Nhà giáo là biểu tượng của tri thức và phẩm hạnh

Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú là những danh hiệu cao quý nhất mà Chủ tịch nước phong tặng cho những người làm nghề “lái đò qua dòng sông tri thức”. Họ được phong tặng vì không chỉ say mê nghề, tận tình với học sinh mà còn là người truyền lửa cho những thế hệ tiếp nối…

Những người truyền lửa

Tròn 80 tuổi, nhà giáo ưu tú (NGƯT) Vũ Mạnh Kha (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT) vẫn sôi nổi khi nhắc về những kỷ niệm của ngày mới vào nghề sư phạm. Không như các thế hệ sau được chọn nghề theo thiên hướng sở thích, thầy Kha cũng như bao thanh niên cùng thế hệ tỏa ra các lĩnh vực trong đời sống để cống hiến theo sự phân công của nhà nước. Sau khi rời mái trường Thiếu sinh quân Việt Nam, chàng trai Vũ Mạnh Kha được cử đi học Trung cấp Sư phạm Khoa học Tự nhiên.

Thầy chia sẻ: “Thuở ban đầu tôi cũng không có được lòng yêu nghề. Nhưng rồi sự tận tình của các thầy cô giáo sư phạm cao cấp dạy chúng tôi như cô Nghiêm Chưởng Châu, các thầy Ngô Thúc Lanh, Nguyễn Cảnh Toàn, Đinh Văn Hớn, Nguyễn Hữu Tảo… đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt tình, lòng yêu nghề”.

Nhà giáo là biểu tượng của tri thức và phẩm hạnh - 1

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chúc mừng Nhà giáo nhân dân Vũ Hữu Bình (giữa) tại tư gia nhân ngày Nhà giáo VN 20/11.

NGƯT Lê Nguyên Hương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết, điều thôi thúc cô bước chân vào nghề sư phạm là nhờ sớm cảm nhận và ngưỡng mộ các giá trị cao quý của nghề dạy học từ chính bố mẹ mình - những nhà giáo.

“Nhưng quyết tâm trở thành nhà giáo tương lai lại được truyền cảm hứng chính từ những thầy cô giáo khi tôi còn là một cô học trò của trường cấp 2 Trưng Vương và trường cấp 3 Việt Đức. Đó là những người thầy đã hết lòng hy sinh và yêu thương học trò như con của mình, để lại trong lớp học trò chúng tôi sự kính trọng, tình yêu vô bờ bến. Tôi đã yêu nghề sư phạm và mong muốn trở thành nhà giáo kể từ đó”, cô Hương tâm sự.

Hoặc hình mẫu để cậu bé nông thôn nhà nghèo ở Gia Lâm ngày nào, nay là NGƯT Nguyễn Văn Quý (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, Hà Nội) ước mơ trở thành thầy giáo cũng chính từ những người thầy, người cô giáo luôn tận tụy với học sinh mà ông từng được học tập hồi nhỏ. Cứ thế, thế hệ trước truyền nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp cho thế hệ sau.

NGND Vũ Hữu Bình nói: “Tôi được học các thầy Nguyễn Khắc Hanh, Trịnh Thế Vinh, Trần Hồng Hà… về tri thức, về đức độ, về tình người. Tôi lại truyền lại cho các em học sinh, trong đó hiện có những em đang đứng trên bục giảng. Các em lại tiếp tục truyền lửa cho thế hệ mai sau viết tiếp bài ca sư phạm”.

Tiếp nối những trăn trở

Vào nghề giáo từ năm 1961 nhưng ký ức từ những ngày đầu mới vào nghề giáo của thầy Vũ Hữu Bình vẫn như vừa mới xảy ra. Nhớ lại những năm tháng dạy học sinh tại trường sơ tán ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, thầy Bình nhắc đến tên những đồng nghiệp, những học trò đã mãi mãi ra đi khi trang vở vẫn dở dang bởi bom Mỹ.

“Học trò của tôi có em Phan Thanh, con một cán bộ miền Nam tập kết làm việc ở sân bay Đa Phúc, mất khi 12 tuổi. Những mất mát đó là một phần động lực thúc đẩy chúng tôi trong phong trào thi đua hai tốt - dạy tốt, học tốt - mà Bác Hồ phát động”, thầy Bình ngậm ngùi.

“Phải làm sao người thầy giáo phải thực sự là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh, là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập tìm kiếm khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ học trò, là những tấm gương sáng để học trò noi theo”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2014

Nghỉ hưu từ 11 năm nay nhưng thầy Bình vẫn miệt mài tham gia các hoạt động của ngành GD&ĐT Thủ đô, hội thảo chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm với anh chị em giáo viên, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi và viết sách Toán. Trong số 163 cuốn sách Toán mà thầy đã viết và được xuất bản, có 71 cuốn thầy viết khi đã nghỉ hưu, với mong muốn để góp kinh nghiệm của mình cho thầy cô giáo và các em học sinh để họ dạy tốt hơn, học tốt hơn.

Thầy tâm sự: “Tôi mong muốn ngày có thêm nhiều gương anh chị em giáo viên say mê nghề nghiệp, tận tình với học sinh để xã hội ngày càng cảm nhận sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về nghề thầy - một nghề rất cao quý”.

Còn theo thầy Nguyễn Văn Quý, muốn trở thành một nhà giáo được xã hội trọng vọng, tôn quý, trước hết các thầy cô giáo phải giỏi về chuyên môn, luôn tìm kiếm cho mình phương pháp giảng dạy tốt. Đặc biệt, mỗi nhà giáo phải phấn đấu cho lẽ sống của mình. Đó là gương mẫu, mẫu mực, sống là để cho - cho học sinh, cho đồng nghiệp, cho sự nghiệp trồng người. Nhà giáo phải thấy làm được điều gì cho người khác tốt hơn, vui hơn là niềm hạnh phúc.

Tuy nhiên, với tư cách là một cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương, thầy Quý cho biết vẫn còn nhiều tồn tại hiện nay của ngành giáo dục khiến thầy rất trăn trở: Điều kiện vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn; Dạy thêm học thêm; Lạm thu. “Lớp học mà có tới 50 học sinh thì khó lắm!”, thầy Quý thở dài.

Theo thầy Quý, sở dĩ dạy thêm học thêm trở thành một hoạt động có tính chất tiêu cực là do giáo viên đứng lớp lại dạy thêm chính học sinh của mình. Do vậy, nếu các cấp lãnh đạo chỉ cần quy định và bắt buộc các cấp phải thực hiện nghiêm thì mọi sự dạy thêm sẽ trở nên trong sáng, minh bạch và tốt đẹp: Cấm giáo viên dạy thêm đối với học sinh của chính mình đứng lớp chính khóa.

Để chấn chỉnh lạm thu, thầy Quý đề xuất: “Các khoản thu khiến cho nhà giáo chúng tôi bị tai tiếng có nguyên nhân từ khoản thu quỹ lớp, quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường. Thực tiễn là ngành và các nhà giáo chúng tôi rất khó kiểm soát khoản thu này.

Theo tôi ta nên bỏ khoản thu quỹ này, vì Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động là để phối hợp giáo dục học sinh nên không nhất thiết phải có quỹ mới hoạt động được. Còn cha mẹ học sinh muốn ủng hộ nhà trường, cảm ơn các thầy cô thì không thiếu gì các hình thức khác”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN