Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm ở “tuổi mới lớn”

Sự kiện: Trầm cảm

TS. BS Đỗ Minh Loan, cảnh báo trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên.

Chia sẻ với PV tại Hội thảo chuyên đề “Vị thành niên”, TS. BS. Đỗ Minh Loan, Phụ trách khoa sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ ra những dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên.

Theo TS. BS Đỗ Minh Loan, cảnh báo trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên. Vị thành niên được tính từ 10 tuổi đến 18 tuổi.

Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Trong đó, yếu tố gia đình, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống, yếu tố cá nhân được coi là một trong những yếu tố có tác động đến trầm cảm vị thành niên.

Chính vì vậy, cha mẹ cần biết, nếu trẻ bị có thể gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày bình thường và đôi khi trẻ có thể cảm thấy như thể cuộc sống không đáng sống.

Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm ở “tuổi mới lớn” - 1

BS Loan tư vấn về sức khỏe cho trẻ vị thành niên.

Cha mẹ cần biết các dấu hiệu nhận biết sớm trầm cảm ở trẻ vị thành niên như: Trẻ thường có cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng. Nhiều lúc trẻ giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ.

Trẻ mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động bình thường, chẳng hạn như sở thích hoặc thể thao.

Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.

Trẻ thường xuyên mệt mỏi vì vậy ngay cả những nhiệm vụ nhỏ cũng phải nỗ lực rất nhiều.

Nhiều trẻ giảm sự thèm ăn và giảm cân hoặc ngược lại tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân, lo lắng, kích động hoặc bồn chồn, suy nghĩ chậm chạp, kém tập trung.

Trẻ có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội nhiều hoặc tội không đúng, khó suy nghĩ, khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ, có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử, có các vấn đề về cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu.

Thạc sĩ Dương Thị Xuân, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, vị thành niên là giai đoạn chuyển tử trẻ em sang người lớn, thời điểm mà mỗi con người phải hoàn thiện để bước dần sang cuộc sống tự lập. Chỉ cần cha mẹ không quan tâm, không để ý có thể khiến trẻ rơi vào trầm cảm.

BS Xuân kể về ca trẻ vị thành niên 13 tuổi đi khám vì lý do: Không giao tiếp với các bạn trong lớp từ khi học lớp 5, thích xem tivi, ít tiếp xúc với mọi người trên 1 năm, không muốn đi học, bố mẹ ly hôn khi trẻ học lớp 5 và bị tai nạn phải bó bột chân, đi bằng nạng và bị trầm cảm.

Sau một thời gian được bác sĩ thăm khám và điều trị, bé trai này đã vui vẻ trở lại, biết giao tiếp với người thân nhưng vẫn còn khó hòa nhập với các bạn trên lớp.

Đối với những trẻ có vẻ mặt buồn trầm, không muốn trò chuyện, không muốn tương tác với mọi người xung quanh, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ  cần có khoảng không gian vừa đủ, thân thiện, lịch sự, kín đáo và bí mật an toàn. Từ đó trẻ có thể rũ bỏ màng bọc bên ngoài để chia sẻ về bản thân.

Cha mẹ nên làm gì để giúp con thoát khỏi trầm cảm, stress

Trở thành cha mẹ tốt chưa bao giờ là một nhiệm vụ đơn giản. Một trong những điều khó giải quyết nhất là hiểu con...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Trầm cảm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN