Nhọc nhằn "cõng chữ" lên vùng cao Sa Thầy

Từ TP Kon Tum phải mất hơn một ngày, vượt qua 200 km đường rừng, chúng tôi mới tới được các xã vùng sâu Ia Tơi, Ia Đal, Ia Dom (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), nơi các giáo viên vẫn miệt mài gieo chữ cho trẻ em nghèo.

Nhọc nhằn "cõng chữ" lên vùng cao Sa Thầy - 1

Đường đang triển khai thi công, nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng của máy móc, công nhân…

Ăn măng rừng, tắm nước sông dạy học

Những ngày đầu tháng 9, tôi cùng với một số đồng nghiệp đã có chuyến công tác về các xã thuộc phía Nam của huyện Sa Thầy (Kon Tum). Vượt khoảng 200 km từ TP Kon Tum đến TP Pleiku (Gia Lai) sau đó ngược theo đường Hùng Vương (QL14C) rồi cứ thế đi mãi về phía biên giới qua huyện Ia Grai (Gia Lai) rồi mới có thể đến được các xã Ia Tơi, Ia Đal, Ia Dom (huyện Sa Thầy, Kon Tum).   

"Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì đường ngập bùn lầy nhão nhoẹt, dính như keo. Trong mỗi chuyến đi phải có bộ đồ nghề sửa chữa gồm: Cờ lê, mỏ vít, bơm hơi… Đường rừng thưa nhà dân và ít quán sá, không có đồ nghề thì không biết xoay xở ra sao”.

Thày Hà Văn Triển Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du

Con đường dốc núi quanh co ngợp bóng cao su dẫn chúng tôi tới Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ia Dom). Thày Hà Văn Triển, Hiệu trưởng nhà trường mừng rỡ đón khách dùng bữa tối với vài món đạm bạc như măng rừng chua, măng kho cá, canh măng và món trứng chiên…

Cô giáo Hồng cho biết, hàng hóa ở đây đắt lắm, vì phải chạy xe máy qua hàng chục km đường xấu. Bởi vậy, nên một số thày trong trường đã sắm lưới bắt cá ở sông Sa Thầy để cải thiện bữa ăn.

Tập thể nhà trường chỉ có 11 thày cô, nhưng vẫn thiếu chỗ ở, một số thày cô ở tập thể, một số khác thì phải ở nhờ nhà dân. Trường chưa có điện, chưa có nước sinh hoạt và mọi sự đều nhờ vào con suối gần đó. 

“Mùa này ở Nam Sa Thầy buổi chiều hay mưa, mà mưa về thì nước suối đục lắm, nhưng chúng tôi tắm giặt ở suối quen rồi, nên nhiều khi đang tắm có phụ huynh ngang qua chào là chuyện thường. Chỉ thương các giáo viên nữ cứ chờ buổi tối mịt mới dám ra suối để tắm giặt”, thày Triển kể. Trước đây nhà trường đã đầu tư khoan giếng, nhưng khoan xuống 70 m vẫn chỉ thấy toàn đá, không có nước, đến nỗi nhà vệ sinh xây lên rồi phải khóa lại vì không có nước để sử dụng. 

Mong một con đường

Không điện, không nước, thiếu thốn đủ bề, nhưng điều khiến các cô giáo sợ nhất lại là con đường. Cô Hồng kể: “Em bị lạc đường hai lần rồi, khiếp lắm! Có lần đi một mình, trời tối, đi mãi nhưng không tới nơi. Vừa lo, vừa sợ, nước mắt rơi mà vẫn phải cố bình tĩnh dò dẫm đi tiếp. Cũng may gặp được anh bộ đội chỉ đường về làng, xin ngủ lại nhà dân.”

Để mang con chữ đến với trò nghèo ở buôn làng vùng sâu, các thày cô ở ba xã phía Nam Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã không quản ngại khó khăn. Thày Triển cho hay, nhiều khi muốn về thăm nhà và con cái, nhưng cả đi lẫn về mất hơn một ngày. Ở đây có QL14C hướng Ngọc Hồi (Kon Tum) có thể về tới huyện Sa Thầy, con đường này chỉ khoảng 70 km là tới nhà nhưng đường quá xấu, không thể đi được. Muốn về phải đi đường vòng, khoảng 200 km, ngược sang Gia Lai mới về Kon Tum được...

“Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì đường ngập bùn lầy nhão nhoẹt, dính như keo. Trong mỗi chuyến đi phải có bộ đồ nghề sửa chữa gồm: Cờ lê, mỏ vít, bơm hơi… Đường rừng thưa nhà dân và ít quán sá, không có đồ nghề thì không biết xoay xở ra sao”, thày Triển nói.

Còn một số công nhân cao su của nông trường nơi đây cho biết, có những lúc đi phải quấn xích vào lốp xe, chế lại giảm xóc thì mới có thể đi đường được. Còn ở nơi đây mỗi lít xăng giá tới 30 nghìn đồng. Không riêng gì xăng mà tất cả các vật giá đều bị đẩy lên. Trong khi đó, người dân tại xã Ia Dom, Ia Tơi, Ia Đa hầu hết đều là công nhân của các nông trường cao su.

Thời buổi cao su mất giá, trong khi vật giá ở vùng biên này cứ đội lên trên trời, nên đời sống công nhân càng trở nên khó khăn hơn. “Chúng em chỉ mong QL14C được nâng cấp, hoàn thành sớm để khu này đỡ như ốc đảo”, một công nhân cao su đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Yên (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN