Những bất cập của việc quản lý “lò luyện thi” và khoảng trống pháp luật bao giờ được lấp đầy?

Sự kiện: Giáo dục

Các chuyên gia cho rằng, quy định pháp luật về dạy thêm, học thêm hết hiệu lực, chưa có văn bản thay thế đã tạo điều kiện cho các hoạt động tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường tăng mạnh, thiếu sự kiểm soát.

“Hiện tượng không đẹp thì nên dẹp bỏ”

Thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm không chỉ trở thành gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đối với nhiều gia đình mà những mặt hạn chế nảy sinh trong thời gian qua làm ngành giáo dục và xã hội không thiếu những điều nhức nhối.

Học sinh chen chúc tại một Trung tâm luyện thi tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Học sinh chen chúc tại một Trung tâm luyện thi tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Nhất là khi “mùa thi” đến gần thì các trung tâm luyện thi cũng phát triển rầm rộ, với muôn vàn cách “quảng cáo” thu hút học sinh. Thực trạng này đã được Tạp chí Đời sống & Pháp luật đề cập qua loạt bài trải nghiệm học thêm tại các “lò luyện thi” có tiếng trên địa bàn Hà Nội như: Trung Tâm Tiến bạc, Trung tâm luyện thi Đại Cồ Việt.

Trao đổi với PV, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Dạy thêm, học thêm, theo tôi là một hiện tượng không đẹp, nhưng ngành giáo dục chưa “dẹp” được”.

TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).

TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).

Không đẹp, đầu tiên phải nhìn nhận đó là trong công tác dạy học vẫn còn để xảy ra tình trạng học sinh có lực học yếu, phải đi học thêm. Nếu chỉ cá biệt một số trường hợp thì sẽ có cách giải quyết nhưng đây là đại trà thì cần phải xem lại chương trình giáo dục như thế có nặng lắm không? Từ đó, TS Lê Viết Khuyến đặt ra câu hỏi về trách nhiệm từ phía nhà trường, từ cơ quan quản lý.

“Nếu nói chương trình giáo dục nặng, so với một số nước thì học sinh vẫn đáp ứng được, như vậy chúng ta phải xem lại cách dạy của mình”, chuyên gia giáo dục Lê Viết Khuyến chia sẻ quan điểm.

Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, chương trình dạy của chúng ta hiện nay vẫn mang tính đồng loạt. Triết lý của chúng ta vẫn là triết lý truyền đạt nội dung, tức là giáo dục là quá trình truyền đạt kiến thức của người thầy đến người học, chứ chưa thay đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực.

Do vậy, cần xem lại cách giáo dục của mình, vì sao chưa hiệu quả để phải học thêm. Từ đó phải tìm cách xử lý nó, mà cụ thể là chúng ta cần đề cập bài toàn tổng thể, đầu tiên đi từ chương trình giáo trình, đi từ sách giáo khoa, rồi đến cách thi cử, kiểm tra đánh giá.

“Ngành giáo dục phải xem lại chương trình phù hợp với người học chưa? Phù hợp với chủ trương đổi mới chưa? Thì từ đó kéo theo sách giáo khoa phải biên soạn như thế nào, cấu trúc lớp như thế nào. Nếu chưa làm được điều đó thì đừng nôn nóng thay đổi chuẩn sách giáo khoa, chuẩn nội dung của một số nước phát triển để áp đặt cho mình. Bên cạnh đó cần có khung pháp lý quy định đồng bộ. Và đặc biệt, theo tôi nếu cái gì đã không đẹp thì nên “dẹp” nó đi”, TS Khuyến nhấn mạnh.

Nhiều lò luyện thi không được công nhận

Luật sư Trần Ngọc Cảnh – thuộc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Trước đây, việc quản lý học thêm, dạy thêm ngoài nhà trường được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDDT, trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt năm theo Nghị định số 138/ND-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Luật sư Trần Ngọc Cảnh – thuộc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự.

Luật sư Trần Ngọc Cảnh – thuộc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự.

Tuy nhiên, ngày 26/8/2019, theo Quyết định số 2499/QĐ-BGDDT của Bộ giáo dục đào tạo thì các điều khoản về tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đều bị công bố hết hiệu lực. Cùng với đó Nghị định số 138/ND-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng hết hiệu lực từ ngày 10/03/2021. Điều này đã tạo điều kiện cho các hoạt động tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường “bùng phát” thiếu sự kiểm soát của nhà nước.

Về nguyên tắc, hiện nay theo Thông tư 17/2012/TT-BGDDT thì nhà nước chỉ công nhận hoạt động dậy thêm trong nhà trường, theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT: "Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức."

Theo Luật sư Cảnh, hiện nay, việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường không được pháp luật công nhận và bảo vệ, vì vậy người dân khi đăng ký cho con em học thêm cần tìm hiểu rõ và lựa chọn các trung tâm đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

“Đối với các trung tâm tự phát, không đủ điều kiện và không được cấp phép, quyền lợi của học viên sẽ không được đảm bảo. Việc đưa ra các cam kết chất lượng như sẽ đỗ 100% nhằm lôi kéo học viên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi đăng, cung cấp, công bố thông tin sai sự thật”, Luật sư Cảnh phát biểu.

Nguồn: [Link nguồn]

'Trào lưu' luyện thi IELTS và lời khuyên của chuyên gia giáo dục

Hiện nay, chứng chỉ IELTS không chỉ được biết đến là chứng chỉ để đi du học hay xin việc… mà còn đang được sử dụng như "tấm vé thông hành" vào các trường đại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tư Viễn ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN