Nhiều nghi vấn xung quanh các lớp ‘kích hoạt não’
Người lớn tuyệt đối đừng giao con em mình cho các chương trình mơ hồ để người ta thí nghiệm.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin về việc các trung tâm “kích hoạt não” dạy con trẻ thành thiên tài nở rộ gần đây, nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo lắng. Họ thắc mắc những cơ sở này đã được cấp phép hoạt động chưa? Nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học nào, do ai chuyển giao công nghệ? Chương trình đã được thử nghiệm ở đâu, có an toàn hay không?
“Tất cả lãnh đạo đều đi vắng”
Sáng 29-11, chúng tôi cũng đã liên hệ Trung tâm Huấn luyện thần đồng Trí Tuệ Việt (79 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM), nhân viên ở đây cho hay tất cả lãnh đạo đã đi giảng dạy ở nước ngoài, ba tuần sau mới quay về Việt Nam. Liên hệ với hai chi nhánh của trung tâm này tại Hà Nội, PV cũng nhận được câu trả lời như vậy.
Trên trang web của Trung tâm Trí Tuệ Việt, ngoài những lời quảng cáo trên trời, trung tâm này còn chụp nhiều phiếu ghi cảm nhận của phụ huynh về những thành quả mà con mình đã đạt được và ca ngợi khóa học hết lời. Tuy nhiên, khi PV gọi điện thoại cho những phụ huynh này (trên phiếu ghi cảm nhận có ghi số điện thoại) thì tất cả số máy đều không thể liên lạc.
Cũng trong ngày 29-11, chúng tôi đã đến Trung tâm Huấn luyện não giữa MBM Education, trụ sở tại 269A Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM để làm rõ các vấn đề như chức năng hoạt động, cơ sở khoa học của phương pháp kích hoạt não trẻ 5-15 tuổi. Nhân viên phụ trách marketing ở trung tâm này đề nghị để lại số điện thoại, họ sẽ liên hệ lãnh đạo sắp xếp thời gian rồi thông tin lại. Khi PV vừa rời trung tâm này khoảng 10 phút thì nhân viên gọi điện thoại thông báo chiều 30-11 lãnh đạo trung tâm sẽ sắp xếp thời gian tiếp.
Trẻ đang được huấn luyện bịt mắt đoán màu sắc tại Trung tâm Trí Tuệ Việt. (Ảnh chụp từ clip)
Không có cơ quan chuyên môn nào quản lý
Liên hệ Phòng Kinh tế quận Phú Nhuận (TP.HCM), nơi này xác nhận theo số liệu từ Sở KH&ĐT TP.HCM chuyển về, Công ty Cổ phần MidBrain Activation (269A Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận) có ngành nghề đăng ký là tổ chức sự kiện và xúc tiến thương mại, không có mục nào liên quan đến đào tạo kỹ năng.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Giáo dục quận Đống Đa, TP Hà Nội, cho biết khi báo chí nêu vấn đề, phòng cũng đã báo cáo lãnh đạo quận xin ý kiến chỉ đạo. “Trong ngày 30-11, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra Trung tâm Trí Tuệ Việt. Trên cơ sở kiểm tra sẽ có kết quả cụ thể. Về sơ bộ, tôi có thể thông tin Sở GD&ĐT TP Hà Nội chưa cấp phép hoạt động cho Trung tâm Trí Tuệ Việt. Trung tâm này hoạt động chưa có giấy phép. Với thẩm quyền của Phòng Giáo dục quận thì phòng không được cấp phép và cũng không quản lý” - ông Thắng cho biết.
Về chuyên môn, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cảnh báo: “Đây là vấn đề khá mới. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ các chứng cứ khoa học, cơ sở nào cho thấy hiệu quả của việc kích hoạt não. Khi thấy thực sự có cơ sở khoa học, trung tâm được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép, lúc đó các bậc phụ huynh mới nên xem xét”. Cũng theo ông Lâm, người lớn tuyệt đối đừng giao con em mình cho các chương trình mơ hồ để người ta thí nghiệm, sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
“Kích hoạt não giữa” bị tố lừa đảo ở nước ngoài Theo lời quảng cáo trên trang dayconthanhthientai.com, chúng tôi tìm hiểu về phương pháp “MidBrain Activation” (kích hoạt não giữa). Sau khi lần tìm trên Internet, chúng tôi được biết cha đẻ của phương pháp MidBrain Activation là một người tên Vyacheslav M. Bronnikov, không hề liên quan gì với nhà khoa học từng đoạt giải Nobel Y khoa năm 1981 là TS người Mỹ Roger Wolcott Sperry với công trình Split Brain - chứng minh não chia làm nhiều vùng khác nhau và mỗi vùng đảm trách những chức năng khác nhau. Thông tin về chương trình giáo dục đặc biệt này hầu như không tìm thấy trên các trang web, báo chí, cổng thông tin của các tổ chức y khoa, giáo dục uy tín của các nước Âu-Mỹ. Còn ở các quốc gia hiếm hoi mà chương trình này được giới thiệu như Ấn Độ, Indonesia, Singapore… thì rất nhiều ý kiến của các học giả uy tín đều cho rằng đây là một chương trình lừa đảo (scam, hoax), hoang đường (myth)… Theo nhà tâm lý học thần kinh người Ấn Độ Madhava Rao, não giữa không liên quan gì đến trí thông minh mà liên quan đến các phần não khác. Đáng nói là một ảo thuật gia nổi tiếng bang Kerala của Ấn, ông Gopinath Muthukad, còn cho rằng các nhà tổ chức chương trình sử dụng thủ thuật “X-ray Vision” dạy con trẻ cách nhìn trộm khi bị bịt mắt, rồi cho rằng đó là kết quả của kích hoạt não giữa. Phát biểu với nhật báo The Hindu, ông Narendra Nayak, Chủ tịch Hiệp hội Các tổ chức duy lý Ấn Độ, cho biết các bậc phụ huynh đang trả số tiền rất lớn cho trò hề này của các đơn vị tổ chức với hy vọng mơ hồ muốn biến con em mình thành những thiên tài. Các tổ chức này còn phát động chiến dịch kêu gọi phụ huynh tố cáo với cơ quan chức năng về các khóa đào tạo mà theo họ là lừa đảo này, theo tờ báo hàng đầu Ấn Độ Times of India. THÁI HOÃN Trước thông tin về trung tâm huấn luyện kích hoạt não để giúp trẻ thông minh hơn, chiều 29-11, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ông chưa nghe nói có trung tâm nào có chức năng như vậy. Ông Thượng cũng khẳng định Sở Y tế TP chưa từng cấp phép hay tham gia thẩm định nội dung chương trình nào tương tự. |