Những bí mật trong nền giáo dục hàng đầu Châu Âu

Sự kiện: Du học

Ở Phần Lan, trẻ em không phải học văn hóa cho đến khi 7 tuổi, tuy nhiên những gì diễn ra trong 6 năm trước đó mới là điều đáng bàn.

Những bí mật trong nền giáo dục hàng đầu Châu Âu - 1

Những đứa trẻ cùng nhau chơi đùa tại Trường mẫu giáo Franzenia, quận Kallio, thủ đô Helsinki

Một buổi chiều ấm áp tại Trường mẫu giáo Franzenia, quận Kallio, thủ đô Helsinki, một nhóm trẻ từ 2-3 tuổi đang lang thang ngoài sân. “Bạn có muốn ăn kem không?”, một đứa bé hỏi “khách hàng” của mình sau khi xây dựng xong xuôi “gian hàng” cạnh các hố cát. Giáo viên di chuyển giữa các “gian hàng”, trò chuyện, quan sát và ghi chép. Đó là một phần “bí mật” trong các lớp học tại Phần Lan – nơi có nền giáo dục liên tiếp giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các nền giáo dục hàng đầu của châu Âu trong 16 năm qua.

Tại ngôi trường Franzenia cũng như tất cả trường mẫu giáo khác ở Phần Lan, những khái niệm về toán học, đọc hoặc viết đều không tồn tại, thay vào đó là… chơi. “Chúng tôi tin rằng những đứa trẻ dưới 7 tuổi chưa sẵn sàng để bắt đầu việc học”, Tiina Marjoniemi, Hiệu trưởng trường Franzenia cho biết. “Thay vào đó, chúng cần thời gian để chơi và tham gia các hoạt động thể chất. Đây là thời gian dành cho sự sáng tạo”.

Mối quan tâm chính của giáo dục những năm đầu đời là sức khỏe và niềm hạnh phúc của mỗi đứa trẻ, định hướng chúng phát triển các kỹ năng xã hội tốt như tạo lập các mối quan hệ với bạn bè và tôn trọng người khác, làm giàu ngôn ngữ và khả năng giao tiếp, hình thành thói quen hoạt động thể chất. “Bậc mẫu giáo ở Phần Lan không tập trung vào việc chuẩn bị môi trường học tập cho trẻ em”, Chuyên gia giáo dục Pasi Sahlberg nói. “Thay vào đó, phải đảm bảo rằng mỗi đứa trẻ đều là những cá nhân hạnh phúc và có trách nhiệm”.

Khi tham gia vào một hoạt động, dù đó đơn giản là kể một câu chuyện hoặc xây một ngôi nhà bằng cát, sẽ đều trở thành những động lực giúp trẻ không ngừng hoàn thiện và nâng cao ý thức công việc cũng như tìm cách đối phó với những thách thức, phát triển khả năng tập trung, kiên trì trong việc xử lý và giải quyết vấn đề.

Trường Franzenia hiện có 44 giáo viên được sắp xếp theo tỷ lệ 1 giáo viên - 4 học sinh với lớp dưới 3 tuổi và 1 giáo viên - 7 học sinh với lớp lớn hơn. Các trò chơi diễn ra hàng ngày là một sự kết hợp giữa “chơi tự do” và “chơi theo hướng dẫn của giáo viên”. “Chúng tôi luôn kết hợp chơi mà học”, Marjoniemi cho biết.

Chính phủ Phần Lan rất quan tâm bảo đảm quyền lợi cho trẻ em nhất là trong những năm đầu đời. Theo đó, mỗi đứa trẻ đều được tiếp cận với giáo dục mầm non chất lượng cao, phụ huynh chỉ phải trả tối đa 250 bảng Anh/tháng, còn lại sẽ được nhà nước trợ cấp, với những gia đình thu nhập thấp thì được miễn phí hoàn toàn.  Giáo viên tại đất nước này cũng được trả lương khá cao và được đào tạo bài bản.

Nhiều năm gần đây, trong các bài kiểm tra Pisa (một chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện để đánh giá về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới), học sinh Phần Lan liên tục sở hữu những số điểm cao nhất thế giới trong môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Đằng sau nền giáo dục xuất sắc ấy là cả một hệ thống an sinh xã hội và y tế toàn diện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh (Theo The Guardian) ([Tên nguồn])
Du học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN