Người lớn tranh cãi, hơn 600 trẻ thất học: Chỉ vì... quy hoạch?

Tại Hà Tĩnh 10 năm trở lại đây, số học sinh các cấp giảm một cách rõ rệt, cỡ khoảng 30%. Trong khi đó vấn đề quy hoạch trường ở nông thôn tỉnh này không được làm rốt ráo nên đã nảy sinh nhiều bất cập.

Người lớn tranh cãi, hơn 600 trẻ thất học: Chỉ vì... quy hoạch? - 1

Bà Trần Thị Tánh (thôn Bình Giang) cho biết chuẩn bị gửi cháu vào miền Nam cho bố mẹ vì sợ cháu đi học xa, không trông nổi

Trường nhiều trò ít

Để phục vụ nhu cầu học tập, mạng lưới trường học mở ra khắp các địa phương, vùng miền ở Hà Tĩnh nhưng sau đó số học sinh lại giảm nhanh chóng do giảm sinh và di dân cơ học. Cụ thể, năm học 2011-2012, hệ thống trường mầm non trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 278 trường, trong đó có 16 xã, phường, thị trấn có 2 trường mầm non. Trường tiểu học có 304 trường, trong đó có 38 xã có từ 2-4 trường tiểu học, có 36 trường dưới 150 em học sinh. Trong khi đó, qua khảo sát, rất nhiều trường thiếu học sinh. Cá biệt như Trường Tiểu học Tân Hương ở huyện Đức Thọ chỉ có 68 em. Đặc biệt là hệ thống trường THCS, cả tỉnh có đến 185 trường, trong đó có 47 trường liên xã nhưng có đến 24 trường chỉ có dưới 9 lớp.

Trường THCS Quang Điền ở xã Hương Quang, huyện Vũ Quang khi chưa sáp nhập trường (nay đã sáp nhập vào Trường THCS Hương Thọ thành Trường THCS Quang Thọ) là điển hình của tình trạng ít học sinh. Năm học 2012, trường này chỉ vẻn vẹn có 25 em học sinh chia làm 4 lớp.

Không chỉ các xã ở vùng núi, ngay tại huyện Đức Thọ - nơi được xem là cái nôi của ngành giáo dục, những năm qua tình trạng giảm học sinh diễn ra hết sức rõ rệt. Thầy giáo Lê Văn Mậu - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Thiêm, huyện Đức Thọ cho biết: Trường THCS Lê Văn Thiêm năm học 2012-2013 đã sáp nhập với Trường THCS Đức Lâm mà cũng chỉ có 18 lớp với 663 học sinh. Theo thầy Mậu: “Nhiều năm qua mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con nên dân số giảm và Đức Thọ có lượng lớn con em sau khi học các trường đại học lập nghiệp ở thành phố chứ không về quê dẫn tới các trường học vùng nông thôn giảm dần học sinh”.

Mặc dù các trường học ở nông thôn đang ngày càng giảm học sinh, nhưng ở các địa phương không có sự khảo sát nắm bắt nhu cầu thực tế mà vẫn cứ xây trường, gây lãng phí và không phát huy tác dụng. Điển hình cho việc này là huyện Thạch Hà. Năm 2010, huyện Thạch Hà không nắm được quy hoạch mạng lưới giáo dục của tỉnh nên đã đầu tư hơn 31,3 tỷ đồng xây mới Trường THPT Mai Kính với quy mô 4 tầng 16 phòng học. Khi trường xây xong phần thô thì tỉnh Hà Tĩnh có công văn dừng việc xây dựng vì Trường THPT Mai Kính đã nằm trong diện giải thể do số học sinh ngày càng giảm.

Giải pháp bất đắc dĩ

Trước thực trạng trường lớp thừa nhiều, từ năm 2011 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có đề án sáp nhập các trường và coi đây là cách để “nâng cao chất lượng giáo dục”. Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết: Sau 2 năm thực hiện đề án sáp nhập trường cơ bản hoàn thành theo lộ trình từ 278 trường mầm non nay còn 266 trường, bậc tiểu học từ 304 trường nay còn 264 trường, bậc THCS từ 185 nay còn 133 trường, riêng bậc THPT từ 45 trường nay còn 44 trường. Như vậy là có tới 105 ngôi trường bị giải thể.

Trường THCS Đại Nài, phường Đại Nài, TP.Hà Tĩnh trước khi sáp nhập có 12 lớp. Ít lớp kéo theo giáo viên bộ môn cũng chỉ được bố trí ít, thậm chí một số giáo viên phải dạy chéo môn và dạy nhiều môn. Năm 2012, trường sáp nhập với điểm trường THCS Thạch Bình, nâng quy mô trường lên 20 lớp.

Trao đổi với PV NTNN, bà Đặng Thị Thanh- Hiệu trưởng Trường THCS Đại Nài cho biết: “Số học sinh ít gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học, đầu tư cơ sở vật chất... Sáp nhập trường sẽ giúp giảm lãng phí về đầu tư trường lớp, trả lương giáo viên, đẩy mạnh sinh hoạt tổ nhóm giáo viên, nâng cao chất lượng dạy học”.

Còn các thầy cô giáo Trường THCS Lê Văn Thiêm, huyện Đức Thọ vẫn còn nhớ như in câu chuyện cách đây 2 năm khi sáp nhập Trường THCS Đức Lâm sang Lê Văn Thiêm, 3 tháng đầu năm học 2012-2013, hơn 100 em ở xã Đức Lâm không được phụ huynh cho đến trường học vì phản đối không chịu nhập sang trường xã khác học cũng với lý do con họ phải đi học xa và không được bàn bạc trước. Tuy nhiên, người dân cũng chỉ “dám” cho con bãi khóa ít lâu là “đầu hàng”, đến nay mọi việc đã ổn. Thầy giáo Lê Văn Mậu chia sẻ: “Từ 12 lớp học lèo tèo với 350 học sinh nay tăng lên 18 lớp học với 663 em, tạo khí thế học tập cho học sinh và công tác giảng dạy của giáo viên trong trường”.

Riêng với xã Hương Bình, “cuộc chiến” vẫn còn đang tiếp diễn bởi theo người dân, việc dồn trường mang tính áp đặt, chưa thực sự tôn trọng ý kiến người dân. Và câu hỏi, vì sao quy hoạch trường lại thừa nhiều đến thế, lãng phí đến thế vẫn còn bỏ ngỏ!!!

UBND huyện Hương Khê cho biết, học sinh đến điểm trường mới sẽ được miễn tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được vào học tại trường nội trú; học sinh chưa có xe đạp hoặc khoảng cách đến trường từ 6 - 7km trở lên thì được tặng xe đạp. Đến thời điểm này đã có 3 em về học tại Trường nội trú ở thị trấn Hương Khê. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN