Nhiều giáo viên hợp đồng mất việc
Tỉnh Thanh Hóa có quyết định chuyển đổi 24 trường THPT bán công sang THPT công lập từ tháng 3/2010. Cũng từ đây, nhiều giáo viên ký hợp đồng giảng dạy đã nhiều năm với các trường trên bỗng dưng mất việc dù quyết định chuyển đổi có ghi rõ “ưu tiên” tuyển dụng họ.
Tỉnh Thanh Hóa có quyết định chuyển đổi 24 trường THPT bán công sang THPT công lập từ tháng 3/2010. Cũng từ đây, nhiều giáo viên ký hợp đồng giảng dạy đã nhiều năm với các trường trên bỗng dưng mất việc dù quyết định chuyển đổi có ghi rõ “ưu tiên” tuyển dụng họ.
Ông Nguyễn Huy Hậy (là thương binh hạng 3/4) ở thôn Trù Ninh, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) phản ánh: “Con gái tôi là Nguyễn Thị Gia, tốt nghiệp Đại học Sư phạm chính quy khoa Địa lý với trình độ khá, được nhận dạy hợp đồng với Trường THPT Lê Viết Tạo từ năm học 2009-2010 đến hết năm học 2010-2011. Thời điểm con tôi được hiệu trưởng trường nhận dạy hợp đồng, trường đang thiếu giáo viên môn Địa lý. Năm học 2011-2012, trường chấm dứt hợp đồng giảng dạy với con gái tôi và nhận một giáo viên địa lý từ trường khác chuyển về”.
Nhiều giáo viên ký hợp đồng giảng dạy đã nhiều năm bỗng dưng mất việc
Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay, có hơn 200 giáo viên hợp đồng như cô Gia ở 24 trường THPT bán công của tỉnh trước đây. Cô Gia không được chuyển sang công lập là đúng với quy định của UBND tỉnh.
Tuyển dụng có đúng quy định?
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 27/2, ông Bùi Khắc Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Tạo cho biết: Sau khi nhà trường nhận quyết định chuyển đổi sang hệ công lập năm 2010, đến năm 2011-2012, ngành chức năng mới cho phép tuyển dụng số giáo viên đang thiếu.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng được thực hiện theo hình thức tiếp nhận thuyên chuyển giáo viên đã biên chế từ trường thừa sang trường thiếu. Sau khi tiếp nhận thuyên chuyển xong mà vẫn thiếu thì mới tuyển dụng giáo viên mới.
Thời điểm đó, có 8 giáo viên hợp đồng đang giảng dạy những môn mà theo chỉ tiêu biên chế là đang thiếu giáo viên. Trong đó có những giáo viên đã giảng dạy hơn 5 năm.
Khi thực hiện tuyển dụng giáo viên cho đủ biên chế theo quy định, trường đã chấm dứt hợp đồng với 8 giáo viên trên và đầu năm học 2011- 2012 tiếp nhận 7 giáo viên đã biên chế từ các trường khác chuyển về.
Cụ thể: 1 giáo viên dạy Địa lý từ trường THPT Hậu Lộc 1; 1 giáo viên Tin học từ trường THPT Thạch Thành 4; 2 giáo viên Tiếng Anh từ trường THPT Mường Lát và Thường Xuân 2; 1 giáo viên Kỹ thuật công nghiệp từ trường THPT Cẩm Thủy 2; 1 giáo viên dạy Hóa từ trường THPT Cẩm Thủy 2; 1 giáo viên dạy Giáo dục quốc phòng từ THPT Mường Lát.
Cũng đầu năm 2011-2012, Sở GD-ĐT Thanh Hóa thông báo công khai việc tuyển dụng 315 giáo viên về 57 trường THPT (có chi tiết tuyển dụng từng môn của mỗi trường).
Đối chiếu trên bảng chỉ tiêu mà Sở GD&ĐT thông báo, thấy: THPT Hậu Lộc 1 cần tuyển 1 giáo viên môn Địa lý; THPT Mường Lát cần tuyển 4 giáo viên Tiếng Anh; THPT Thạch Thành 4 cần tuyển 1 giáo viên dạy Tin học; THPT Cẩm Thủy 2 cần tuyển giáo viên môn Hóa học…
Trong khi đó, văn bản số 667 hướng dẫn thuyên chuyển giáo viên năm 2011 của Sở GD-ĐT Thanh Hóa ghi: “Đối với trường giải quyết chuyển giáo viên đi: Không giải quyết thuyên chuyển giáo viên đang trong thời gian thử việc; tập trung giải quyết đối với những bộ môn thừa so với nhu cầu. Đối với các trường ở miền núi và vùng khó khăn, cần quan tâm giải quyết đối với giáo viên đã công tác lâu năm, khi có nhu cầu cá nhân và điều kiện để thuyên chuyển”.
Như vậy, những giáo viên mà Trường THPT Lê Viết Tạo tiếp nhận không phải là thừa từ những trường cho giáo viên chuyển đi. Trong đó có giáo viên chuyển đi đã không giảng dạy ở trường miền núi hoặc trường ở vùng khó khăn...
Ông Bùi Khắc Hùng lý giải thêm: “Trong quyết định chuyển đổi có nói “ưu tiên” tuyển dụng những giáo viên đang hợp đồng với nhà trường, nhưng không có hướng dẫn cụ thể nào nói rõ là “ưu tiên” như thế nào. Chúng tôi buộc phải chấm dứt hợp đồng, và đề nghị các giáo viên này nộp hồ sơ về Sở xét tuyển theo quy định”.