Nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT: Tôi quá sốc với gian lận thi cử ở Hà Giang
PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, sự việc này thật kinh khủng, làm khổ học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. Ảnh Tiền Phong
Tại buổi họp báo diễn ra chiều 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, sai phạm trong chấm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia ở Hà Gang là rất nghiêm trọng.
Qua xác minh ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp, sửa điểm hơn 300 bài thí sinh.
Chia sẻ với PV về sự việc, PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ông quá sốc.
“Tiêu cực trong sự việc này thật kinh khủng, làm khổ học sinh, làm ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục”, PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, sự việc ở Hà Giang nhất định phía công an phải vào cuộc để có câu trả lời rõ ràng cho dư luận, chứ không được bao che, bưng bít cho sai phạm. Nếu có sự thông đồng, ăn dây với nhau thì phải xử lý nghiêm. Càng bưng bít, càng không công khai thì càng chứng tỏ có sự mập mờ.
PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, thời gian qua, việc giám sát khâu coi thi đã làm tốt, nhưng khâu chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan thì chưa làm được.
Để giảm bớt tiêu cực trong thi cử, PGS Nhĩ đề nghị Bộ GD-ĐT giao kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho các trường ĐH tổ chức. Bởi các trường ĐH không trực tiếp giảng dạy học sinh trong 12 năm. Trong trường địa phương nào yếu về nhân vật lực, Bộ GD-ĐT có thể cử thêm cán bộ ĐH về cùng phối hợp và tham gia sâu hơn vào các khâu tổ chức thi.
Trong khi đó, PGS.TS.Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, ông không bất ngờ vì sự việc này.
“Vì cách thi và tổ chức thi như vậy nên tôi không thấy bất ngờ. Tôi lo ngại cứ thi cử kiểu này thì sang năm lại có chuyện tương tự”, PGS.Phạm Tất Dong nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị nên bỏ kỳ thi chung như bây giờ, thay vào đó là xét tốt nghiệp và giao cho các trường ĐH tổ chức thi, chỉ có như vậy mới không làm khổ học sinh.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, ả nước đã trải qua 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Từ 2017, Bộ bắt đầu tổ chức thi trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn, theo quy trình rất chặt chẽ, có sự phối hợp với các trường đại học.
Năm 2018, Bộ có thêm những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo mật, chính xác như cần niêm phong túi bài thi bằng tem mỏng, có chữ ký của cán bộ coi thi, phó trưởng điểm thi. Tại Hà Giang, đã kiểm tra không thấy có túi bài thi nào bị bóc trước.
“Hiện nay, phương án thi đã nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém, tuyệt đại đa số đánh giá kỳ thi vô cùng nghiêm túc. Sự việc ở Hà Giang là một điều vô cùng xấu xí nhưng không vì điểm đen đó ta thay đổi kỳ thi được mọi người đánh giá nhẹ nhàng và ủng hộ. Tất nhiên những năm tiếp Bộ Giáo dục sẽ có những điều chỉnh để kỳ thi tốt hơn", ông Trinh nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Công an Tô Lâm, phối hợp xử lý đúng người đúng tội.