Nhìn lại kỳ tuyển sinh 2020: Lần đầu tiên xuất hiện ngành Hoa Kỳ học, Golf...

Sự kiện: Giáo dục

Ở mùa tuyển sinh 2020, để bắt kịp xu hướng phát triển của công nghiệp 4.0, các trường đại học nhanh chóng “nhảy vào” đào tạo các ngành liên quan đến AI, loT, robot… Đồng thời, các trường cũng đua nhau mở nhiều ngành mới khác. Đáng chú ý, có nhiều ngành học "lạ" lần đầu tiên xuất hiện như Hoa Kỳ học, Golf...

Nhiều trường mở ngành AI, loT, robot

Xu hướng dễ thấy trong mùa tuyển sinh 2020 là nhiều trường đại học thông báo mở thêm các ngành đào tạo liên quan trí tuệ nhân tạo (AI), robot, hệ thống dữ liệu, tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo. Ở mùa tuyển sinh năm 2019, trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tuyển sinh ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, trường ĐH FPT tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Điểm chuẩn những ngành này ở 3 trường nói trên đều rất cao.

Xu hướng dễ thấy trong mùa tuyển sinh 2020 là nhiều trường đại học thông báo mở thêm các ngành đào tạo liên quan trí tuệ nhân tạo (AI), robot, hệ thống dữ liệu.

Xu hướng dễ thấy trong mùa tuyển sinh 2020 là nhiều trường đại học thông báo mở thêm các ngành đào tạo liên quan trí tuệ nhân tạo (AI), robot, hệ thống dữ liệu.

Đến năm nay, các trường đại học khác cũng không thể đứng ngoài cuộc, con số trường có đào tạo các ngành thời thượng này tăng đáng kể. Điển hình như trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP. HCM) công bố sẽ có thêm hai ngành mới nhằm đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao trong xu thế 4.0, gồm Khoa học Máy tính hướng trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật Máy tính hướng hệ thống nhúng và IoT (Internet of Thing - Internet vạn vật). Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) thông báo mở thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao, trong đó có chuyên ngành Kỹ thuật Robot (nằm trong ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử). Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học Dữ liệu.

Tương tự, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM cũng mở 2 ngành mới là IoT và AI ứng dụng, Khoa học Dữ liệu. Trong đó, IoT và AI ứng dụng được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động. Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM mở ngành Khoa học dữ liệu trong Kinh doanh. Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐHQG TP. HCM) cũng mở thêm 3 chương trình đào tạo mới gồm: Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh của khoa Toán Kinh tế, Kinh doanh số và Trí tuệ nhân tạo của khoa Hệ thống thông tin, Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại) Chất lượng cao bằng tiếng Anh của khoa Kinh tế đối ngoại. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cũng mở thêm ngành Hệ thống nhúng và IoT ở kỳ tuyển sinh 2020. 

ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) cho rằng, việc mở ngành Khoa học Dữ liệu là để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả vấn đề liên quan như big data, AI, IoT... đều cần nguồn dữ liệu tốt và đương nhiên cần đến những người làm công việc này một cách khoa học.

Còn PGS. TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, Trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành mới rất được kỳ vọng. Khi xu thế của xã hội đang tiến rất nhanh về AI thì trường cũng không thể đứng ngoài xu thế. Vả lại, sự chuẩn bị nhân lực lĩnh vực này cho các năm tới là hết sức quan trọng.

Theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ, thị trường nhân lực hiện tại và sắp tới rất cần lao động liên quan lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo. Do đó, các cơ sở đào tạo, nhất là trường đại học phải ưu tiên, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ năng lực cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.

Theo ông Tuấn, dù ở ngành nghề nào, người lao động trong thời đại 4.0 bắt buộc phải có những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, thống kê mang tính tổ chức và quy trình, khả năng tương tác hiện đại. Dù rất cần và thiếu, thị trường chỉ cần những lao động thực sự có kỹ năng tốt, kiến thức am hiểu. Các trường phải đào tạo thực sự chất lượng chứ không phải chạy theo thị hiếu, ồ ạt mở ngành mới, đặt tên cho thật “kêu”, rất 4.0 nhưng cuối cùng đào tạo không tới đâu.

Mở nhiều ngành mới

Một xu hướng khác ở mùa tuyển sinh 2020 là các trường đại học mở khá nhiều ngành học mới, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai, mặt khác cũng tăng sức hấp dẫn đối với thí sinh.

Cụ thể, trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: Kỹ thuật Phần mềm, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, Quan hệ quốc tế, Kinh doanh quốc tế. Trường ĐH Công nghệ TP. HCM có 4 ngành mới là: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Ngôn ngữ Trung Quốc. Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM mở thêm các ngành mới là ngành Luật và ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Hàn Quốc. 

Một xu hướng khác ở mùa tuyển sinh 2020 là các trường đại học mở khá nhiều ngành học mới.

Một xu hướng khác ở mùa tuyển sinh 2020 là các trường đại học mở khá nhiều ngành học mới.

Ngành Golf cũng lần đầu tiên xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2020 tại trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đây cũng là trường đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo mã ngành này. Ngoài ra, trường này còn mở hàng loạt ngành học mới ở bậc đại học, gồm: Marketing, Kế toán chuyên ngành Kế toán quốc tế. Đồng thời, trường cũng mở 9 ngành thuộc chương trình chất lượng cao, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Ngoài 28 ngành đang đào tạo, năm 2020 trường ĐH Hoa Sen mở 6 ngành mới gồm: Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, Quản trị Sự kiện, Nghệ thuật số, Bảo hiểm. Tính tới thời điểm này, đây là trường đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành Hoa Kỳ học.

Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) có các ngành mới là: Tôn giáo học, Quản trị Văn phòng. Đây là trường đầu tiên ở phía Nam đào tạo cử nhân ngành Tôn giáo học. Trường ĐH Nha Trang có 1 ngành mới là Kỹ thuật Cơ khí động lực và 1 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE - Kế toán.

ĐH Đà Nẵng có thêm nhiều ngành mới, trong đó, trường ĐH Bách khoa đã mở thêm 3 ngành/chương trình đào tạo mới gồm: Ngành Kỹ thuật Máy tính, chuyên ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo thuộc ngành Công nghệ thông tin và chuyên ngành Cơ khí Hàng không thuộc ngành Kỹ thuật Cơ khí.

Các chuyên gia cho rằng, việc các trường đại học mở thêm các ngành học mới đáp ứng nhu cầu của người học và mở rộng nhiều hình thức tuyển sinh thể hiện quyền tự chủ của các trường, tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh cũng như cơ hội việc làm ở những ngành học mới.

Nguồn: [Link nguồn]

Một ngành học siêu tiềm năng, không bao giờ lo thất nghiệp, lương nhân viên đã hơn 30 triệu lại còn thoải mái vi vu khắp mọi nơi

Nếu bạn là người có tầm nhìn xa, khả năng phán đoán tốt thì đây chính là ngành học bạn nên cân nhắc theo đuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quế Sơn ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN