Nhờ ‘phao cứu sinh’ có địa phương tăng trên 40% đỗ tốt nghiệp THPT

Sự kiện: Giáo dục

Phao cứu sinh 30% điểm học bạ đã thực sự “cứu” tỷ lệ tốt nghiệp tại một số địa phương.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại Hà Nội. Ảnh mang tính minh hoạ

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại Hà Nội. Ảnh mang tính minh hoạ

Theo số liệu thống kê của TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH FPT, phao cứu sinh 30% điểm học bạ đã có tác động đáng kể đối với một số địa phương trong việc nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021. Đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ có khoảng 2% thí sinh nên không ảnh hưởng đến bức tranh chung của cả nước.

Cụ thể, đối với các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, nếu chỉ tính điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh cao nhất là tỉnh Lào Cai, đạt 87,58%. Kế đến là Yên Bái, 82,70% và thấp nhất là Hòa Bình 64,77%.

Nhờ ‘phao cứu sinh’ có địa phương tăng trên 40% đỗ tốt nghiệp THPT - 2

Có thể thấy, nếu xét tốt nghiệp THPT bằng điểm thi, tỉnh cao nhất và thấp nhất của khu vực Tây Bắc chênh nhau gần 23%.

Nhưng dùng đến phao cứu sinh 30% điểm học bạ THPT lớp 12, khoảng cách này đã được rút xuống còn rất thấp. Khi đó, tỷ lệ tốt nghiệp của Lào Cai là 99,26% còn Hòa Bình là 97,49%. Khoảng cách đã được kéo gần lại chỉ còn chưa đến 3%. Nhưng điều này cũng tỷ lệ thuận với độ chênh lệch giữa có phao và không có phao với mỗi địa phương.

Hòa Bình cũng là tỉnh có độ chênh lớn nhất trong khu vực Tây Bắc, tới 32,72%. Tức nhờ phao cứu sinh 30% điểm học bạ THPT, mà tỷ lệ tốt nghiệp của địa phương này tăng thêm 32,72%. Lào Cai có độ chênh thấp nhất, 11,68%. Sơn La chênh 27,95%, Điện Biên chênh 23,37%, Yên Bái và Lai Châu cùng chênh trên 16%.

Đối với khu vực Tây Nguyên, thống kê cụ thể như sau:

Nhờ ‘phao cứu sinh’ có địa phương tăng trên 40% đỗ tốt nghiệp THPT - 3

Tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không dùng “phao cứu sinh” cao nhất khu vực Tây nguyên, 92,99%, Đắk Nông có tỷ lệ thấp nhất 72,98%. Tỷ lệ giữa hai địa phương này cách nhau tới 30%, tuy nhiên, khi dùng phao cứu sinh, tỷ lệ này đã giảm xuống còn hơn 1% (Đắk Nông đỗ tốt nghiệp 97,10%, Lâm Đồng là 99,63%).

Tương tự như khu vực Tây Bắc, sự chênh lệch tỷ lệ đỗ tốt giữa không cần phao và cần phao ở những địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp là rất lớn. Đắk Nông chênh lệch cao nhất khu vực Tây Nguyên với 24,12%, còn Lâm Đồng thấp nhất là 6,64%. Các địa phương còn lại là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum chênh từ 16% đến gần 21%.

Điều thú vị nhất trong số liệu thống kê này đó là sự chênh lệch rất lớn giữa địa phương có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp cao nhất nước và địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất nước. Cụ thể:

Nhờ ‘phao cứu sinh’ có địa phương tăng trên 40% đỗ tốt nghiệp THPT - 4

Bình Dương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không nhờ phao cao nhất nước là 99,28%, cũng là địa phương có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao nhất nước; còn Hà Giang là 51,49% và là địa phương có hai chỉ số trên thấp nhất nước. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không cần phao cứu sinh của hai địa phương này cách nhau tới trên 47%.

Tuy nhiên, khi có phao cứu sinh 30% điểm học bạ THPT, Hà Giang có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 93,22%, còn Bình Dương vẫn là 99,28%. Như vậy, phao cứu sinh đã giúp Hà Giang có thêm 41,73% thí sinh đỗ tốt nghiệp, và cũng là địa phương có tỷ lệ chênh này lớn nhất nước.

Từ những con số trên, TS. Lê Trường Tùng cho rằng phao cứu sinh chỉ để nâng tỷ lệ tốt nghiệp cho các tỉnh có chất lượng giáo dục thấp và làm méo bức tranh giáo dục chung của cả nước.

Bảng thống kê: TS. Lê Trường Tùng

Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Giải quyết nguyện vọng đến từng thí sinh

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT nói rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2 đã giải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN