Những cô giáo vợ lính Trường Sa

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Vợ lính, thời bình hay thời chiến, những người phụ nữ ấy đều phải hy sinh hạnh phúc nhỏ bé của mình. Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cận kề, nhưng với nhiều cô giáo của Hà Nội, ánh mắt và trái tim họ vẫn đang hướng về Trường Sa thân yêu, nơi ấy “một nửa” của họ thường xuyên không được về ăn Tết cùng gia đình.

Lấy nhau 19 năm, anh không ăn Tết ở nhà 17 năm

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hiền, giáo viên trường tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy, Hà Nội không giấu nổi xúc động khi nhắc đến chồng, anh Phạm Văn Thường, đang công tác tại đảo Phan Vinh, thuộc quần đảo Trường Sa. 19 năm lấy nhau thì 17 năm anh Thường ăn tết ngoài đảo. Vì anh thuộc lực lượng sẵn sàng chiến đấu nên ở ngoài đảo là chính, rất ít khi về đất liền. Khi chị Hiền sinh hai cháu, anh Thường đều không ở bên.

“Do công việc của anh nên tôi vừa làm mẹ, vừa làm bố của các con. Những công việc nặng nhọc của gia đình đều phải làm hết. Con cái ốm đau, một đứa ốm thì cả ba mẹ con ôm nhau vào viện, khi nào con khỏi thì ba mẹ con cùng xuất viện. Thời gian đầu cũng tủi thân lắm nhưng rồi cũng quen” - chị Hiền nghẹn lời.

Những cô giáo vợ lính Trường Sa - 1

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hiền và 2 con. Ảnh: Nghiêm Huê.

Năm nay niềm vui đến với mẹ con chị Hiền đó là anh Thường được về đất liền ăn tết lần thứ hai sau 19 năm công tác ngoài đảo. “Năm nay cả ba mẹ con sẽ có bố đi tết cùng. Vui lắm chứ. Bình thường mẹ dẫn hai con đi, năm nay có bố về, bố sẽ dẫn ba mẹ con đi Tết” - Chị Hiền chia sẻ.

Nói về cuộc sống hàng ngày thiếu vắng bàn tay của người đàn ông trụ cột trong gia đình, có lúc chị Hiền ngân ngấn nước mắt. Các con có nhớ bố thì cũng chỉ gọi điện để nghe tiếng bố từ ngoài khơi nói về. May mắn nhất là cả hai con chị đều ngoan, biết vâng lời mẹ.

Những cô giáo vợ lính Trường Sa - 2

Cô giáo Bùi Việt Anh với hai con. Ảnh: Sỹ Điền.

Cô giáo Bùi Việt Anh, giáo viên tiếng Anh trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, vợ của bác sĩ An Thành Vũ công tác tại đảo Trường Sa. Mỗi lần bác sĩ Thành Vũ ra đảo công tác, cả đi cả về là 14 tháng. Chính vì vậy, khi bố ra đảo, con gái nhỏ của anh chị đang học lớp 5, khi bố về, con đã vào lớp 6 được 1 học kỳ. Khi bố ra đảo, con trai lớn mới vào  học lớp 12, khi bố về, con đã là sinh viên ĐH năm thứ nhất một học kỳ.  Để cho An Ngọc Khánh Linh, con gái bé của vợ chồng cô giáo Bùi Việt Anh đỡ tủi thân dịp Tết này, học sinh lớp 12  của một trường THPT của Hà Nội đã tổ chức tết cho em.

Con muốn ra đảo để được gần bố hơn

Gặp cô giáo Nguyễn Thị Hoài Phương, trường tiểu học thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, vợ đại úy Đinh Ngọc Khánh, trạm trinh sát kỹ thuật vùng 1, đảo Bạch Long Vĩ vào những ngày giáp tết. Anh chị kết hôn được 8 năm thì hầu như anh ở ngoài đảo. Anh công tác ở đó đã được 15 năm, từ lúc lấy nhau  đến nay đã có hai mặt con nhưng thi thoảng anh mới có mặt ở nhà. Thời gian anh ở nhà lâu nhất là 20 ngày. Mỗi lần về chỉ tranh thủ một chút. Công việc của anh lúc ở đảo, lúc lại công tác trên biển. Khi tìm hiểu nhau, đã biết anh công tác  ở đảo nhưng chị Hoài Phương vẫn yêu. Với chị, chỉ đơn giản, hai người ở gần nhà nhau, biết nhau từ trước, yêu nhau nên phải chấp nhận. Vì chị xác định mình không lựa chọn được công việc cho chồng. Công tác xa nên hầu như ngày nào anh cũng gọi điện về động viên chia sẻ với ba mẹ con.

Những cô giáo vợ lính Trường Sa - 3

Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Phương với con trai. Ảnh: Nghiêm Huê.

Chị Phương cho biết, con trai lớn đang học lớp 1, còn con gái nhỏ được hai tuổi rưỡi. Chị kể, hai lần sinh, anh được ở nhà được gần một tháng với cháu lớn. Cháu thứ hai, chị sinh đúng đợt anh đang công tác lênh đênh trên biển.  Nên vừa sinh con lại vừa nghĩ lo cho chồng.  Cháu thứ hai phải được mấy tháng anh mới được về. Mỗi lần bố về các con lại mất một thời gian làm quen. 

Còn cô giáo Đỗ  Thị Thơm, giáo viên trường mầm non Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội, vợ trung úy Nguyễn Viết Tưởng, công tác tại đảo Đá Lớn, Trường Sa, cũng đã quen với công việc vừa làm mẹ, vừa làm bố với hai con đã 7 năm nay. Sau 7 năm kết hôn, tính ra chị được ở trọn vẹn với chồng 6 tháng. Chị Thơm chia sẻ, cả hai lần chị sinh con đều không có chồng bên cạnh.  “Cháu lớn từ lúc mình có bầu đến khi cháu được 8 tháng anh mới về. Còn cháu bé thì từ lúc em có bầu đến khi cháu được 15 tháng anh mới về” - chị Thơm nói.

 “Trong một lần hai mẹ con nói chuyện, cháu bảo sau này lớn lên con cũng muốn làm bộ đội để công tác ngoài đảo, để được thường xuyên gặp bố cho đỡ nhớ” - chị Thơm rơm rớm nước mắt kể.

Ngày 8/2, ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt các nữ nhà giáo Thủ đô là vợ, các em học sinh là con các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Tại Hội nghị, ngành GD&ĐT Hà Nội tặng 52 em học sinh mỗi em một món quà trị giá 1.000.000 đồng cùng một phần quà; ngành GD&ĐT Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, LĐLĐ thành phố trao cho 12 nhà giáo mỗi người 4.000.000 đồng cùng một phần quà.

Tâm sự đẫm nước mắt của giáo viên 17 năm hợp đồng trước kỳ nghỉ Tết

“Ngoài giờ lên lớp, tôi còn trồng rừng, làm ruộng và xin đi làm thợ xây. Cứ công việc gì chân chính mà kiếm được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN