Nhạc sĩ An Thuyên: Bỏ thi Văn, Bộ GD&DT có lý
"Bộ GD&ĐT có lý khi quyết định bỏ thi Văn tại 10 trường thuộc khối nghệ thuật", là nhận định của Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.
Với kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT đã quyết định, theo đó, 10 trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa - nghệ thuật được Bộ cho phép tuyển sinh riêng hiện đang xây dựng đề án tuyển sinh cụ thể là: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.
Đây là điều mà dư luận xã hội đang rất quan tâm và đã có nhiều ý kiến rất không đồng tình.
Đây là cơ hội cho các trường nghệ thuật
Trước tiên phải nhìn nhận quyết định bỏ thi Văn đầu vào tại 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật, phải chăng là một điểm mới thể hiện sự quyết tâm trong cải cách giáo dục của Bộ. Bỏ thi Văn, là cách giảm nhẹ thi cử, tập trung tuyển chọn năng khiếu với mục đích có một đầu vào đúng nghĩa. Có nghĩa Bộ đã trao quyền tự quyết cho các trường.
Đây là cơ hội để các trường Nghệ thuật phát huy tính tự chủ, đi sâu đặc thù, tập trung vào mục tiêu phát hiện nhân tài qua môn thi năng khiếu, tạo cơ hội cho thí sinh tập trung bộc lộ khả năng chuyên môn…
Nhạc sĩ An Thuyên
Quan trọng hơn nữa, theo tôi hiểu đây là những bước đi ban đầu để tiến tới giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học, trong đó có các trường nghệ thuật. Các nhà lãnh đạo các trường phải nhanh chóng nắm lấy cơ hội, tập trung nâng cao chất lượng đầu vào, đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển sinh, với nhiều cách tuyển sinh năng động, sáng tạo, để tìm cho được nhân tài.
Kinh nghiệm gần 18 năm xây dựng trường, chủ trì rất nhiều cuộc thi đầu vào, tôi thấy quyết định này có lý vì nó tạo ra cơ hội thoát khỏi tư duy bao cấp trong đào tạo, tư duy này lạc hậu lắm rồi, cần nhanh chóng thoát ra, sáng tạo hơn, quyết liệt chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhà nước, trước xã hội về chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn của một nhà trường.
Cơ chế bao cấp đã và đang tạo ra một sức ỳ ghê gớm trong đào tạo nghệ thuật, cần phải mạnh bạo, dấn thân vươn lên đáp ứng nhu cầu xã hội Việt Nam đang phát triển.
Giảm nhẹ đầu vào, phù hợp với quy trình đào tạo tiên tiến
Ở nước ta dường như có một quy trình đào tạo ngược, không thành văn bản nhưng đã thành thông lệ dù không ai muốn, chuyện ngược đời này đã là một câu thành ngữ truyền miệng: “thi vào đại khó, học đại khái, ra trường đại dễ”.
Các cuộc thi đầu vào được xây dựng như một bức trường thành về kiến thức, (cá biệt ngày nay có nơi bức trường thành đó bằng tiền bạc, người nghèo hoàn toàn mất cơ hội học tập dù rất có tài…).
Vào được trường rồi, việc dạy và học là tùy thuộc ở thầy và trò, cứ có chấm công, có điểm hết môn là được, bất kể nó đi từ nguồn nào, cách nào (kể cả vấn nạn tiêu cực trong học đường đang làm nhức nhối xã hội), đại khái thế thôi.
Đến khi học viên đã hoàn thiện các thủ tục hành chính, có một quyết định đủ tư cách thi tốt nghiệp, thế là tốt nghiệp dễ giàng hơn nhiều so với thi vào. Đáng ra phải xây một bức trường thành cho đầu ra, cần phải tập trung nhân tài, vật lực cho đầu ra, ai ra trường phải đủ chuẩn, đúng nhu cầu xã hội thì được ra với bằng tốt nghiệp, không thì cấp chứng chỉ môn học.
Các bạn biết, ở nước ngoài người ta khác lắm: đầu vào cởi mở, quá trình học đúng chuẩn kiến thức, đầu ra rất cao và hướng về xã hội. Người ta tạo cơ hội cho người học, nhưng để có tài năng thực sự mới được nhận bằng tốt nghiệp.
Thí sinh dự thi môn năng khiếu tại kỳ thi đại học năm 2012
Cái Tam đại của ta âu cũng nên xem xét lại, vì vậy viêc giảm nhẹ đầu vào tôi cho rằng Bộ GD&ĐT có lý. Vấn đề đào tạo như thế nào và đầu ra như thế nào mà thôi. Uy tín một nhà trường là ở đầu ra chứ không phải chỉ ở đầu vào. Một cuộc thi chạy xa, dứt khoát phải coi trọng cái về đích hơn là điểm xuất phát!
Thi môn Văn ở đầu vào, khác với việc học văn và học viên ra đời có văn hóa lại càng là một chuyện khác
Việc bỏ môn Văn ở đầu vào, không đồng nghĩa với việc xem nhẹ học Văn, học làm người. Ta cần phải rạch ròi điều nay. Tôi chưa thấy Bộ GD&ĐT hay Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch có một quyết định nào loại bỏ hoặc giảm bớt việc học văn cả, thậm chí có rất nhiều văn bản về việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh sinh viên cơ mà.
Tôi nghĩ điều mà xã hội quan tâm nhất là, với các trường Nghệ thuật nói riêng khi được giao quyền tự chủ về tuyển sinh cần phải có một đề án tăng cường mạnh mẽ việc đào tạo các môn nhân văn, các môn học liên quan văn hóa, đến tư cách công đân, đến con người của học viên sau khi ra trường.
Tôi nói thật, ta đang xem nhẹ điều này và còn quá nhiều nội dung giáo dục không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Một bộ phận không nhỏ học sinh của chúng ta hiện nay đi học để mong có nghề, ra trường cầu danh, cầu lợi bằng mọi cách, ít khát vọng dâng hiến cho nghệ thuật, cho nhân dân, Tổ quốc.
Đó là nỗi lo thứ nhất của những người làm đào tạo, sự không quan tâm đúng mức đến giáo dục văn hóa, đạo đức, tư cách người nghệ sỹ… sẽ dẫn đến những hậu họa khôn lường cho một thế hệ nghệ sỹ tương lai.
Nỗi lo thứ hai là chúng ta có giáo dục chính trị, nhân văn nhưng vẫn theo kiểu cũ, lạc hậu, không theo kịp với sự phát triển của xã hội, điều đó sẽ có tác dụng ngược lại là người học sẽ không hứng thú, không tin vào những gì bài giảng nói,vì không cập nhật, không có thực tế trong một đời sống xã hội đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ.
Một ví dụ nôm na thế này: trước kia xác định những sáng tạo văn hóa nghệ thuật là giá trị về tinh thần, thì ngày nay vẫn những nhận thức cơ bản, truyền thống ấy, ta có thêm nhận thức mới, đó là những sáng tạo Văn hóa nghệ thuật đồng thời là sản phẩm hàng hóa.
Nghĩa là tài năng cũng là một hàng hóa để có lợi nhuận, phải biết kinh doanh tài năng để làm giàu… Đó là thay đổi cơ bản của xã hội, cần phải cập nhật để giúp những người học biết đem tài năng để dâng hiến và làm giàu chính đáng. Chỉ thế thôi đã thấy đã thấy sự khác biệt trong giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống cho các nghệ sỹ khác xưa rồi.
Có một nỗi lo thứ ba nữa là: hiện tượng tiểu cực trong học đường đang gây nhức nhối xã hội. Bán điểm, bán bằng cấp, bán luôn cả nhân cách… thì làm sao truyền giảng đạo đức, nhân cách cho người học…?
Các nghị quyết của Đảng về Văn hóa, nghệ thuật và về Giáo dục và đào tạo đã chỉ rất rõ những vấn đề cấp thiết này. Nhưng ta quá chậm chuyển đổi. Như vậy là việc giáo dục nhân văn trong các nhà trường ta hiện nay cả ba việc đồng bộ phải làm là: quan tâm đúng mức và giáo dục cập nhật và chống tiêu cực.
Ba việc này làm được là rất khó nhưng phải làm với quyết tâm cao để giúp người học ra trường hoàn thiện hơn, có ích hơn cho xã hội. Bác Hồ nói “vừa hồng, vừa chuyên” và “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy” vẫn mãi mãi là kim chỉ nam cho nghệ sỹ, cho các hoạt động và đào tạo văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Là người trong cuộc, tôi có vài suy nghĩ nôm na như vậy để cùng chia sẻ. Tôi cũng tin tưởng rằng Bộ VH – TT & DL đã có đề án “Đào tạo tài năng nghệ thuật toàn diện”. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rất mong đề án này được triển khai thực hiện hiệu quả, để tạo một sức bật mới cho nghành Đào tạo văn hóa Nghệ thuật phát triển, theo hướng: Người nghệ sỹ trước hết phải là một công dân tốt, biết đem tài năng dâng hiến Tổ quốc, nhân dân và biết làm giàu.
Nhạc sĩ An Thuyên