Nhiều trường đại học muốn được khai tử êm ái

Sự kiện: Tin nóng

Khẳng định lại năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ quy hoạch, rà soát mạng lưới trường ĐH. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, nhiều trường cũng muốn được khai tử êm ái, không muốn kéo dài tình trạng chết lâm sàng.

Nhiều trường đại học muốn được khai tử êm ái - 1

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Đội ngũ mỏng, chất lượng thấp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên lớn thì khó có thể có chất lượng được”.

Tại hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng  GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, trong đó có chất lượng đào tạo của các trường đại học (ĐH).

3 yếu tố ảnh hưởng chất lượng đào tạo

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, có ba yếu tố ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Thứ nhất là đội ngũ. “Đội ngũ mỏng, chất lượng thấp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên lớn thì khó có thể có chất lượng được. Toàn ngành bình quân chỉ có 17-19% là tiến sĩ, còn phổ biến là thạc sĩ, ĐH. Vậy chất lượng thế nào?”, ông đặt câu hỏi. 

Thứ hai là cơ sở vật chất; chưa trường nào (kể cả trường ĐH quốc tế tại Việt Nam) xứng tầm là trường ĐH. “Một trường ĐH đâu phải chỉ là có chữ, còn phải là nơi sáng tạo. Nhiều trường của ta còn phải đi thuê, có những trường trông như nhà kho, thì làm sao sáng tạo được. Sinh viên phần lớn học chay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. 

Yếu tố thứ ba là tài chính. Hiện mới chỉ có một số ít trường ĐH có tích lũy, còn phần lớn vẫn lấy thu bù chi, mới chỉ mong tồn tại. 

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các trường còn rất yếu khâu dự báo; vẫn đào tạo theo hướng “vốn tự có” và dựa vào kinh nghiệm nên mới có hiện tượng nhiều ngành thừa nhân lực nhưng những ngành thị trường lao động cần thì thiếu.

 “Trách nhiệm của hiệu trưởng thế nào trước những dự báo? Nếu không nhanh chóng, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Chúng ta sẽ phải nhập khẩu lao động từ Philippines, Malaysia và xuất khẩu lao động giản đơn. Chính hiệu trưởng các trường ĐH phải chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo”, Bộ trưởng GD&ĐT nói.

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, chấn hưng giáo dục là chấn hưng từ người thầy. “Đầu tư cho thầy không lớn lắm. Tôi thấy buồn khi tỷ lệ giảng viên chỉ có 17-20% là tiến sĩ. Suốt một thời gian dài, chúng ta đã nói về vấn đề này, nhưng không khắc phục được vì không có đầu tư”, ông Sen nói.

Nhiều trường muốn được khai tử êm ái

PGS.TS Võ Văn Sen cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải quy hoạch lại các trường; Bộ GD&ĐT phải mạnh tay làm việc này. Sửa chữa, khắc phục, thậm chí là dẹp, vì trước đây chúng ta đưa nhiều trường không đủ chuẩn lên ĐH, ông Sen nói.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội, cho rằng, Bộ GD&ĐT phải có giải pháp để các trường làm đúng luật thì được lợi; còn như hiện nay, làm đúng luật mà vẫn thiệt thòi thì sẽ khó cho các trường làm đúng.

 “Bộ  GD&ĐT cần xác định là làm vì chất lượng giáo dục, chứ không phải làm để sao cho các trường có thể tồn tại, tuyển sinh được”, bà đề xuất.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong mùa tuyển sinh 2017, nhiệm vụ của Bộ không phải là tuyển sinh; đó là nhiệm vụ của các trường ĐH, Bộ chỉ hỗ trợ và đưa ra bộ quy chuẩn, yêu cầu các trường minh bạch thông tin cho xã hội. 

Bộ GD&ĐT cũng sẽ quy hoạch, rà soát mạng lưới trường ĐH. Bộ trưởng GD&ĐT cho biết, nhiều trường cũng muốn được khai tử êm ái, không muốn kéo dài tình trạng chết lâm sàng.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra 5 giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH thời gian tới, trong đó có tăng cường kiểm định chất lượng các trường ĐH. Theo ông Nhạ, hơn 20 trường ĐH, CĐ đã được kiểm định. 

Tuy nhiên, Bộ chỉ cho phép các trường áp dụng theo bộ tiêu chuẩn cũ đến giữa năm 2017; từ ngày 1/1/2018, các trường chưa kiểm định phải theo bộ tiêu chuẩn mới sắp được ban hành. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN