Nhà giáo mong ước gì?

Đào tạo sớm thay đổi cơ bản toàn diện, chất lượng giáo dục tăng lên, tiêu cực giảm đi và đời sống giáo viên được cải thiện là ước vọng chung của các nhà giáo trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)

Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), tâm sự rằng ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục, ước vọng của ông không gì khác hơn là nhìn thấy sự thay đổi cơ bản, toàn diện của nền giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).

Kỳ vọng giáo dục thay đổi

“Việc Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ra Nghị quyết Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thực sự là niềm vui lớn đối với cả ngành giáo dục. Tôi hy vọng sau cú hích này, nền giáo dục của chúng ta sẽ đổi mới thực sự” - PGS Văn Như Cương chia sẻ. Ông cũng có chút băn khoăn, cũng như suy nghĩ của không ít người về đề án này: “Đúng là khó thật! Nhưng chúng ta đứng trước thế không đổi mới thì chết. Giáo dục nhiều năm qua đã bại liệt vì không đổi mới, vì thế phải dốc sức, quyết tâm làm bằng được, phải xem đây như một cuộc chấn chỉnh lớn lao. Nếu giáo dục cứ như thế này khoảng 15 năm nữa thì không biết sẽ đi đến đâu. Nếu cứ xây thủy điện, đường cao tốc, nhà máy điện hạt nhân mà không quan tâm đổi mới căn bản giáo dục thì không chỉ giáo dục chết mà cả xã hội cũng bị ảnh hưởng” - ông Cương nói.

Nhà giáo mong ước gì? - 1

Hầu hết giáo viên đều mong sống được với nghề bằng lương.. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng chung nỗi niềm, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh: Sau nhiều năm trì trệ, giáo dục lâm vào trạng thái chết lâm sàng, cần phải có những xúc tác mạnh. “Đề án đổi mới GD-ĐT nếu được thực hiện nghiêm chỉnh sẽ lay chuyển được tình hình giáo dục” - GS Hoàng Tụy tin tưởng. Ông nói thêm: “Với một triết lý giáo dục đúng đắn thì hiệu quả, đột phá cũng sẽ chín chắn. Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng khuyên ta rằng phải thắng trong giáo dục mới thắng được trong kinh tế”.

Có được một nền giáo dục đổi mới, chất lượng tăng lên, tiêu cực giảm đi cũng là ước vọng của TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). “Tôi rất buồn mỗi khi nghe thấy chuyện chạy trường nọ, trường kia mất mấy ngàn đô la. Rồi thi cử tiêu cực, học sinh - sinh viên phải đóng tiền “chống trượt” cho thầy cô giáo. Hy vọng sau những thay đổi cơ bản trong cách dạy và học, sẽ không còn tình trạng phụ huynh phải chi những khoản tiền lớn để chọn lớp tốt cho con, người học không còn phải đóng những khoản tiền vô lý, từ đó giáo dục Việt Nam sẽ thật sự trong sạch” - TS Lâm nói.

Đời sống giáo viên tăng lên

Dù đã được cải thiện nhưng rõ ràng thu nhập của giáo viên hiện nay chưa đủ để các thầy cô toàn tâm, toàn ý với việc giảng dạy; rất nhiều người phải lo toan cho cuộc sống của cả gia đình bằng những công việc khác ngoài giờ đứng lớp. Và vì thế, nâng cao đời sống giáo viên là nguyện vọng vô cùng chính đáng của các thầy cô giáo.

Một giáo viên giỏi có thâm niên 13 năm trong nghề tại Trường THCS Chu Văn An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết đến tận bây giờ, tổng thu nhập từ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp của cô chỉ dừng lại ở con số hơn 4 triệu đồng/tháng. “Việc thi tuyển đầu vào của chúng tôi rất gắt gao, mỗi tuần phải dạy từ 18-20 tiết mà thu nhập như vậy thì rõ ràng là không đủ để lo cho cuộc sống. Nếu có ai hỏi về ước vọng thì mong muốn rõ ràng nhất là đời sống giáo viên của chúng tôi được cải thiện, phụ cấp dạy thừa giờ không phải là hơn chục ngàn/tiết như hiện nay” - cô giáo này bộc bạch.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín, TP Hà Nội - người hùng chống tiêu cực một thời - cho biết sau 20 năm đứng lớp, tổng thu nhập của thầy nay chỉ chưa đến 5,2 triệu đồng/tháng. “Tôi vẫn mong đời sống giáo viên khá lên. Nhưng tôi cũng hiểu đó là điều không thể thành hiện thực trong giai đoạn này” - thầy Khoa nói.

Nổi tiếng bằng tinh thần chống tiêu cực quyết liệt, chia sẻ về ước vọng lớn của mình, thầy Đỗ Việt Khoa nói rằng không gì khác hơn là tiêu cực được quét sạch, môi trường giáo dục trong sáng, không bị làm vấy bẩn. “Ước vọng là thế nhưng tôi biết thay đổi triệt để là rất khó. Những người có thâm niên trong nghề giáo như tôi nhìn thấy những vấn đề rất khó thay đổi. Khi tình trạng tiêu cực trong giáo dục không bị đẩy lùi thì cải cách cũng vô tác dụng” - thầy Khoa nói.

Hiện các trường chuyên biệt phải tự mày mò hoạt động. Giáo viên dạy trẻ khuyết tật cũng chưa có ngạch lương riêng trong khi phải vừa dạy vừa chăm sóc trẻ thay cho bảo mẫu, khó khăn lắm. Đề nghị nhà nước xem xét hỗ trợ ngạch lương riêng cho giáo viên dạy trẻ ở các trường khuyết tật.

                                                  Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc  (Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai, TP HCM)

Những khao khát chân thực, bình dị

PGS-TS PHAN BẢO NGỌC (Trưởng Bộ môn Vật lý - Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP HCM):

Tăng tính tự chủ đại học

Hiện nay, phụ huynh, học sinh “bấn loạn” vì học. Học một ngày 2 buổi nhưng chất lượng giáo dục không thay đổi so với trước kia. Trẻ em “làm việc” nhiều hơn người lớn, chỉ biết học mà không có thời gian vui chơi. Nếu cuối tuần được nghỉ học thì các em lại phải trốn ở trong nhà vì không có môi trường vui chơi cho trẻ. Bên cạnh đó, cần xem xét, giảm nhẹ các kỳ thi quốc gia, nếu có thể thì nên bỏ 1 trong 2 kỳ thi thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi ĐH, CĐ. Đối với bậc ĐH, có thể Việt Nam không có những ĐH lớn mang tầm quốc tế nhưng sinh viên ra trường phải đáp ứng được 60%-70% yêu cầu của công việc.

Ngoài ra, cơ chế phải thay đổi để giáo viên có thể đủ sống bằng lương. Điều này không chỉ là việc tăng lương đều cho giáo viên, mà liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính và tự chủ ĐH. Các trường muốn có nguồn thu thì phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm tạo ra, nếu đào tạo tốt thì mới thu hút được người học, từ đó giảng viên được tăng lương.

Là người làm khoa học, tôi cũng mong nhà nước có chính sách tạo môi trường tự do nghiên cứu cho các nhà khoa học và đầu tư về nhân lực cùng thiết bị nghiên cứu. Nếu có chính sách phù hợp thì giáo dục mới thu hút được người tài.

TS HÀ THÚC CHÍ NHÂN (Phó trưởng Khoa Khoa học vật liệu, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM; GV trẻ tiêu biểu TP):

Có thời gian nghiên cứu khoa học

Tôi mong đồng lương của nhà giáo được cải thiện; những cơ chế, chính sách dành cho giáo viên nghiên cứu khoa học cởi mở, thông thoáng hơn để người thầy ngoài thời gian đứng trên bục giảng còn có thời gian tìm tòi, nghiên cứu khoa học, nâng cao chuyên môn. Tôi tự hào nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý; là nghề sáng tạo bậc nhất vì sáng tạo ra những con người sáng tạo. Tuy vẫn còn trẻ và chỉ mới bước vào nghề được vài năm nhưng cứ mỗi năm trôi qua với nghề, tôi lại có cảm nhận về nghề thiêng liêng này một cách rõ ràng hơn.

LÊ THỊ THOA (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Cơ, quận 12, TP HCM; GV trẻ tiêu biểu TP):

Đừng cấm dạy thêm!

Với một giáo viên trẻ như tôi, lương 1 tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, nếu chồng cũng làm công chức và có con nhỏ thì không thể nào đủ trang trải cho cuộc sống. Khi lên làm quản lý, công việc của tôi nhiều hơn nhưng lương thì không bằng lúc trước. Ngày nào cũng đến trường từ sáng sớm và ra về khi đã tối. Đồng lương nhà giáo quá bèo bọt mà ngành giáo dục lại cấm dạy thêm khiến những giáo viên trẻ như tôi không biết xoay xở, bấu víu vào đâu. Chẳng có nhà giáo nào muốn dạy thêm nếu đồng lương của họ được cải thiện.

BÙI THỊ THÙY LINH (GV Sử, Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TP HCM; GV tiêu biểu TP):

Công bằng với môn sử

Tôi đã từng yêu thích nghề giáo vì nghĩ nghề này nhàn hạ, sáng đi tối về. Nhưng không ngờ khi bước vào nghề đứng trên bục giảng, những công việc có tên, không tên của nghề giáo đã khiến tôi... choáng. Nghề giáo không hề nhàn rỗi như tôi tưởng tượng ban đầu, thậm chí còn rất cực khổ.

Tôi mong xã hội hãy công bằng với môn sử, với những giáo viên dạy sử như chúng tôi. Vì là bộ môn ít tiết nên việc mưu sinh trong cuộc sống rất khó khăn. Hơn nữa, quan niệm lâu nay môn sử chỉ là môn phụ khiến nhiều người quay lưng, thờ ơ. Tôi chỉ mong chương trình môn lịch sử bớt nặng nề, bớt những sự kiện, ngày tháng khô cứng, không cần thiết để chúng tôi không lo “cháy” giáo án, có thời gian đổi mới phương pháp dạy học, học trò say mê, hứng thú với môn học.

Tôi cũng mong đồng lương cho những giáo viên trẻ như tôi sớm được cải thiện. Chính vì thâm niên thấp nên lương cũng thấp khiến không ít giáo viên trẻ hiện nay phải “chạy sô” để mưu sinh. Điều đó khiến nhiệt huyết, lòng yêu nghề cũng giảm sút.

                                            Đặng Trinh - Thùy Vinh ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN