Nhiều vụ bạo lực học đường gây phẫn nộ: Do đang cổ vũ những giá trị vượt trội?
Chúng ta đang cổ vũ những giá trị vượt trội, trong đó có việc con cái cần phải học tập vượt trội, không được thua bạn bè… Đề cao lợi ích cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến sự hung hãn.
Hình ảnh học sinh bị đánh dã man
Đó là một trong những nguyên nhân mà các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục chỉ ra khi những vụ việc gây phẫn nộ như nữ sinh bị đánh hội đồng, bắt cúi liếm chân; Nam sinh lớp 8 tự tử sau khi bị đánh, làm nhục trước bạn bè; Bảo mẫu đánh, trói, nhét giẻ vào miệng bé 15 tháng tuổi trong năm 2016.
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, theo như những quan sát của chị trong suốt 30 năm qua thì tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng về số lượng, phạm vi và mức độ.
“Ngày chúng tôi đi học, việc đánh nhau chỉ dừng ở mức xô xát giữa bạn học và thường rất hiếm khi xảy ra. Ngày này, nguyên nhân bạo lực, hình thức bạo lực, mức độ và phạm vi đã lớn hơn rất nhiều. Những vụ đánh hội đồng, cầm ghế, gậy gộc, … đánh nhau, xé quần áo, làm nhục bạn bè phát triển lan rộng khắp nơi. Đặc biệt là tình trạng bạo lực lan đến các nữ sinh và có chiều hướng ngày càng gia tăng”- TS Hương cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận, tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em ứng xử thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ học sinh nam đánh nhau, mà còn khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng theo bà Nghĩa, nhiều học sinh thiếu ý thức, vô cảm trước những hành vi bạo lực, không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video clip và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho những hành vi bạo lực này.
Sự cạnh tranh quá sớm trong nhà trường là một trong các yếu tố dẫn đến việc đứa trẻ không hiểu đâu là giá trị tốt đẹp, đâu là những điều chưa tốt cần sửa. Trẻ bị áp lực về thành tích, lao đầu vào học nên không có thời gian để vui chơi, để hoạt động ngoại khóa và để yêu thương. TS. Phạm Mạnh Hà |
“Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay.
Tình trạng bạo lực học đường làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, môi trường xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì vậy chúng ta cần phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, hạn chế và tiến tới chấm dứt nó”- Bà Nghĩa nói.
Do chúng ta đang cổ vũ những giá trị vượt trội?
TS. Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho biết, những nghiên cứu mà ông tiếp cận cho thấy, chính việc đảo lộn giá trị sống là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự hung hãn, bạo lực ngày càng gia tăng trong trường học.
“Chúng ta đang cổ vũ những giá trị vượt trội, trong đó có việc con cái cần phải học tập vượt trội, không được thua bạn bè. Đề cao lợi ích cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến sự hung hãn” - TS. Hà cho biết
Cũng theo TS Hà, chính sự cạnh tranh quá sớm trong nhà trường là một trong các yếu tố dẫn đến việc đứa trẻ không hiểu đâu là giá trị tốt đẹp, đâu là những điều chưa tốt cần sửa. Trẻ bị áp lực về thành tích, lao đầu vào học nên không có thời gian để vui chơi, để hoạt động ngoại khóa và để yêu thương.
Những vụ bạo lực học đường gây phẫn nộ năm 2016 Nữ sinh bị đánh hội đồng, bắt cúi liếm chân; Nam sinh lớp 8 tự tử sau khi bị đánh, làm nhục trước bạn bè; Bảo mẫu đánh, trói, nhét giẻ vào miệng bé 15 tháng tuổi... là một trong số những vụ bạo lực học đường gây phẫn nộ dư luận trong năm 2016. |
Cũng theo TS Hà, muốn giảm bạo lực, cần tăng các hoạt động ngoại khóa cho trẻ, hạn chế cho trẻ tiếp cận với internet quá nhiều khiến trẻ bị lây nhiễm các hành vi xấu từ mạng xã hội - đây cũng là cách để cha mẹ bảo vệ con khỏi tình trạng bạo lực học đường.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, vấn đề cốt lõi ở đây cũng như mọi vấn đề khác đều đến từ giáo dục. Tuy nhiên, giáo dục gia đình có vai trò lớn hơn nhiều so với giáo dục nhà trường ở vấn đề này cũng như các vấn đề khác.
“Vì thế, gia đình cũng cần có những điều chỉnh và giáo dục trẻ phù hợp, đặc biệt là ở 2 nội dung giáo dục đạo đức ở trên. Ngoài ra, việc bố trí lại lịch làm việc, thay đổi cách giáo dục trẻ của nhà trường và gia đình cũng sẽ làm giảm hiện tượng bạo lực học đường”- TS Hương cho biết.