Người thầy vướng chuyện "tiền trường"

Sự kiện: Giáo dục

Năm học mới bắt đầu cũng là lúc chuyện thu - chi trong trường học nóng lên. Sau khá nhiều nỗ lực của người thầy, một số địa phương đã ra công văn yêu cầu không để giáo viên (GV) trực tiếp thu tiền học sinh.

Người thầy vướng chuyện "tiền trường" - 1

Mới đây nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa lưu ý GV tuyệt đối không được trực tiếp nhắc học sinh nộp các khoản tiền trong năm học. Thay vào đó, nhà trường phải có công văn bỏ vào phong bì gửi đến phụ huynh học sinh. Đây có lẽ là tin vui với GV tỉnh nhà. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu GV có thể hoàn toàn thoát khỏi chuyện tiền nong giữa nhà trường và phụ huynh hay không?

Từ bao giờ chẳng biết, nhiệm vụ thu nộp các khoản được "khoán trắng" cho GV chủ nhiệm. Công khai các khoản thu, giải trình với phụ huynh, thu tiền từ học sinh, đốc thúc tiến độ nộp… bỗng trở thành nhiệm vụ bất khả kháng của GV. Bất kỳ mối quan hệ nào liên quan đến "tiền" thì lẽ tất nhiên là cực kỳ nhạy cảm.

GV biến thành "kẻ đòi nợ" và phụ huynh, học sinh tất nhiên là "con nợ". Thầy có thể nào không "đòi nợ" khi lời nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc của nhà trường luôn hối thúc sau lưng? Danh sách lớp nào nộp đủ, lớp nào còn thiếu, thầy cô nào hoàn thành việc thu nộp, GV nào chậm trễ được cập nhật hằng tháng. Tên lớp, tên GV "được" nhắc đến vài lần trong cuộc họp hội đồng sư phạm vì thu chậm, nộp chậm.

Có trường còn đặt ra chỉ tiêu mỗi học kỳ thu bao nhiêu phần trăm tổng số tiền, cứ vậy mà nhân lên. Đạt chỉ tiêu nộp thì có thi đua; không đạt thì trừ điểm, hạ thi đua. GV chẳng thể nào thoát cảnh nhắc tiền, "bêu tên", đòi nợ trong muôn nỗi day dứt, chạnh lòng.

Học sinh có muôn vàn hoàn cảnh gia đình. Có em mở miệng xin tiền nộp đã có ngay; có em năn nỉ ỉ ôi vẫn bị cha mẹ hẹn vì chưa bán kịp tạ thóc, con heo… GV hiểu điều đó hơn ai hết nhưng quan trọng là cấp trên có hiểu và thông cảm cho thầy và trò không?

Từng là con nhà nghèo bị thầy cô nhắc nhở vì thiếu tiền nộp, tôi hiểu hơn ai hết nỗi lo nơm nớp mỗi lúc đến tiết của GV chủ nhiệm. Ngày ấy, tôi cũng đã nhiều lần bị "bêu tên" giữa lớp, bị "điểm danh" trong danh sách thiếu tiền, bị xét hỏi vì sao nộp chậm, bị yêu cầu "hứa" bao giờ nộp đủ…

Vậy mà giờ đây trở thành GV, chính tôi lại phải gieo những cảm xúc tiêu cực ấy lên học trò của mình. Tôi đã làm công việc "đòi nợ" ấy hơn 10 năm, "bêu tên" học trò thiếu tiền không biết bao nhiêu lần, vài dạo bỏ tiền túi bù vào khoản còn thiếu, vài dạo kêu gọi học sinh giúp đỡ bạn nghèo để bảo đảm chỉ tiêu… Thú thật, chưa bao giờ tôi có được cảm giác thoải mái, dễ chịu trong ứng xử với học trò quanh chuyện "tiền trường".

Tôi vẫn nhớ như in lần cô và trò nhìn nhau cười như mếu trong phòng hội đồng. Số là thầy hiệu trưởng trường tôi rất nguyên tắc trong việc thu các khoản, buộc phải bảo đảm 100%. Khi kỳ thi học kỳ cuối năm diễn ra, trước buổi thi đầu tiên, tất cả học sinh thiếu tiền nộp đã bị mời về phòng hội đồng để viết cam kết nộp tiền. Trò nhìn cô giáo chủ nhiệm như cầu cứu, cô nhìn trò cười gượng vì… bất lực.

Ai là người trong cuộc hẳn rất thấm thía nỗi khổ của GV khi phải trực tiếp thu tiền học sinh. Giấc mơ lớn của người GV đơn giản lắm, đó là chuyên tâm lo chuyên môn và vui vẻ trong giờ lên lớp cùng học sinh. Hãy "giải phóng" áp lực và nỗi phiền muộn "tiền trường" cho nhà giáo!

Bộ GD&ĐT nói gì về quy định mới ngăn chặn lạm thu?

Bộ GD&ĐT cho biết, quy định về tài trợ tại các cơ sở giáo dục (xã hội hóa) phải được phê duyệt, công khai và không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRANG NGUYỄN ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN