Người mẹ này đã làm gì để giúp con gái mình từ học sinh bình thường trở nên xuất sắc?
Cha mẹ đừng đợi tới khi con mình học cấp 3 mới chịu thay đổi nhận thức và suy nghĩ của bản thân.
Con gái cô Trần (Trung Quốc) trước đây cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, thành tích học chỉ ở mức trung bình. Đã có lúc cô cũng như bao phụ huynh khác, muốn con mình chăm ngoan, học giỏi nên thường lo lắng. Tuy nhiên, sau khi cô thay đổi, con gái cô đã có một bước tiến ngoạn mục trên con đường học tập của mình.
Tâm trạng của cha mẹ quyết định tâm trạng của con cái
Cô Trần không dám tự nhận mình là một chuyên gia nhưng công việc của cô cũng liên quan nhiều tới giáo dục. Cũng như bao người khác, cô là một người mẹ bình thường, thường loay hoay trong việc dạy dỗ con cái. Làm mẹ thực sự không dễ dàng, đó không phải là điều có thể học được mà không cần một người thầy. Trên thực tế, khi làm cha mẹ cần thì bản thân họ cũng phải vừa học vừa thực hành.
Con gái cô Trần thi đại học năm trước, khi biết điểm thì ai cũng ngạc nhiên. Một học sinh từ bé tới lớn luôn có học lực ở mức trung bình, ngoại trừ tiếng Anh và Toán. Trong các buổi họp phụ huynh, cô luôn thấp thỏm chờ đợi một lời khen của cô giáo dành cho con mình vì đã tiến bộ.
Ảnh minh họa.
Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi cô Trần nhận thức được 3 vấn đề cốt yếu trong giáo dục con cái:
- Tâm lý cha mẹ quyết định trạng thái của con cái.
- Phàn nàn con cái giống như một lời nguyền.
- Khi cha mẹ thay đổi, con cái sẽ nhận ra và thay đổi theo.
Cô Trần khuyên rằng, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng về việc con mình có học giỏi hay không, bởi mỗi học sinh đều có thể trở nên xuất sắc trong những năm cuối cấp.
Con gái cô Trần từ nhỏ đã là một đứa trẻ vô tư, hồn nhiên, những rắc rối bắt đầu khi cô bé học tiểu học. Vì các bạn đều được học trước nên khi vào trường tiểu học đều nhanh chóng hiểu hết những gì cô giáo giảng, chỉ có con gái cô không học trước nên cảm thấy đuối sức.
Khi lên trung học, thành tích của con gái cô giảm mạnh nhưng may mắn vẫn đậu vào trường cấp 3.
Bây giờ khi nhìn lại, cô nhận thấy 3 năm học cấp 2 là khoảng thời gian mình luôn trong tâm trạng lo lắng, phàn nàn về việc học của con. Lúc đó, cô không nhận ra việc mình lo lắng quá mức cũng chẳng thể khiến điểm số của con gái tăng lên, hơn nữa còn tạo ra một vòng luẩn quẩn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Cô nhận ra rằng, khi bản thân không hài lòng về thành tích, điểm số của con cái, rất khó để có thể không tức giận, phàn nàn, la mắng. Khi con cái tiếp nhận sự tiêu cực của người mẹ gieo vào mình, chúng sẽ cảm thấy mình không được tin tưởng, lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng.
Khi con gái cô lên cấp 3, vì có chút thay đổi trong công việc nên cô không còn đủ thời gian và sức lực để quan tâm tới con mình. Giờ đây, với tư cách là một người mẹ thích kiểm soát, cô phải buông bỏ, phải nỗ lực để biến những lo lắng, vướng mắc, phàn nàn hằng ngày của mình thành sự chấp nhận, tin tưởng vào con mình.
Cô Trần học cách chấp nhận, dù điểm số của con có tốt hay không, con là con gái của mẹ. Dù thế giới có đánh giá con thế nào, con vẫn là đứa con yêu quý nhất của mẹ. Hãy tin tưởng vào con cái nhiều hơn, bởi trong thâm tâm đứa trẻ nào cũng muốn học giỏi, muốn trở thành người đứng đầu, trở thành niềm tự hào của cha mẹ.
Khi cô bắt đầu thay đổi suy nghĩ, con gái cô cũng từ từ thay đổi. Mặc dù con gái cô vẫn có khoảng cách rất xa so với các bạn học giỏi trong lớp nhưng nhìn thấy những điều con mình làm, cô có chút tự hào xen lẫn lo lắng.
Trong khi các bạn trong lớp học ngày học đêm để ôn thi đại học, con gái cô tập trung sản xuất các video, đóng vai trò nhà sản xuất những thứ linh tinh như địa điểm quay phim, thiết bị chụp ảnh, đạo cụ, diễn viên...
Dù không biết con mình có thành công hay không, cô cũng đành phải ngưng lo lắng và để con tự chịu trách nhiệm.
Khi con gái cô quyết định rời Bắc Kinh để tới Đài Loan học đại học, cô chỉ biết ủng hộ. Cô chỉ mong rằng, con mình trở thành một người tử tế, ngay thẳng, khỏe mạnh, tích cực, lạc quan. Đối với con cái, tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ quan trọng hơn sự hy sinh vật chất.
Sự thay đổi mang tính quyết định vào năm cấp 3
Dù là năm cuối cấp nhưng cô Trần không quá thúc giục con trong chuyện học. Con gái cô thường đi ngủ lúc 11h đêm, dù còn bài tập vẫn phải tắt đèn đi ngủ. Ăn sáng chú trọng tới một bữa ăn phong phú gồm trái cây, trứng, sữa, các loại hạt. Chỉ bằng cách ăn uống đầy đủ thì mới có năng lượng cho một ngày học.
Mỗi ngày, con gái cô đều được mẹ phân công lao động, phải quét và lau nhà, dắt chó đi dạo, ngày trước kỳ tuyển sinh cũng không có ngoại lệ. Mọi thứ trong nhà đều phải gọn gàng, sạch sẽ, tóc phải được sấy khô trước khi ngủ.
Ảnh minh họa.
Cô Trần quan niệm rằng, con gái mình cần sống một cách vui vẻ. Vào trường đại học là trách nhiệm của con gái, còn trách nhiệm của một người mẹ như cô là quan tâm con mình sẽ trở thành một người như thế nào trong tương lai.
Trong một lá thư con gái gửi cho cô có viết rằng: “Cảm ơn mẹ vì mẹ đã hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của con, cho phép con được đến đây để học. Con đã trưởng thành rất nhiều khi ở Đài Bắc một mình. Con cũng đang học cách quản lý thời gian và tiền bạc, trở thành một người tốt và có năng lực”.
Những lời nói của con gái khiến cô Trần nhận ra rằng, tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ là vạch xuất phát mà con cái mong muốn nhất. Cha mẹ đừng đợi tới khi con cái vào cấp 3 mới thay đổi quan niệm.
Cô mong các bậc phụ huynh đặc biệt đừng quá chú trọng vào việc học kiến thức. Mỗi năm có 25% kiến thức trở nên lỗi thời, mỗi người trước tiên phải có năng lực tư duy nhận thức, khả năng thích ứng, sáng tạo và quan trọng hết là chú trọng tới bản thân có hạnh phúc hay không.
Tác giả người Mỹ Daniel H. Pink từng nói rằng, mỗi người trẻ nên cần có 6 khả năng này trong tương lai: Sáng tạo, kể chuyện, tích hợp mọi thứ, đồng cảm, chơi đùa và tìm ra ý nghĩa.
Nói cách khác, những người thành công trong tương lai không phải là những người biết học thuộc lòng, mà là những người có khiếu thẩm mỹ, biết kể chuyện, có khả năng thích nghi dù sống ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Họ luôn vui vẻ và có những mục tiêu nhỏ của riêng mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Chàng trai này không ỷ lại vào gia đình mà vươn lên nhờ nỗ lực không ngừng của bản thân.