Nhiều bất ngờ về chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 Hà Nội

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Trước khi học sinh lớp 9 năm nay đăng ký dự tuyển vào các trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập, tư thục, trường chuyên. Chỉ tiêu tuyển sinh là dữ liệu rất quan trọng để học sinh tham khảo khi quyết định đăng ký nguyện vọng.

Theo quyết định của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025, đơn vị giao cho 127 trường THPT công lập và công lập tự chủ tài chính tuyển 77.250 học sinh. Cụ thể, 115 trường THPT công lập tuyển 71.200 học sinh; 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên tuyển 2.970 học sinh; 8 trường THPT công lập tự chủ tài chính tuyển 3.555 học sinh.

Sau khi có chỉ tiêu tuyển sinh, các trường THCS bước vào giai đoạn tư vấn chọn trường THPT cho học sinh

Sau khi có chỉ tiêu tuyển sinh, các trường THCS bước vào giai đoạn tư vấn chọn trường THPT cho học sinh

So sánh chỉ tiêu tuyển sinh 2 năm liên tiếp của Hà Nội cho thấy, chỉ tiêu tuyển sinh các trường không ổn định mà nơi tăng, nơi giảm. Tăng cao nhất năm nay là Trường THPT Đông Mỹ, huyện Thanh Trì với 675 chỉ tiêu, năm ngoái trường này tuyển 405 (tăng 270 chỉ tiêu). Trường có chỉ tiêu tăng mạnh tiếp theo là TH - THCS - THPT Khương Hạ từ 280 năm ngoái lên 400 chỉ tiêu năm nay (tăng 120).

Ngoài ra, nhóm các trường tăng từ 35 đến 90 chỉ tiêu bao gồm: THPT Nguyễn Trãi, THPT Trần Nhân Tông, THPT Ngọc Hồi, THPT Phú xuyên B, THPT Ba Vì, THPT Bắc Lương Sơn, THPT Mỹ Đức C (tăng 90)…

Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn giảm chỉ tiêu nhiều nhất là (135). Nhóm các trường giảm từ 45-90 chỉ tiêu gồm: THPT Tây Hồ; THPT Yên Hòa; THPT Cầu giấy, THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Trương Định; THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Xuân Đỉnh; THPT Việt Nam - Ba Lan; THPT Trần Phú…

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Mỹ, cho biết, lý do tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học tới vượt trội so với năm ngoái là ngoài điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, năm nay số lượng học sinh lớp 12 ra trường tương đối lớn. Nhà trường tuyển lớp 10 vào tương đương số lượng học sinh ra trường.

Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn giảm mạnh chỉ tiêu vì năm nay cơ sở giáo dục này sẽ xây mới trường, không đủ phòng học nếu vẫn tuyển theo chỉ tiêu như năm trước.

Ngoài ra, 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên năm nay được Sở GD&ĐT giao tuyển 2.970 học sinh, trong đó 3 trường tăng chỉ tiêu gồm: Trường THPT Nguyễn Huệ (tăng 105 so với năm ngoái); Trường THPT Sơn Tây tuyển 585 chỉ tiêu (tăng 60), Trường THPT Chu Văn An tuyển 935 học sinh (tăng 220).

Riêng Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam tuyển 820 học sinh (tăng 165 chỉ tiêu và tăng 7 lớp so với năm ngoái). Năm ngoái, trường này chỉ được giao tuyển 655 học sinh vào lớp 10 với 560 chỉ tiêu cho hệ chuyên. Năm nay, trường này không còn tuyển sinh hệ không chuyên, thay vào đó tăng chỉ tiêu các lớp chuyên.

Hà Nội cũng thể hiện sự quyết liệt, cứng rắn với các trường tư thục khi không giao chỉ tiêu cho các đơn vị chưa đủ điều kiện. Toàn thành phố hiện có hơn 100 trường tư bậc THPT nhưng chỉ có 85 trường được giao tuyển hơn 29.600 học sinh trong năm học tới. Hà Nội khuyến cáo phụ huynh dựa vào danh sách các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh để có thể nộp hồ sơ dự tuyển, tránh trường hợp “sập bẫy” tuyển sinh.

Năm ngoái, có trường THPT tư thục từng nhận hồ sơ đăng ký của học sinh khá sớm, nhưng sau đó trường này không được giao chỉ tiêu tuyển sinh, phụ huynh khi đó mới nháo nhào tìm trường tư khác.

Hạn chế né “trường điểm cao”

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa (Hà Nội) nói rằng, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là thông tin rất quan trọng và cần thiết để phụ huynh, học sinh tham khảo chuẩn bị cho việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào các trường năm học tới. Học sinh, phụ huynh có thể đặt chỉ tiêu tuyển sinh của các năm gần đây để so sánh sự biến động.

“Rất khó có thể dự đoán được có bao nhiêu thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường THPT công lập nào đó. Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên sẽ căn cứ năng lực học tập của từng em để tư vấn và có phần định hướng theo hướng an toàn, có lợi nhất cho các em khi đặt nguyện vọng.

Ngay sau đây, nhà trường sẽ bắt đầu triển khai hoạt động tư vấn cho học sinh chọn nguyện vọng đăng ký dự tuyển THPT công lập”, bà Hồng nói.

Theo phân tích của các giáo viên có kinh nghiệm trong tư vấn tuyển sinh lớp 10, số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường THPT ít hay nhiều rất quan trọng. Điều này là một trong những nguyên nhân quyết định đến tỉ lệ chọi, điểm chuẩn của các trường sau đó.

Năm ngoái, Trường THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân) có số lượng học sinh đăng ký rất đông khiến tỉ lệ chọi của trường cao nhất thành phố với tỉ lệ 1/3,55. Nghĩa là cứ gần 4 học sinh mới có 1 em có cơ hội đỗ vào trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là do học sinh lượng sức của mình để có quyết định dự tuyển vào trường nào.

Lịch sử tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội từng xảy ra chuyện, trường THPT tốp đầu như THPT Thăng Long phải hạ điểm chuẩn xuống mức rất thấp (từ 40 điểm xuống còn 30 điểm) để tuyển đủ chỉ tiêu mà nguyên nhân là học sinh tránh trường tuyển với điểm cao.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, nhóm các trường THPT công lập tăng và giảm khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo tỉ lệ học sinh vào công lập cao hơn năm trước khoảng 1.500 em. Sở dĩ có trường tăng, có trường giảm là do tùy từng năm, điều kiện cơ sở vật chất thay đổi hoặc số lượng học sinh cuối cấp ra trường.

Năm 2024, Hà Nội tuyển hơn 77.000 học sinh vào lớp 10 công lập, tổng chỉ tiêu tăng khoảng 1.500, nhưng nhiều trường ở nội thành giảm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN