm 2011)... |