Nhiều trường đại học chọn xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Tính đến nay, các cơ sở giáo dục Đại học (ĐH) trên cả nước đều đã xác định được phương án tuyển sinh. Cơ bản, các trường ĐH đều lựa chọn xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ một số trường lựa chọn phương án thi tuyển sinh riêng.
Các thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Như Ý
Năm 2020, Học viện Tài chính tuyển sinh 4.200 chỉ tiêu, trong đó thực hiện các phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT năm 2020 ít nhất 50%, số còn lại xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Trường ĐH Thương mại vừa thông tin phương án dự kiến tuyển sinh hệ ĐH chính quy năm 2020. Theo đó, trường sẽ xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, năm 2020, trường ĐH Thương mại tuyển 3.800 chỉ tiêu và sử dụng 7 tổ hợp xét tuyển, gồm: D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh); D03 (Toán, Văn, Tiếng Pháp); D04 (Toán, Văn, Tiếng Trung); D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh); D91(Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Pháp); D95 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Trung); A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn).
Do quy định của Bộ GD&ĐT năm nay bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) chỉ còn 1 đầu điểm, không tách điểm các môn thành phần nên các trường cũng đã vận dụng linh hoạt để tuyển sinh.
Về xét tuyển, trường ĐH Thương Mại thực hiện xét tuyển theo 2 phương thức: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Thương mại cũng đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) là 18, mức điểm này bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.
ĐH Đà Nẵng đã họp với lãnh đạo các trường ĐH thành viên và thống nhất 4 phương thức xét tuyển năm 2020. Cụ thể: Thực hiện xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và theo Đề án tuyển sinh riêng của các trường, trong đó mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với ĐH Đà Nẵng tổ chức.
Xét tuyển dựa trên học bạ THPT điểm môn học trong tổ hợp xét tuyển là trung bình cộng điểm môn học lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (5 học kỳ). Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, sử dụng kết quả thi THPT hoặc kết hợp giữa kết quả thi với điểm học bạ THPT để xét tuyển.
Ngoài ra, ĐH Thái nguyên, ĐH Lâm Nghiệp, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cũng xét tuyển bằng kết quả học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Có thể thấy, khối các trường ĐH kinh tế công lập tại Hà Nội đều xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ (ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính), trừ ĐH Ngoại thương dành một phần chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển này, còn lại là xét tuyển kết hợp với các tiêu chí khác hoặc phối hợp cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá riêng.
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, chỉ khoảng 20% trở xuống thí sinh lớp 12 năm nay dự thi kỳ thi riêng do các trường ĐH tự tổ chức. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ được các cơ sở giáo dục ĐH triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH, với các phương thức tuyển sinh khác nhau như: sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra, … hoặc bổ sung thêm các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.
Các trường tốp đầu, có mức độ cạnh tranh cao thì có thể tổ chức kỳ thi riêng (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh. Có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt khác nhau trong năm. “Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh quy chế tuyển sinh phù hợp với quy định tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục ĐH” - Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, theo ông Phan Thanh Bình, Chủ Nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội, hiện nay khoảng 10% các cơ sở giáo dục ĐH top trên đã có phương án tuyển sinh; một số cơ sở giáo dục ĐH khác đồng thời đã công nhận phương thức đánh giá của những trường này. “Ví dụ, ĐHQG TP. HCM năm nay thực hiện đánh giá năng lực bằng một buổi thi trên máy tính rất nhẹ nhàng và hiện đã có 57 trường đại học đăng ký nhận sử dụng kết quả của ĐHQG TP. HCM để tuyển sinh” - ông Phan Thanh Bình cho hay.
Ngoài ra, nhiều trường ĐH cũng có xu hướng kết khối lại, tuyển sinh theo cụm trường; Bên cạnh đó, các trường cũng có thể sử dụng kết quả học bạ, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Tuy nhiên, xu hướng tương lai, theo ông Phan Thanh Bình, là các trung tâm đánh giá chất lượng phổ thông, có thể thực hiện đánh giá nhiều đợt trong năm; hiện một vài đơn vị bắt đầu thực hiện việc này; đồng thời, một số trường đại học cũng đã công nhận một số đánh giá của nước ngoài để xét tuyển.
Nguồn: [Link nguồn]
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT trước băn khoăn về số phận...