Nhiều ĐH chọn phương án thi kết hợp xét tuyển
Chỉ một số ít trường mạnh dạn đề xuất đổi khối thi, ra đề thi riêng, xét điểm trung bình môn bậc THPT, phỏng vấn.
Hôm nay (10/2) là hạn cuối để các trường nộp đề án tuyển sinh riêng năm 2014. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết đến nay Cục đã nhận được đề án tuyển sinh riêng của hơn 15 trường ĐH, CĐ và Cục đã công bố 12 đề án hoàn chỉnh nhất. Theo đề án của các trường, có thể thấy ít trường tổ chức thi riêng, hầu hết đều tham gia thi “ba chung” (chung đề, chung đợt, dùng chung kết quả xét tuyển) do Bộ tổ chức và kết hợp với xét tuyển (dựa vào điểm trung bình môn bậc THPT).
Phỏng vấn vào ngành sư phạm
Trong các ngành thi chung, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ ưu tiên thí sinh nữ dự thi vào ngành kỹ thuật, công nghệ. Riêng trong số 25 ngành đào tạo sẽ có sáu ngành tổ chức thi kết hợp xét tuyển: Kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật công nghiệp, công nghệ in, kinh tế gia đình, sư phạm tiếng Anh và thiết kế thời trang.
Đặc biệt đối với chín ngành sư phạm kỹ thuật, thí sinh sau khi làm đơn xin phục vụ sư phạm, trường sẽ tổ chức phỏng vấn trực tiếp mỗi thí sinh khoảng 10-15 phút. Nội dung phỏng vấn liên quan đến việc xác định khả năng không dị tật của thí sinh về giọng nói, hình dáng; kiểm tra khả năng của thí sinh về năng lực thực tiễn, IQ, tư duy sáng tạo, thái độ, kỹ năng, hành vi, năng khiếu, sự thích ứng nghề nghiệp sư phạm kỹ thuật (thông qua việc thực hiện các bài trắc nghiệm khách quan nhỏ). Để được xét tuyển, thí sinh phải có điểm trung bình môn ngữ văn của sáu học kỳ THPT từ 6,0 trở lên. Điểm phỏng vấn được xét từ cao xuống thấp, trường hợp bằng điểm thì ưu tiên điểm trung bình môn ngữ văn theo học bạ THPT.
Thí sinh dự thi năm 2013 tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Quốc Dũng
Xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển một số ngành
Năm 2014, ĐH Đà Nẵng vẫn thi “ba chung”, trừ hai ngành có môn thi năng khiếu vừa thi tuyển theo đề chung vừa thi theo đề riêng là kiến trúc của Trường ĐH Bách khoa và giáo dục mầm non của Trường ĐH Sư phạm. Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng sẽ xét tuyển ngành quản lý nhà nước cho Trường ĐH Kinh tế và năm ngành của Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum gồm quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, kế toán, kiểm toán, kinh doanh thương mại.
ĐH Thái Nguyên xét tuyển 12 ngành hệ ĐH gồm khoa học cây trồng, khuyến nông, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau hoa quả (Trường ĐH Nông Lâm), khoa học thư viện, toán học, vật lý học, toán ứng dụng (Trường ĐH Khoa học), công nghệ kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính, công nghệ truyền thông (Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông). Riêng tất cả các ngành hệ CĐ của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật cũng xét tuyển. Ngoài ra, ĐH Thái Nguyên xét tuyển kết hợp với thi tuyển hai ngành giáo dục mầm non, giáo dục thể chất (Trường ĐH Sư phạm).
Trường ĐH Đồng Tháp xét tuyển năm ngành hệ ĐH gồm nuôi trồng thủy sản, quản lý văn hóa, khoa học thư viện, ngôn ngữ Trung Quốc, công tác xã hội. Hai ngành xét tuyển kết hợp thi tuyển ĐH gồm sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật. Hệ CĐ cũng xét tuyển hai ngành như hệ ĐH. Trường ĐH Vinh xét tuyển ba ngành nông nghiệp, khuyến nông, nuôi trồng thủy sản; ngoài ra trường còn xét tuyển kết hợp thi tuyển hai ngành giáo dục mầm non, giáo dục thể chất. Hai trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, CĐ Văn hóa nghệ thuật Thái Bình các ngành năng khiếu thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Đổi khối thi, xét tuyển tất cả các ngành
Theo nhận xét của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, do khối V (toán, lý, vẽ mỹ thuật) hiện nay không đánh giá đầy đủ được kiến thức về xã hội, nhân văn của thí sinh; còn khối H (hình họa mỹ thuật, ngữ văn, vẽ trang trí màu) không đánh giá được tư duy logic, khoa học của thí sinh nên trường đề xuất tuyển sinh thi khối V1 và H1. Theo đó khối V1 thi các môn toán, vẽ mỹ thuật, ngữ văn; còn khối H1 thi các môn toán, vẽ trang trí màu, ngữ văn.
Trường ĐH Thành Đông tuyển sinh theo phương thức 1 là xét tuyển dựa vào kết quả điểm trong ba năm học THPT, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả phỏng vấn trực tiếp nhằm phát hiện năng lực thực tiễn, khả năng tư duy, sở trường, năng khiếu và các kỹ năng khác của thí sinh. Đối với phương thức 2, trường dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả thi “ba chung”. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn không tổ chức thi, chỉ xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập bậc THPT và xét tuyển dựa vào kết quả thi ĐH, CĐ theo kỳ thi “ba chung”.
Sơ tuyển trước khi nộp hồ sơ dự thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dù thi theo phương thức “ba chung” nhưng sẽ sơ tuyển dựa trên kết quả học tập THPT trước khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Vùng tuyển của trường từ Thừa Thiên-Huế trở ra phía Bắc. Tiêu chí xét là tổng điểm trung bình của ba môn thuộc khối thi ở năm học kỳ THPT (sáu học kỳ đối với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước). Thí sinh phải đạt từ 21 điểm trở lên mới qua vòng sơ tuyển. Thí sinh đăng ký sơ tuyển trực tuyến từ ngày 24/2 đến 15/3 trên trang web tuyển sinh của trường tại địa chỉ http://ts.hust.edu.vn. Những thí sinh đạt vòng sơ tuyển mới cần nộp phiếu xác nhận kết quả học tập THPT (hoặc bản sao học bạ) kèm theo hồ sơ đăng ký dự thi. Riêng những thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa không có điều kiện truy cập mạng có thể gửi phiếu đăng ký sơ tuyển tới hội đồng tuyển sinh trường qua đường bưu điện. Điểm chuẩn sơ tuyển được công bố trước ngày 17/3. Ra đề thi riêng Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội thi tuyển các ngành văn hóa của trường theo đề án tuyển sinh riêng của trường, trong đó đề thi khối C trường sẽ hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực ra đề (trường sẽ có báo cáo với Bộ trước khi hợp đồng). Còn các ngành năng khiếu thi tuyển kết hợp với xét tuyển (thi tuyển các môn năng khiếu kết hợp với xét tuyển môn ngữ văn). |