Nhân viên kế toán phải kiêm luôn y tế học đường?
Đó là bất cập được ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, TP.HCM nêu ra tại buổi làm việc với Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM sáng 8-4 về tiến độ xây dựng trường mầm non trong KCX-KCN.
Theo ông Tuyên, hiện quận đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai trường là trường mầm non phường Bình Hưng Hòa và Mầm non Phong Lan để đáp ứng nhu cầu gửi con cho công nhân khu công nghiệp Tân Bình. Dự kiến sẽ xong và đưa vào hoạt động vào năm học tới.
Tuy nhiên, quận đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và bố trí nhân sự vì nếu hai trường này đưa vào sử dụng thì phải cần 111 nhân sự. Đáng nói, có bốn vị trí việc làm gồm kế toán, thủ quỹ, y tế và văn thư nhưng các trường chỉ được tuyển hai người để phụ trách những công việc đó. Theo ông Tuyên, vì Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định các trường mầm non chỉ được biên chế hai người để làm bốn vị trí trên, tức mỗi người phải kiêm nhiệm thêm một việc. Như thế rất khó khăn cho các trường trong quá trình tuyển mới hoặc luân chuyển giữa các trường. Đáng nói, theo quy định, nhân viên kế toán không được giữ tiền, nghĩa là không thể kiêm thủ quỹ, kế toán cũng không được giữ mộc, nghĩa là không thể kiêm văn thư. Như vậy, kế toán chỉ có thể làm thêm y tế.
“Trường mầm non nào cũng 500-600 trẻ trở lên, quanh năm đối diện với nhiều dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe của trẻ, có nhân viên y tế riêng còn chưa chắc làm nổi huống gì kiêm nhiệm. Vậy nếu trường tuyển thì nên ưu tiên chuyên môn nào, là y tế hay kế toán vì hai lĩnh vực khác nhau. Nếu điều chuyển cán bộ y tế từ trường khác về thì họ có làm được kế toán không hoặc ngược lại, hay phải đào tạo lại nữa. Hiện quận rất rối khi triển khai nhân sự này” - ông Tuyên nói.
Về vấn đề này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM, cho biết đây cũng là vướng mắc chung của nhiều quận, huyện hiện nay, nhất là đối với các trường xây mới. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế từng trường, theo số lượng công việc cụ thể ứng với từng vị trí việc làm để các quận, huyện có đề xuất giải pháp cụ thể sao cho phù hợp.
Bà Nhung cũng đề nghị Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ TP ghi nhận, phối hợp xây dựng phương án để kiến nghị lên cấp cao hơn hoặc có hướng giải quyết cụ thể.