Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em: Vì sao trẻ chưa biết tự bảo vệ mình?

Sự kiện: Giáo dục

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian qua gây sự phẫn nộ, bức xúc trong xã hội. Vậy nhà trường đã dạy trẻ những gì, làm thế nào để các em có thể tự bảo vệ mình? Câu hỏi khiến các nhà làm giáo dục trăn trở…

Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em: Vì sao trẻ chưa biết tự bảo vệ mình? - 1

Nhà trường cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Dạy bằng… kinh nghiệm của giáo viên

Bà  Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội  cho biết nhà trường đặc biệt  chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống. Có thể coi đây là khâu đột phá của năm học này. Có nhiều kỹ năng được dạy cho học sinh nhưng kỹ năng rất cần là kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

“Kỹ năng tự bảo vệ và tìm kiếm hỗ trợ được đặc biệt chú trọng. Nhà trường lồng ghép trong các tiết đạo đức và tiết kỹ năng sống hoạt động tập thể. Ngoài ra có nhiều chương trình ngoại khoá như tổ chức truyền thông tại sân trường, mời bác sĩ của trung tâm dân số nói chuyện chuyên sâu với học sinh khối 4, 5 vì các con đang ở giai đoạn phát triển về thể chất và thay đổi tâm lý” – bà Thanh cho hay. 

Theo bà Thanh, học sinh phải biết phòng vệ bằng những hình thức đơn giản như nhìn thẳng vào mắt để tỏ thái độ của mình. Rồi tìm đến những người lớn gần nhất để nhờ sự hỗ trợ, và thường xuyên được nhắc nhở thì học sinh sẽ có những phản ứng rất tốt.

Bà Thanh khẳng định giáo dục kỹ năng phải hàng ngày hàng giờ chứ không phải chỉ có một, hai tiết… Bên cạnh đó, trường cũng có hệ thống camera bảo đảm an toàn ở khu hành lang và những chỗ khuất, khó nhìn. Phụ huynh muốn đón con sớm, bảo vệ sẽ phát giấy yêu cầu có chữ ký của giáo viên mới được đón con.

Tại trường Tiểu học Cao Quảng, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, giáo dục giới tính cho học sinh được lồng ghép vào chương trình kỹ năng sống, được dạy vào các tiết sinh hoạt đầu tuần hay tiết hoạt động ngoại khóa. 

Bà Đoàn Thị Minh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, với yêu cầu hiện nay thì việc  dạy lồng ghép như thế chưa đáp ứng được. Qua tình hình thực tế, những phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, trường đã  giao cho giáo viên tổng phụ trách lên kế hoạch một tuần ngoại khóa một buổi.

“Giáo dục giới tính chưa có chương trình chính khóa, nên trường chủ yếu giáo dục học sinh cách tự bảo vệ mình. Đi học qua những chỗ vắng người thì phải rủ bạn cùng xóm đi với nhau, có vấn đề  gì phải báo trực tiếp với cô giáo, không được giấu” - bà Minh nói. 

Cũng vì chưa có chương trình cụ thể, nên theo bà Minh, các cô dạy bằng kinh nghiệm của bản thân. Trước đây, có môn giáo dục sức khỏe, rất thuận tiện cho giáo viên giáo dục giới tính cho học sinh. Giờ môn học này đã bị cắt bỏ, nên các trường đều phải dạy lồng ghép.

Cả xã hội, gia đình, nhà trường cùng vào cuộc

Bà Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và Trí tuệ Việt, cho rằng các trường  đang dừng lại ở các lớp liên quan đến sinh học đơn thuần, còn về giới tính chuyên sâu và tình dục an toàn, khuyết hẳn trong trường học, giáo viên không thể giảng dạy được. 

Bởi họ không được đào tạo bài bản, chính quy, không có kỹ năng giảng dạy. Hơn nữa, tài liệu thiếu nên không thể có tiết học sâu chuyên về kỹ năng sống. Mặt khác, theo bà Lan Anh, nhà trường, hay giáo viên đều bị ảnh hưởng tâm lý Á đông, ngại ngùng, lúng túng về phương pháp, kỹ năng khi giảng dạy cho trẻ liên quan đến giáo dục giới tính. 

Giáo dục giới tính vẫn là vùng cấm mà mọi người ngại chia sẻ. Chính vì thế, nên ở các vùng miền, đến giờ học liên quan đến giáo dục giới tính, giáo viên đều tách riêng nam một lớp, nữ một lớp, vì lo kỹ năng chưa đủ dầy để dạy học sinh. Còn chương trình học tại các trường cũng không liền mạch, rời rạc.

Về phía phụ huynh,  bà Lan Anh cũng cho biết chưa đủ kiến thức để trang bị cho con vì bản thân bố mẹ cũng thiếu kiến thức giáo dục. Do văn hoá Á đông khiến bố mẹ không muốn cho con tham gia các khoá học như vậy, không để cho con tiếp cận thông tin chính thống. 

“Nếu phụ huynh không cho con cái biết họ đang đứng về phía con mình thì khi con bị xâm hại sẽ không dám chia sẻ. Đó là thất bại của giáo dục gia đình. Nạn xâm hại tình dục mới chỉ là phần nổi trên tảng băng chìm, làm sao phá băng được thì mới quan trọng” - bà Lan Anh khẳng định.

Hiện có 15-16 cơ quan bảo vệ quyền lợi trẻ em, bà Lan Anh cho rằng cần công khai hòm thư nóng, số điện thoại để bảo vệ trẻ, giúp nạn nhân dám nói ra tai nạn ngoài ý muốn. Từ cộng đồng, phải nhìn nhận xâm hại tình dục một cách khách quan, tôn trọng, đứng về phía gia đình bị hại, không kỳ thị. 

Cơ quan công quyền, khi gia đình tố cáo thì có chính sách tư vấn tâm lý ngay tại thời điểm tố cáo. Bệnh viện nên phối hợp với công an chứ không phải chỉ làm theo chức trách bình thường gây tâm lý e ngại cho người tố cáo.

“Cần hướng tới giá trị nhân văn. Cấp địa phương, công an khi tiếp nhận thông tin trẻ bị xâm hại cần sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình nhất có thể, thay vì dửng dưng khiến người tố cáo bị tổn thương sâu hơn. 

Ở Việt Nam, dịch vụ tư vấn tâm lý chưa phát triển nên các cơ quan bảo vệ trẻ em cần công khai đơn vị tư vấn để trực tiếp giúp đỡ các gia đình” - bà Lan Anh nói. 

Bà Đoàn Thị Minh, hiệu trưởng trường tiểu học Cao Quảng, cho rằng, cần phải có giáo trình, giáo án cụ thể, khoa học và đầy đủ cho vấn đề giáo dục giới tính đối với học sinh. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN