Nhiều sinh viên sư phạm thiếu kỹ năng mềm

Qua khảo sát, 62,4% sinh viên sư phạm dễ để cảm xúc ảnh hưởng đến học tập và công việc, 57% không biết kềm chế cơn nóng giận và 56,4% không biết cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

Đó là một vài số liệu thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM) cung cấp tại hội thảo khoa học "Kỹ năng mềm của sinh viên sư phạm" do bộ môn tâm lý học - khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 23/8.

Những con số "biết nói"

Câu chuyện đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên nói chung vẫn đang được cộng đồng quan tâm khi còn đó chuyện doanh nghiệp phải đào tạo lại con người hay bạn trẻ chật vật tìm việc vì thiếu kỹ năng. Riêng với sinh viên sư phạm, câu chuyện đào tạo kỹ năng mềm như có phần "nóng" hơn vì chính đội ngũ này có sứ mệnh đào tạo thế hệ tương lai.

Thiếu kỹ năng mềm, giáo viên trẻ sẽ gặp khó khăn khi hợp tác với đồng nghiệp, không năng động, thiếu bản lĩnh, không biết kiềm chế cảm xúc, từ đó có thể gây hậu quả đáng tiếc.

Nhiều sinh viên sư phạm thiếu kỹ năng mềm - 1

Tiến sĩ Trần Văn Hiếu - phó trưởng khoa tâm lý ĐH Sư phạm Huế - bày tỏ ý kiến giáo viên hiện nay thiếu trầm trọng kỹ năng mềm và chính điều này góp phần làm giảm sút chất lượng giáo dục - Ảnh: Trung Uyên

Một con số đáng chú ý nữa là chỉ 53,2% sinh viên sư phạm hiểu đúng, hiểu đầy đủ bản chất của khái niệm kỹ năng mềm dù phần lớn đánh giá kỹ năng mềm là cần thiết. Kết luận chung từ nghiên cứu là kỹ năng mềm của sinh viên sư phạm chỉ ở mức... trung bình.

59,9% sinh viên sư phạm được khảo sát cho biết khó khăn lớn nhất khi làm việc nhóm là trình bày trước nhóm.

52,3% thường cho rằng ý tưởng của mình đúng nên tìm mọi cách bảo vệ.

49,9% không biết cách giải quyết khi nhóm có mâu thuẫn.

Các số liệu thu được từ kết quả nghiên cứu tiến hành trên 1.089 sinh viên hệ chính quy các trường sư phạm (ĐH Sư phạm TP.HCM, khoa sư phạm ĐH Đồng Tháp, khoa sư phạm ĐH Tiền Giang, khoa sư phạm ĐH Thủ Dầu Một). Nội dung này thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Phát triển kỹ năng mềm của sinh viên các trường đại học sư phạm" do TS Huỳnh Văn Sơn, trưởng bộ môn tâm lý học - khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM và các cộng sự thực hiện.

Tiến sĩ Trần Văn Hiếu - phó trưởng khoa tâm lý ĐH Sư phạm Huế - nhận định giáo viên hiện nay thiếu trầm trọng kỹ năng mềm và chính điều này góp phần làm giảm sút chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, ông đặc biệt lưu ý việc quan tâm đến mối quan hệ giữa năng mềm và kỹ năng sư phạm, sự tham gia của kỹ năng mềm trong việc phát triển kỹ năng sư phạm.

Sinh viên còn "bao biện" khi thiếu kỹ năng

Làm sao đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên sư phạm không hề là câu hỏi đơn giản. Tiến sĩ Trần Văn Hiếu nêu khó khăn về vấn đề thời gian, khi quỹ thời gian cho học chuyên môn còn chưa đủ thì làm sao dạy kỹ năng mềm? Bên cạnh đó, một số giảng viên còn lo lắng về việc xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng mềm như một nội dung chuyên biệt. Nên đưa kỹ năng mềm vào chương trình chính khóa hay là môn tự chọn tự do, hay chỉ là hoạt động ngoại khóa?

Nhiều sinh viên sư phạm thiếu kỹ năng mềm - 2

Sinh viên dạy học ở chùa Diên Thọ (Q.12, TP.HCM) trong Mùa hè xanh 2012 (Ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: Khang Thái

Thạc sĩ Đào Thị Duy Duyên - Giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - gợi ý: "Nên có chương trình đào tạo kỹ năng mềm và đưa vào môn tự chọn tự do. Bên cạnh đó, giảng viên phải yêu cầu cao đối với sinh viên để sinh viên phải sử dụng các kỹ năng mềm trong quá trình học tập và giảng viên đóng vai trò giám sát. Bên cạnh đó, sinh viên cần được cấp bộ tài liệu kỹ năng mềm đặc trưng, tương thích với ngành sư phạm".

Học viên cao học Mai Mỹ Hạnh - Thành viên nhóm thực hiện nghiên cứu - nêu một kết quả đáng suy nghĩ: "Trong ba nhóm biện pháp thuộc về bản thân sinh viên, nhà trường và xã hội; sinh viên sư phạm cho rằng những biện pháp thuộc về nhà trường là quan trọng nhất, sau đó là những biện pháp thuộc về xã hội rồi mới đến những biện pháp liên quan đến bản thân. Nhận thức này có phần chưa đúng và thể hiện sự bị động, bao biện khi lẽ ra chính sinh viên phải chủ động tích lũy kỹ năng mềm".

Tra cứu điểm thi, điểm chuẩn nhanh nhất tại diemthi.24h.com.vn

Bạn muốn là người biết Điểm Chuẩn ĐH-CĐ 2012 Nhanh nhất, chính xác nhất! Hãy soạn tin:

DC MÃTRƯỜNG NĂM gửi đến 8502

Ví Dụ: Để tra điểm chuẩn năm 2012 của trường ĐH Kinh tế quốc dân soạn tin:
DC KHA gửi đến số 8502, để tra điểm chuẩn năm 2011 soạn DC KHA 2011 gửi đến số 8502.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Uyên (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN