Nhiều tiêu chí tuyển sinh mới: Thí sinh cần chuẩn bị gì?
Các trường đại học (ĐH) bắt đầu công bố đề án tuyển sinh. Nhiều trường bổ sung tiêu chí xét tuyển mới theo hướng đánh giá toàn diện, đa dạng năng lực người học.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 Ảnh: Như Ý
Từ năm 2021, một số hình thức tuyển sinh mới khác hẳn với truyền thống vốn chỉ dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các phương thức mới này mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, áp dụng cho một phần nhỏ chỉ tiêu tuyển của các trường như: phỏng vấn, đánh giá qua video giới thiệu bản thân của thí sinh... Một số trường cho biết sẽ tiếp tục có điều chỉnh lớn trong cách thức tuyển sinh năm 2022.
Trường ĐH Công nghệ thông tin sử dụng 3 phương thức tuyển sinh chủ yếu, gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển dựa trên điểm thi (tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐH Quốc gia TPHCM); xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín. Nhưng điểm mới đáng chú ý là ở hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường.
Cụ thể, thí sinh được ưu tiên xét tuyển vào trường khi đạt giải kỳ thi Olympic tin học, Olympic phần mềm mã nguồn mở, kỳ thi Lập trình châu Á - ICPC Asia cấp quốc gia, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia… Đặc biệt, năm tới, lần đầu tiên trường xét tuyển thẳng thí sinh tài năng thể thao, cụ thể là đoạt huy chương vàng, bạc, đồng các giải thể thao quốc tế chính thức. Với các thí sinh này, điểm trung bình học tập THPT theo tổ hợp môn xét tuyển cần đạt từ 7 trở lên.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM năm nay thông báo xét tuyển theo 4 phương thức. Trong đó, lần đầu tiên tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức với điều kiện đạt từ 700 điểm trở lên.
Tại Hội nghị khai thác sử dụng kết quả thi ĐGNL phục vụ tuyển sinh năm 2022, GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay, chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả ĐGNL của ĐH này sẽ tăng lên, chiếm khoảng 30% chỉ tiêu.
Tăng cơ hội, không tăng áp lực
Kế hoạch tổ chức ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8/2022. Ngoài việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh cho các trường thành viên, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức hoặc cung cấp kết quả thi này cho các trường khác tuyển sinh năm tới.
Bài thi đánh giá năng lực có 150 câu hỏi thi, mức điểm tối đa 150, thời gian thi trong 195 phút. Phần tư duy định lượng (Toán học, Thống kê và Xử lý số liệu) có 50 câu, làm trong 75 phút; phần tư duy định tính (Văn học, Ngôn ngữ) có 50 câu hỏi, làm trong 60 phút và phần khoa học (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) có 50 câu, làm trong 60 phút.
Bài thi ĐGNL sẽ làm trên máy, có thể linh hoạt tổ chức ở nhiều địa điểm, thời điểm khác nhau. GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay, nội dung thi năm 2022 sẽ đánh giá thí sinh toàn diện hơn. GS Đức nêu thông tin với bài thi ĐGNL trước đây, trường khối khoa học nhân văn lựa chọn thí sinh dự thi bài thi Văn, bài thi Khoa học Xã hội, còn trường khối tự nhiên chọn thí sinh dự thi bài thi Toán, bài thi Khoa học Tự nhiên. Nhưng với nội dung thi từ năm 2021, trường khối xã hội vẫn lựa chọn được những thí sinh có năng lực khoa học tự nhiên nhất định, ngược lại, trường khối tự nhiên sẽ chọn được những thí sinh có năng lực khoa học xã hội vì thí sinh đều bắt buộc phải thi 3 bài thi đã nêu.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện có 47 đơn vị đào tạo ĐH (bao gồm 7 đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội) đã đăng ký hoặc đặt vấn đề sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh ĐH. Trong đó, các trường đào tạo khối ngành kinh tế - kinh doanh hàng đầu ở Hà Nội đều tham gia như Trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng… Các cơ sở giáo dục ĐH đã ký kết phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội trở thành một điểm tổ chức kỳ thi ĐGNL năm 2022 là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Thái Nguyên.
GS Thảo khuyên thí sinh nên làm thử đề tham khảo thi ĐGNL, ôn tập tốt kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình học tập, nhưng không chỉ ôn theo tổ hợp mà ôn tập đều các môn. Ôn thi ĐGNL và tốt nghiệp THPT như nhau, thí sinh không phải thêm hay bớt phần kiến thức nào. Bài thi ĐGNL đánh giá thí sinh vận dụng kiến thức, không phải là bài thi học nhớ nên chỉ cần hiểu là làm tốt, không cần nhớ nên không bị quá tải dù tham gia cả hai kỳ thi.
Đại học Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, ĐH Giao thông Vận tải dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT...
Nguồn: [Link nguồn]