Nguồn gốc, ý nghĩa của tục lì xì ngày Tết
Lì xì đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt với mong muốn những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới.
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, lì xì là một tên gọi của tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí đỏ hay vàng rực rỡ để mừng tuổi trẻ em.
Tục lệ lì xì đầu năm mới đã có từ thời xa xưa, xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm Giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình.
(Ảnh minh họa).
Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng cũng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ phải bỏ chạy.
Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh và hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.
Lì xì đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt với mong muốn những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới.
Lì xì không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng chín, mùng mười của Tết.
Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng Một Tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi đến từng gia đình để chúc Tết.
Trong ngày này bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau.
Khi con cháu họ hàng cũng như con cháu bạn bè, nếu còn nhỏ tuổi, đến nhà đều được chủ nhà cho tiền mừng tuổi, nhiều ít tùy tình tuỳ cảnh. Ngược lại, khách cũng mừng tuổi cho con cháu còn nhỏ của chủ nhà.
Theo quan niệm dân gian, dưới đây là những điều kiêng kỵ trong lì xì ngày Tết, bạn cần nắm rõ để không mang lại xui xẻo cho chính bản thân và người nhận.
Theo chuyên gia, mọi người cũng cần lưu ý những điều cần tránh khi lì xì ngày Tết như:
Không nhận lì xì bằng một tay: Khi nhận lì xì dù là người lớn hay nhỏ hơn đều phải nhận bằng hai tay để bày tỏ sự tôn trọng với người tặng.
Không vòi thêm lì xì: Cha mẹ cần dặn dò con trẻ, nhất là những đứa trẻ thường hay đòi hỏi không nên đòi thêm lì xì từ ông bà, cha mẹ, điều này là bất kính cùng với đó là làm mất đi ý nghĩa truyền thống của bao lì xì ngày đầu năm.
Không mở bao lì xì trước mặt người tặng: Việc mở bao lì xì là việc rất riêng tư và khi mở bao lì xì trước mặt người tặng được xem như là hành động bất lịch sự, xem nặng đồng tiền hơn tấm lòng của người tặng.
Mâm cơm tất niên để gia đình tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, cả nhà sum họp, kể lại kỷ niệm, nói dự định trong năm tới.
Nguồn: [Link nguồn]