Những bài thi tốt nghiệp THPT 2021 sáng tạo, có quan điểm phản biện có được tính điểm?

Bắt đầu từ ngày 13/7, nhiều địa phương trên cả nước đã bắt tay vào chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 với môn Ngữ văn, môn tự luận duy nhất trong kỳ thi. Vấn đề được dư luận quan tâm là quy trình chấm thi môn Ngữ văn sẽ được thực hiện như thế nào khi mà nhiều giáo viên cho rằng, đáp án môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố có phần bó hẹp, chưa thực sự “mở”, liệu có gây “thiệt thòi” cho những thí sinh có ý tưởng phản biện và sáng tạo?

Đáp án bó hẹp, học sinh có bị thiệt thòi?

Đó là băn khoăn được nhiều giáo viên đặt ra ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chấm thi môn Ngữ văn, môn tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. 

Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An ( Hà Nội), câu 3 phần đọc hiểu là câu hỏi thông hiểu kết hợp vận dụng, đòi hỏi thí sinh áp dụng những trải nghiệm thực tế và văn chương, thể hiện cách hiểu, cảm xúc riêng. Câu hỏi mang tính mở, đồng nghĩa với việc chấp nhận cách hiểu đa dạng, khác biệt ở mỗi thí sinh. 

Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 26/7.

Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 26/7.

Tuy nhiên, đáp án của Bộ GD&ĐT lại đóng kín với 3 ý: "Dòng chảy của nước chậm rãi, hiền hòa/ Cuộc sống của con người thanh bình, yên ả/ Dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hòa!". Ở câu nghị luận văn học, đáp án cũng tương đối bó hẹp, chưa thực sự mở. “Với tính cá thể hoá cao độ của môn Văn và tính đa dạng, khác biệt của các chủ thể tiếp nhận, không nên đưa ra những phương án đáp án cứng nhắc, đáp án chỉ nên là một hay nhiều phương án gợi ý tham khảo cho học trò và giám khảo trong việc đối chiếu và đánh giá bài làm. 

Với đáp này, rất cần sự đánh giá công tâm, tinh sắc của giám khảo trước các phương án nghị luận, cách cảm, cách hiểu thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo và cái tôi cá tính của học trò để các em không bị thiệt thòi”-cô Trịnh Thu Tuyết nêu ý kiến. 

Đồng quan điểm này, cô Phạm Thái Lê, giáo viên một trường THPT tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho rằng: Câu 3 phần đọc hiểu, mỗi học sinh có thể hoàn toàn hiểu theo mỗi cách khác nhau. Trong khi đó, nếu học sinh trả lời khác đáp án của Bộ GD&ĐT và sẽ không có điểm thì sẽ rất thiệt thòi cho các em, nhất là những bài thi đưa ra được ý kiến phản biện riêng. Điều này sẽ không khuyến khích được tính sáng tạo, đa dạng, vốn rất cần đối với môn học như Ngữ văn.

Sẽ đánh giá linh hoạt những sáng tạo trong bài làm của thí sinh

Trong 2 ngày 13 và 14/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ-Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi tại các tỉnh phía Bắc. Ông Bùi Văn Xuân, Phó trưởng ban chấm thi Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: 82 cán bộ trực tiếp chấm môn Ngữ văn đều là giáo viên THPT vững về chuyên môn, được lựa chọn từ các vùng miền khác nhau của Yên Bái, để đảm bảo mặt bằng chung trong công tác chấm. Thầy cô được tập huấn kỹ lưỡng về nghiệp vụ, quy chế chấm thi; được tiêm phòng vắc xin để phòng chống COVID-19. 

Đặc biệt, ngay sau khi khai mạc chấm môn Ngữ văn, Ban chấm thi tự luận đã dành gần gần 4 tiếng để trao đổi kỹ lưỡng về đáp án, hướng dẫn chấm, cũng như thảo luận về 10 bài chấm chung nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức chấm của các thành viên. 

“Qua quá trình nghiên cứu hướng dẫn và đáp án, cũng như trực tiếp chấm thi, cán bộ chấm thi đánh giá Hướng dẫn chấm - căn cứ quan trọng nhất để chấm thi môn Ngữ văn- được xây dựng theo hướng mở, cho phép người chấm linh hoạt trong đánh giá bài làm của thí sinh, kể cả các bài có quan điểm mang tính phản biện”- Ông Xuân chia sẻ. 

Tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Phú Thọ, các cán bộ chấm thi tự luận cũng cho biết, công tác chấm bài khá thuận lợi nhờ hướng dẫn chấm vừa rõ ràng, vừa có tính mở. Những sáng tạo trong bài làm của thí sinh được đánh giá linh hoạt. Hội đồng quán triệt kỹ lưỡng tinh thần đảm bảo cao nhất quyền lợi cho thí sinh trong công tác chấm thi.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các Hội đồng chấm thi cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành công tác chấm thi, đảm bảo an toàn về dịch và chất lượng tốt nhất. Những tình huống phát sinh trong quá trình chấm, khi xử lý, phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi của thí sinh. 

Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đáp án, thang điểm là quy định cụ thể, nhưng hướng dẫn chấm mới là căn cứ quan trọng giúp giám khảo dựa vào để chấm trong các tình huống bài làm khác nhau của thí sinh.  Để việc chấm thi môn Ngữ văn chính xác và không bỏ sót nội dung mà thí sinh làm tốt, thậm chí hay hơn đáp án, rất cần sự thảo luận kỹ và thống nhất trong hội đồng và chấm chung một số bài thi để phân tích, đi tới điểm chung trong việc chấm, vì quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Mỗi bài thi tự luận sẽ được chấm hai vòng độc lập

Theo quy chế chấm thi tự luận của Bộ GD&ĐT, mỗi bài thi tự luận sẽ được chấm hai vòng độc lập bởi 2 cán bộ chấm thi thuộc 2 tổ chấm thi khác nhau. Trong trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau dưới 1,0 điểm thì hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm. 

Trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần chấm lệch nhau từ 1,0 - 1,5 điểm thì hai cán bộ chấm thi thảo luận và phải ghi lại biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm. Đặc biệt, nếu hai cán bộ chấm thi không thống nhất được điểm thì trưởng môn chấm thi lập biên bản quyết định điểm, ghi điểm và cùng hai cán bộ chấm thi ký, ghi rõ họ tên vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh. Trong trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau trên 1,5 điểm thì trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng màu mực khác.

Nguồn: [Link nguồn]

Xuất hiện bài thi Văn đạt 9,25 điểm

Trong hai ngày 13-14/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dẫn đầu đoàn công tác đã kiểm tra chấm thi tại 3 tỉnh Tuyên Quang,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hùng Quân ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN