Nhà giáo tương lai xử lý tình huống giao tiếp "khó đỡ"
Tại buổi thi thực hành giao tiếp sư phạm, sinh viên phải liên tục động não, xử lý khéo léo tình huống giao tiếp éo le giữa học sinh và thầy cô như: Học sinh bắt bẻ thầy cô, mất trật tự, ồn ào, không lau bảng…
Nam sinh viên vào vai thầy giáo đĩnh đạc ôm cặp đi vào phòng thi, cho cả lớp ngồi thì bất ngờ bị "học trò" tra hỏi liên tục: "Thầy ơi, tại sao thầy không mang giày mà mang sandal?" Nhanh trí và dí dỏm, nam sinh trả lời: "Các trò thông cảm, do tuần qua thầy thí nghiệm độ cứng giữa móng chân và bê tông nên chân bị sưng, không thể mang giày".
Sinh viên đóng vai cô giáo xử lý tình huống khi lên lớp
Tiếp đó, các thầy cô tương lai tiếp tục bị học sinh bắt bẻ: Sao thầy viết chữ nhỏ quá, cô đọc thơ nhanh quá em không nghe, thầy giảng đoạn này em không hiểu? Tại sao cô tên Bé Như... Khiến sinh viên phải liên tục động não, xử lý khéo léo tình huống giao tiếp sư phạm. Ngoài ra, sinh viên cũng cần thể hiện quan điểm, cách xử lý của mình khi học sinh ồn ào, mất tập trung, không lau bảng.
Đó là một phần trong buổi thi thực hành môn giao tiếp sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Đây là năm đầu tiên môn học giao tiếp sư phạm từ học phần tự chọn trở thành bắt buộc tại trường này. Điểm thi cả môn học được tính bằng 50% điểm thi cuối khóa, giải quyết tình huống, phân tích về mặt lý thuyết, 20% chuyên cần, 20% xử lý tình huống trực tiếp trên lớp.
Tại buổi thi, sinh viên (cả năm 1 đến năm 4) sẽ được bốc thăm chủ đề của mình, sau đó bắt đầu vào vai thầy cô giáo lên lớp giảng bài. Những sinh viên còn lại đóng vai học trò, đưa ra những tình huống giao tiếp hóc búa để bạn mình xử lý.
Những tiêu chí để giáo viên chấm điểm gồm: Bắt tay, nụ cười, ánh mắt, giọng nói, trang phục, tư thế, vị trí đứng, viết bảng, đặt câu hỏi, cách khuyến khích, sử dụng thời gian, cung cấp phản hồi cho người đọc, quản lý cảm xúc, kỹ năng lắng nghe, thể hiện sự tự tin, xử lý tình huống…
Nguyễn Thế Hiếu, sinh viên khoa lịch sử cho biết môn học giúp em trang bị những kỹ năng giảng dạy, xử lý tình huống, tránh những sai lầm cơ bản trong việc lên lớp sau này. "Sở dĩ em thích thú với môn học này là vì được học kỹ năng thực hành dễ tiếp thu hơn lý thuyết khô cứng", Hiếu nói.
Hương (sinh viên năm 3 khoa lịch sử) cho biết việc xử lý tình huống giữa giáo viên và học sinh rất quan trọng, quyết định vị thế, nhân phẩm của người thầy. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều vụ bê bối giữa học sinh và giáo viên liên tiếp xảy ra từ việc yếu kém trong xử lý tình huống, kiểm soát cảm xúc của giáo viên. "Giảng viên cung cấp cho tụi em những cách xử lý có thể áp dụng cho hầu hết các tình huống, giúp ích rất nhiều cho em trong các đợt thực tập, kiến tập vừa qua. Từ đó, em học được cách kiềm chế cảm xúc tốt nhất trong việc giảng dạy sau này", Hương nói.
Một phần thi của sinh viên
ThS Đinh Quỳnh Châu - giảng viên môn giao tiếp sư phạm - Trưởng Bộ môn Tâm lý học giáo dục (Khoa Tâm lý học) Trường ĐH Sư phạm – cho biết khi môn giao tiếp sư phạm trở thành môn bắt buộc, bản thân cô cảm thấy rất vui vì chắc chắn môn học này sẽ giúp ích rất nhiều cho giáo sinh không chỉ cho đợt kiến tập, thực tập mà còn cho hoạt động nghề nghiệp tương lai.
"Khi học môn giao tiếp sư phạm, tôi nhận thấy các bạn giáo sinh cũng rất háo hức và quan tâm. Điều này thể hiện ở chỗ các bạn rất hứng thú khi nghe về những ứng dụng thực tế, các bạn cũng đưa ra nhiều tình huống bản thân trải qua khi còn là học sinh hoặc nghe từ người khác để bàn luận thêm trên lớp mỗi buổi học", ThS Châu chia sẻ. Nữ giảng viên cho biết từ đó, cả cô và trò đều cảm thấy thời gian trên lớp là không đủ và rất háo hức cho những buổi học tiếp theo.
Dù bạn thuộc thế hệ nào thì chắc chắn cũng từng gặp nhưng kiểu giáo viên điển hình dưới đây, khiến đời học sinh...