Những điểm mới trong dự thảo Quy chế Kỳ thi quốc gia 2015

Chiều 18.12, Bộ GD ĐT chính thức công bố dự thảo Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Dự thảo đưa ra những quy định mới về thời gian thi, cách thức đăng ký dự thi, số lượng cụm thi, hình thức thi, điều kiện miễn thi…

Bắt đầu thi ngày 1.7.2015

Theo dự thảo kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1,2,3,4 tháng 7 năm 2015. Theo Bộ GD-ĐT, lịch thi này được lên theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các trường. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác, để các sở GD-ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (trước đó Bộ GD-ĐT dự định thi vào tháng 6).

Những điểm mới trong dự thảo Quy chế Kỳ thi quốc gia 2015 - 1

Những điểm mới trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia sẽ có tác động lớn đến các thí sinh dự  thi – Tùng Anh.

Tổ chức thi 8 môn

8 môn thi sẽ được tổ chức là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại.

Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài 4 môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ, phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.

Riêng đối với môn Ngoại ngữ: Thí sinh được miễn thi ngoại ngữ khi là thành viên của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; có một trong các chứng chỉ theo quy định trong hướng dẫn của Bộ hàng năm. Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ được tính điểm tối đa cho môn này (thang điểm 20) để xét công nhận tốt nghiệp.

Mỗi cụm thi ít nhất 2 tỉnh

Dự thảo quy chế cũng quy định thành lập các cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Chấm theo theo thang điểm 20

Khác với các năm trước, điểm của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được chấm theo thang điểm 20 thay bằng thang điểm 10.Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm, không quy tròn điểm từng bài thi.

Sử dụng kết “quả 2 trong 1”


Công nhận tốt nghiệp đối với các thí sinh bằng việc sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp. Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 2,0 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại Bằng tốt nghiệp THPT.

Đối với việc xét tuyển vào ĐH, CĐ: Các trường ĐH, CĐ duy trì các khối thi như những năm trước đây. Ngoài ra, các trường có thể mở rộng tổ hợp các môn thi khác theo yêu cầu tuyển sinh của trường và tạo điều kiện cho thí sinh có thêm lựa chọn đăng ký xét tuyển. Theo đó, sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có môn Toán hoặc (và) Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.

Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới.

Nếu thay đổi các khối thi truyền thống và các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GDĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm.

 Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân, đảm bảo những học sinh đạt kết quả thi cao sẽ được lợi thế khi xét tuyển và hạn chế những trường hợp các thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt ĐH, hạn chế hiện tượng thí sinh ảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh (ghi) ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN