Nhà sách "đau đầu" vì phát hành SGK

Sự kiện: Giáo dục

Để tham gia vào việc phát hành sách giáo khoa, các đơn vị phát hành phải mua sách từ các công ty sách thiết bị trường học trực thuộc NXB Giáo dục Việt Nam với hình thức mua đứt, thanh toán nhanh, chiết khấu phát hành rất thấp.

Dù NXB Giáo dục Việt Nam (GDVN) chi đến 40% chiết khấu phát hành sách giáo khoa (SGK), tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, các đơn vị phát hành SGK trên thực tế nhận được chiết khấu phát hành rất thấp. Trong khi SGK là mặt hàng thiết yếu, hằng năm các phụ huynh bắt buộc phải mua để chuẩn bị cho con em mình bước vào năm học mới. NXB GDVN độc quyền xuất bản và phát hành nên việc phát hành SGK rất đặc thù, không đơn giản như những hàng hóa khác.

Thiếu SGK trầm trọng vì sợ đi cân giấy vụn

Đại diện một nhà sách ở TP HCM cho biết để tham gia vào việc phát hành SGK, các đơn vị phát hành phải mua SGK từ các công ty sách thiết bị trường học trực thuộc NXB GDVN với hình thức mua đứt, thanh toán nhanh với chiết khấu phát hành rất thấp (từ 12%-16% trên giá bìa). Để thu hút khách hàng đến nhà sách mua sắm và cạnh tranh với các công ty sách thiết bị trường học, các đơn vị phát hành khuyến mãi cho khách mua lẻ là 10%, cộng thêm chi phí vận chuyển, chi phí đóng bộ nữa thì xem như không có lãi. Nếu cuối năm để tồn kho cao, năm sau sách bị chỉnh lý nội dung (dù chỉ một vài chi tiết nhỏ) thì SGK tồn sẽ không tiêu thụ được mà chỉ có thể đem đi thanh lý (cân giấy vụn).

NXB GDVN không nắm rõ nhu cầu SGK của từng cấp lớp nên năm nào thị trường cũng bị thiếu SGK lúc cao điểm (tháng 7 và 8). Vì cơ chế độc quyền nên NXB GDVN không cần quan tâm đến yếu tố chăm sóc khách hàng. Sự phối hợp giữa NXB và các đơn vị phát hành không tốt. Cơ chế cung cấp thông tin của NXB GDVN đến các đơn vị phát hành cũng không được quan tâm tổ chức bài bản khoa học. Cụ thể, địa phương nào dùng sách công nghệ giáo dục, sách mô hình trường học mới (VNEN), địa phương nào dùng SGK hiện hành, dự kiến tựa sách nào sẽ có chỉnh lý nội dung vào năm sau đều không rõ ràng... Vì thế các đơn vị phát hành hoàn toàn bị động trong việc đặt hàng và dự trữ sách, muốn biết thông tin thì chỉ có kênh duy nhất là trực tiếp từ yêu cầu của các khách hàng khi đến nhà sách mua sách. Trường hợp sách có chỉnh lý cũng không được thông báo sớm dẫn đến các đơn vị phát hành dự trữ không hợp lý, tồn kho và bị thiệt hại lớn là không thể tránh khỏi.

Hè năm nay do có thông tin không chính thức là năm sau sẽ có sự chỉnh lý SGK ở các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10), các đơn vị phát hành đều rất thận trọng khi đặt mua sách vì sợ tồn kho, kinh doanh không hiệu quả, thậm chí lỗ. Trong khi đó, NXB GDVN cũng chỉ in theo đơn hàng của các nơi đặt mà không tính toán kỹ nhu cầu thực tế của thị trường dẫn đến thiếu sách trầm trọng ở tất cả các vùng miền trên cả nước.

Nhà sách "đau đầu" vì phát hành SGK - 1

Đầu năm học này, phụ huynh vất vả đi tìm bộ sách giáo khoa lớp 1 cho con vì các nhà sách không dám mạo hiểm nhập sách giáo khoa khi có thông tin sẽ thay sách mới

Đủ chiêu để bán sách bổ trợ

Sách bổ trợ là sách tham khảo dùng cho học sinh do NXB GDVN xuất bản và phát hành thông qua các công ty con của NXB. Trước khi phát hành, các công ty này tổ chức tập huấn cho giáo viên của các trường và chỉ định cho học sinh bắt buộc sử dụng các tựa sách này kèm với SGK.

Do cũng có tính chất độc quyền và bắt buộc học sinh phải mua nên sách bổ trợ gần như SGK. Các đơn vị phát hành phải mua đứt và nếu có chỉnh lý thay đổi nội dung thì sách tồn không bán được cũng phải thanh lý. Để tối đa hóa lợi nhuận, một số bộ sách không được bán rộng rãi cho các đơn vị phát hành mà bán trực tiếp vào các trường thông qua phòng giáo dục, vì thế nhiều khách hàng rất bức xúc khi đến các nhà sách tìm mua sách cho con nhưng không có.

Ở mảng giáo trình học tiếng Anh, nếu những năm trước, giáo trình sách tiếng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, thẩm định nội dung những bộ sách của các NXB nước ngoài và cho phép các trường lựa chọn bộ sách phù hợp trong danh sách này để áp dụng sử dụng thì nay cơ chế này không còn. Thay vào đó, NXB GDVN đã xuất bản bộ sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12 và triển khai sử dụng rộng rãi trên cả nước, áp dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Để thực hiện chủ trương áp dụng sách mới, sách hay từ các nước tiên tiến, năm học mới này cũng xuất hiện một vài bộ sách mới do NXB GDVN liên kết với các NXB nước ngoài xuất bản và in ấn tại Việt Nam nhưng dưới tên NXB GDVN và yêu cầu các trường sử dụng. Như vậy, thị trường sách tiếng Anh cũng có nhiều bộ sách khác nhau, tất cả đều là sách của NXB GDVN. Mặc dù đang trong xu thế hội nhập, các NXB nước ngoài đã biên soạn rất nhiều bộ giáo trình mới, hiện đại, phù hợp xu thế học tiếng Anh hiện nay nhưng các trường không được phép chọn sách để áp dụng giảng dạy mà tất cả sách tiếng Anh cũng phải chọn sách từ NXB GDVN.

Ngoài ra, ở một số thị trường còn xuất hiện các loại sách đi kèm với giáo trình học tiếng Anh như: sách toán, sách khoa học và một số sách bổ trợ khác cũng phải chọn sách từ NXB GDVN và bắt buộc học sinh phải mua, như vậy một học sinh học môn tiếng Anh thì trong một năm học phải mua tổng cộng đến 6 quyển sách. Mua thì nhiều nhưng liệu học sinh có được học hết các tài liệu đã trang bị hay không?

Cũng như các mảng SGK, sách bổ trợ với tình trạng độc quyền đã tạo nên việc thiếu sách thường xuyên mỗi khi bước vào năm học mới. Điều đáng buồn là trong khi các nhà kinh doanh nghiêm túc không đủ sách để phục vụ khách hàng thì tình trạng sách giả (in không đạt chất lượng) lại tràn lan thị trường, đặc biệt là tại các tỉnh. 

Qua nhiều khâu trung gian

Theo dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách pháp luật về xuất bản, in và phát hành SGK giáo dục phổ thông của Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì việc phát hành SGK giáo dục phổ thông được thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ, khép kín của NXB GDVN. Hệ thống phát hành SGK giáo dục phổ thông còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển. Mức chiết khấu phát hành SGK khoảng 250 tỉ đồng/năm (tương đương 25% doanh thu hằng năm 1.000 tỉ đồng) là khá cao, chưa phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh.

B.Lâm

Bộ GD&ĐT chưa thay sách giáo khoa trong năm học tới

Theo thông tin mới nhất, Bộ GD&ĐT đã quyết định sẽ lùi thời gian thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lân ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN