Những đứa con bị cha mẹ thường xuyên xúc phạm rất khó sống tốt về sau
Nhiều người thường nói: mình sẽ không bao giờ xúc phạm con, làm cha làm mẹ thì không nên nói với con như vậy… Thế nhưng có một sự thật rằng, khi tức giận, các bậc cha mẹ vẫn có thể tuôn ra những lời nói làm tổn thương con mình.
Có thể kể đến những lời nói mang tính xúc phạm con trẻ từ chính cha mẹ phổ biến như: Ngu như chó; đồ chó; sao mày ngu vậy; mày cút đi cho khuất mắt tao; thật xấu hổ khi có đứa con như mày; sao tao lại có thể đẻ mày ra chứ; anh A thì thông minh như thế mà con không được một chút gì như anh vậy; bạn B thì thế kia mà sao con dốt thế; con chỉ là đứa ăn hại; con chẳng làm được trò trống gì cả; tại sao con không thể làm cho mẹ (cho bố) ngẩng mặt lên được thế?…
Thông thường, các bậc phụ huynh nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của việc đánh đập trẻ nhưng lại không ý thức hết việc la hét, mắng mỏ, xúc phạm con cái. Trong khi đó, trên thế giới, ngày càng có nhiều nghiên cứu ngăn cản hoặc cấm cha mẹ sử dụng hình phạt con cái bằng những lời nói gây tổn thương về mặt cảm xúc, tình cảm của đứa trẻ. Họ xem đó là một hình thức bạo lực tinh thần, cũng là một hình thức lạm dụng trẻ em.
Vì sao xúc phạm, mắng mỏ con cái được xem là một hình thức lạm dụng?
Theo các nhà trị liệu tâm lý trẻ em, sở dĩ việc xúc phạm, la mắng con cái được coi là một dạng lạm dụng trẻ em là bởi chúng thường gây nên những tổn hại dai dẳng về mặt tinh thần và tình cảm của con cái. Như công trình của Martin Te Rich và các đồng nghiệp thậm chí cho thấy, lạm dụng bằng lời nói làm thay đổi vĩnh viễn cho các bộ phận của bộ não đang phát triển, gây thiệt hại lâu dài trong suốt cuộc đời của đứa trẻ.
Những hậu quả thường thấy khi cha mẹ xúc phạm con cái dẫn đến những vấn đề như:
1. Lòng tự trọng bị hạ thấp
Xúc phạm con, đặc biệt là xúc phạm chúng trước mặt người khác thì đó là cách mà phụ huynh đang làm cho lòng tự trọng của con bị suy giảm. Những đứa trẻ bị bố mẹ thường xuyên xúc phạm hoặc xúc phạm trước mặt người khác, chúng sẽ rất khó khăn trong việc nhận ra những giá trị tốt đẹp của bản thân chúng – là điều quan trọng bậc nhất giúp trẻ sống tốt sau này.
Cha mẹ xúc phạm con cái thường để lại những hậu quả nặng nề trong cuộc đời đứa trẻ. Ảnh minh họa
2. Không vâng lời
Hầu hết các bậc cha mẹ không muốn gây ra tổn hại có chủ ý cho con cái họ. Sự xúc phạm, trong hầu hết các trường hợp, là một sự bùng nổ nhất thời bắt nguồn từ sự căng thẳng và giận dữ của cha mẹ. Bạn nghĩ rằng la hét hoặc xúc phạm con cái sẽ làm cho chúng sợ, sẽ khiến chúng nghe lời nhưng trên thực tế thì cách kỷ luật đó của cha mẹ thường phản tác dụng. Có thể trước uy quyền của bố mẹ, trẻ có thể im lặng và ngừng lại hành vi mà bố mẹ cho là không tốt đó. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là con bạn đang hoàn toàn vâng lời bạn. Chúng thường thích làm những hành vi sai trái khác, hoặc lặp lại hành vi đã bị nghiêm cấm nhiều lần như một sự ngầm phản kháng lại bố mẹ. Đây là dấu hiệu của một tính cách nổi loạn, nó sẽ phát tác trong tuổi vị thành niên hoặc ở tuổi trưởng thành.
3. Hành vi hung hăng hoặc trầm cảm hơn
Xúc phạm con cái có thể dẫn đến hậu quả lâu dài nghiêm trọng như khiến cho chúng trở nên hung dữ về sau. Khi lớn lên, đứa trẻ sẽ hiểu rằng, việc lạm dụng bằng lời nói và xúc phạm ai đó là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Việc cha mẹ thường xuyên xúc phạm con cái cũng có thể làm cho đứa trẻ rơi vào trầm cảm, hoặc tự tử vì ý thức về giá trị bản thân kém.
4. Hệ lụy hai chiều
Tôn trọng là một con đường hai chiều. Khi cha mẹ xúc phạm con cái thì hãy chuẩn bị đón nhận việc con cái không tôn trọng cha mẹ khi chúng lớn lên. Điều này thật khó chấp nhận nhưng nó như một quy luật, cho đi thế nào thì mình sẽ nhận lại được như thế.
Bởi vậy, khi các bậc cha mẹ có suy nghĩ rằng, xúc phạm con cái sẽ khiến chúng trở nên tốt hơn, khôn ngoan hơn là một lối suy nghĩ vô cùng sai lầm.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, có một thực tế mà các cặp vợ chồng thường không để...