Người thầy khiến hàng ngàn học sinh bật khóc

Sự kiện: Giáo dục

Hàng ngàn học sinh đã khóc nức nở khi nghe thầy Nguyễn Thành Nhân giảng về công ơn cha mẹ, cách ứng xử với thầy cô giáo.

Trong chuyến công tác miền Bắc đầu năm 2018, thầy Nguyễn Thành Nhân đã có 15 buổi làm việc tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Nam Định, truyền cảm hứng cho hàng nghìn học sinh bằng những bài giảng của mình.

Xúc động những bài học làm người

Ở Trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, thầy Nhân tạo xúc động mạnh khi nhắn với các học trò: "Đừng bao giờ để bố các bạn chết rồi, quỳ bên cạnh cái quan tài, khóc bù lu bù loa: Bố ơi con xin lỗi bố. Đừng nói câu đó, ông ấy không nghe được nữa... Bố mẹ các bạn sáng nay đưa các bạn đến trường, hay các bạn tự đi, thì ở đâu đó vẫn nhớ tới các bạn…"

"Không cớ gì mình làm sai mình không xin lỗi. Ai đó làm sai với giáo viên, cuối giờ hãy chạy tới phòng hội đồng, nói cô ơi con xin lỗi cô ạ. Mọi lỗi lầm đều được hoá giải. Tại sao, lời xin lỗi dễ như vậy nhiều người không nói?"… Sau lời nói của thầy là những giọt nước mắt tràn trên má các học sinh, clip bài giảng này được quay lại lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội với hàng triệu lượt xem và hàng trăm bình luận. Nhiều khán giả, không phải là học sinh nhưng khi xem bài giảng của thầy giáo trong clip đã bày tỏ sự xúc động.

Người thầy khiến hàng ngàn học sinh bật khóc - 1

Học sinh Hà Nội không nén được xúc động khi nghe bài giảng của thầy

Tại trường THPT An Lão, TP Hải Phòng, bài giảng về sống 3 trách nhiệm của thày Nhân dù không phải bài giảng cảm xúc cũng đã làm rất nhiều học trò rơi nước mắt. Thầy giáo này rất tự hào vì sau những buổi trao đổi của mình với các học sinh, thái độ của các em có thể thay đổi 30%-40%, thậm chí nếu có thêm sự chia sẻ từ phía phụ huynh, con số có thể tăng lên 60%-70%.

Rất nhiều bài giảng của thày Nhân đã được đưa lên youtube, thu hút hàng chục triệu lượt xem. Thầy Nguyễn Thành Nhân cho biết để thành công, con người cần 20% các bài học văn hóa, nhưng cần đến 80% các bài học kỹ năng sống bên ngoài, trong khi đó hiện nay các bạn trẻ đang mải mê chạy theo các kiến thức sách vở, quên đi những kiến thức về cuộc sống, về những tình cảm thiêng liêng của gia đình, cách đối nhân xử thế…

Thầy Nhân từng chia sẻ, nhiều phụ huynh ở Việt Nam đang mắc phải hai sai lầm, đó là bao bọc con quá mức thay vì để trẻ tự trải nghiệm, việc gì khó là thuê gia sư, người giúp việc giải quyết thay các em. Chính vì điều này mà các em không có một thử thách thật sự nào phải vượt qua, dẫn đến thiếu bản lĩnh sống. Thứ hai là "tâm lý bù đắp": Vì bận bịu công việc, không có thời gian cho con các phụ huynh nên thường bù đắp bằng việc đáp ứng mọi nhu cầu của con. Phụ huynh từ khó khăn mới khá giả lên thì cho con tiêu xài rất phung phí để "bù" lại thời gian trước. Bố hoặc mẹ một mình nuôi con thì cố gắng bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho con bằng những cách không phù hợp...

"Những sai lầm ấy của cha mẹ khiến cho trẻ dần trở nên ích kỷ, rồi ngang bướng hơn và trở nên nổi loạn bởi các bạn nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Các bạn càng lớn, sự ngỗ nghịch, đòi hỏi trong các bạn tăng lên, các bạn quên bẵng đi lời xin lỗi, cảm ơn. Tôi mong muốn bằng bài giảng đạo đức của mình, đánh thức trong các bạn những gì bị ngủ quên" - thầy Nhân chia sẻ.

Người thầy khiến hàng ngàn học sinh bật khóc - 2

Thầy Nguyễn Thành Nhân đã giảng bài bằng chính trái tim và sự trải nghiệm của đời mình

Từ trái tim sẽ chạm tới trái tim

Khi được hỏi về bí quyết chinh phục các học trò, thầy Nhân cho rằng điều cốt lõi là "những gì từ trái tim sẽ chạm tới trái tim" chứ không phải là bí quyết hay kỹ năng gì. Bản thân thày Nhân cũng xuất phát từ một đứa  trẻ nghèo thiếu thốn, bị tổn thương. Tuổi thơ thiếu may mắn, nhà thầy Nhân rất nghèo và đông anh em, thầy phải vừa lao động giúp gia đình, vừa cố gắng học, học để thoát nghèo, học để dạy dỗ các em.

Rồi mẹ mất sớm, kinh tế gia đình khó khăn, thầy Nhân phải bươn chải nhiều nghề để sống và tiếp tục học, trong đó có nghề dạy kèm cho học sinh cấp 2-3, lứa tuổi teen. Trong quá trình dạy kèm, thầy Nhân nhận thấy học trò của mình còn quá non nớt, quá thiếu kỹ năng sống, thiếu bản lĩnh để vào đời. Gặp một người thầy Ấn Độ được cho là đã thay đổi cuộc đời mình, thầy Nhân bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu các chương trình đào tạo kỹ năng sống của nước ngoài, chọn lọc và áp dụng cho các học sinh.

Chia sẻ kinh nghiệm với các trò bằng chính những trải nghiệm, những gì va vấp trong cuộc sống của mình, thầy Nhân lên lớp không chuẩn bị kịch bản cụ thể. Trước mỗi lần giảng dạy đạo đức tại các trường học, thầy Nhân thường đến trường từ rất sớm để trò chuyện với các bác bảo vệ, quan sát các học sinh và nói chuyện với từng người để phần nào hiểu hơn về ngôi trường ông sẽ giảng bài. Chính vì sự gần gũi này mà thày Nhân luôn nhận được sự ủng hộ của các học sinh trên khắp mọi miền cả nước.

Có lần giảng bài ở Trường dân tộc nội trú Mù Căng Chải, Yên Bái, sau bài giảng, hàng trăm học sinh xếp hàng dài để mang sách, bút xin chữ ký của thầy, một tình cảm đặc biệt mà tất cả những người đứng trên bục giảng đều mơ ước.

Gây ”sốt” cộng đồng mạng, thầy giáo bế con cho sinh viên làm bài thi nói gì?

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh hình ảnh thầy giáo bế con giúp sinh viên của mình tập trung làm bài thi khiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN