Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: Bỏ biên chế giáo viên là đề xuất nguy hại

Sự kiện: Giáo dục

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, cho rằng bỏ biên chế là đề xuất nguy hại, không làm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mà có thể còn khiến nền giáo dục tan hoang.

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: Bỏ biên chế giáo viên là đề xuất nguy hại - 1

GS Phạm Minh Hạc

Trước băn khoăn của dư luận về lộ trình thực hiện thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. 

Trước mắt, sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện.

Tiền Phong có cuộc trò chuyện với GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT về vấn đề này.

 Đề xuất vô bổ

PV: Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói sẽ chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng, quan điểm của ông như thế nào về việc này?

GS Phạm Minh Hạc: Theo tôi không nên thí điểm xóa biên chế giáo viên ở trường phổ thông. Nếu chọn một ít trường, mỗi tỉnh một vài trường điểm thì quá chọn lọc, số lượng nhỏ thì hiệu quả không biết thế nào. Tôi không tán thành và cho rằng đó là đề xuất vô bổ, nguy hại.

Sứ mệnh giáo dục với vận mệnh của dân tộc là quan trọng. Với sứ mệnh ấy thì không thể nào để cho phát triển một cách tự do, tự phát mà phải quản lý chặt chẽ của nhà nước. Người giáo viên không phải để ăn lương mà họ vừa nhận lương để sống và nhận trách nhiệm cao cả ''trồng người'. Vì thế, không bao giờ dùng chữ làm công ăn lương trong giáo dục.

 PV: Giáo viên lo lắng khi bỏ viên chế thì số phận của họ sẽ do hiệu trưởng quyết định. Theo ông, nỗi lo này chính đáng không?

 GS Phạm Minh Hạc: Khi thông tin sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên, nghĩa là động chạm đến đời sống của hàng triệu giáo viên. Như vậy, sẽ động chạm đến quyền lợi của họ nên lo lắng là hoàn toàn chính đáng khi với họ không còn gì đó chắc chắn, số phận của người ta phụ thuộc vào người khác. Nếu nhà nước phụ trách thì người ta yên tâm, nếu để vào ông hiệu trưởng thì họ rất ái ngại. Theo tôi sự lo lắng này là phản ứng lại nếu đề án này có thí điểm thì sẽ nguy hại và dự báo đó là một thảm hại.

Trước năm 2008,  ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chỉ hơn 5%, giờ lên hơn 20%. Như vậy, rõ ràng từ năm 2008 có nhiều điều kiện giáo dục hoạt động tốt hơn, nhiều trường mới được xây. Tuy nhiên, nhiều nơi còn khó khăn lắm. Tổng số lượng không thay đổi mà rơi vào tay một số ông hiệu trưởng quyết định thì giáo viên hoàn toàn có quyền nghi ngờ. Giáo viên thì chỉ biết nghi ngờ còn chúng ta lo lắng sự nghiệp giáo dục sẽ bị tan hoang.

Thương mại hóa giáo dục sẽ thất bại thảm hại

 PV: Bộ trưởng nói bỏ biên chế giáo viên để tăng năng lực cạnh tranh chuyên môn? Ông có đồng tình với quan điểm này?

GS Phạm Minh Hạc: Không bao giờ được thương mại hóa giáo dục, không bao giờ được đưa cơ chế thị trường vào trong nhà trường và quản lý nhà trường không phải quản lý doanh nghiệp. Tinh thần của cạnh tranh trong cơ chế thị trường không thể dùng trong giáo dục.

Nếu bỏ biên chế sẽ tăng cạnh tranh lên. Chữ “cạnh tranh” không bao giờ dùng trong giáo dục thậm chí nhiều nhà giáo nói trong giáo dục còn không nên dùng từ “thi đua”.

Trong giáo dục, giáo viên nào cũng phải làm trách nhiệm xã hội như nhau đối với nhà trường, học sinh và xã hội. Cạnh tranh là trong thị trường. Nhưng trong giáo dục không phải người này dạy giỏi giết chết người dạy không giỏi. Mọi người đều phải đạt chuẩn và cái chuẩn này Bộ GD&ĐT đã ban hành, mọi người phải đạt chuẩn đó.

Khuyến khích mọi người thi đua để mọi người tiến lên nhưng cạnh tranh là mạnh thì giết người yếu, tức là “khôn thì sống, mống thì chết”.

Cạnh tranh là có người sống kẻ chết, trong giáo dục không có như thế. Tôi nghĩ, trong giáo dục không có nguyên tắc thị trường, không có thương mại hóa được.

Theo ông, bỏ biên chế giáo viên sẽ có hệ lụy và hậu quả gì?

GS Phạm Minh Hạc: Đó mới chỉ là đề xuất của ông Bộ trưởng. Các trường sẽ chọn trường như thế nào? Nếu các trường điểm như trường Hà Nội- Amsterdam thì họ cơ chế từ lâu rồi. Học sinh giỏi thì 100%, giáo viên của họ cũng giỏi, với cơ chế nào đó ở trường này đều dễ chấp nhận.

Tuy nhiên, áp dụng với 4 vạn trường hay cả hệ thống giáo dục rất khó. Chính chúng ta phải làm cho các miền khó khăn, giáo viên đều được dạy học như thành phố có điều kiện tốt; các em học sinh phổ thông ở tất cả vùng miền đều đạt được trình độ phổ thông, đó mới là mục tiêu phấn đấu của giáo dục. Muốn như thế thì vấn đề hệ thống lương của nhà nước, phụ cấp với giáo viên miền núi phải được nâng lên.

Tôi không biết Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm sẽ thế nào nhưng tôi nghĩ nếu có hệ số lương khác thì sẽ khuyến khích giáo viên nâng cao tay nghề,  có trách nhiệm tốt thì đó mới là việc cần làm ngay lúc này.

Bây giờ thì chưa thể lường hết được hậu quả nếu đề xuất này được thực hiện. Nhưng như  tôi nói, đây là một con đường thương mại hóa, thị trường trong giáo dục và hầu hết trường đều trở thành trường tư thục như thế với cả nước thì đó là một thảm hại rất nặng nề.

 Ngay những nước tư bản châu Âu cũng không thương mại hóa trong nhà trường. Kinh nghiệm 200 năm của các nước đã được kiểm chứng rồi mình không theo lại đi con đường ngược lại thì sẽ dẫn đến một thảm họa.

 Chúng ta không thể nhìn thấy hết được hậu quả nhưng tôi nghĩ là một thảm họa. Nói đơn giản là làm tan nát một sự nghiệp giáo dục.

 PV:  Nếu chủ trương bỏ biên chế đi vào thực tiễn, cơ quan nào có quyền quyết định, thưa ông?

GS Phạm Minh Hạc: Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên cũng sự nghiệp giáo dục nước nhà, nên Đảng, Chính phủ, Quốc hội phải vào cuộc. Chính bộ trưởng cũng nói rõ muốn thí điểm cũng phải xin phép.

 Theo ông, lý do nào phát ngôn của Bộ trưởng GD&ĐT lại gây sốc với dư luận?

GS Phạm Minh Hạc: Vấn đề ông nói liên quan đến cả triệu giáo viên nên họ thắc bắc, băn khoăn, nghi ngờ, phản đối là bình thường. Đời sống của họ, người ta phải lo chứ.

Theo tôi, Bộ trưởng phải lo cả hệ thống giáo dục, lo cho hàng triệu giáo viên. Bộ trưởng là phải giữ cả hệ thống này chứ đi lo một vài nơi làm gì.

Xin cảm ơn ông!

Sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức khu vực đại học

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN