Người Do Thái chiếm đến 1/2 số doanh nhân giàu nhất thế giới và đây là cách cha mẹ họ giúp con lớn lên kiệt xuất
Dường như những người thành công nhất đều là các đại diện kiệt xuất của dân tộc Do Thái. Vậy tại sao dân tộc này lại sở hữu những doanh nhân kiệt xuất đến vậy?
Mọi người đều biết, người Do Thái được cả thế giới công nhận là "Dân tộc thông minh nhất trên thế giới". Chỉ chiếm 0,3% dân số thế giới song 17% số người đoạt giải Nobel và 30% của cả thế giới thuộc về dân tộc này. Người Do Thái chiếm đến 1/2 số doanh nhân giàu nhất thế giới, chiếm 1/3 số triệu phú ở Mỹ và 18/40 người đứng đầu danh sách Forbes (theo số liệu của năm 2013) cũng chính là người dân đến từ dân tộc này như ông vua dầu mỏ Rockefeller, ông trùm tài chính George Soros, ông trùm tài chính phố Wall Morgan...
Tất cả nằm ở cách nuôi dạy con mà cha mẹ Do Thái nào cũng áp dụng.
Đọc sách là cách tốt nhất để lấp đầy trí tuệ cho bộ não
Trí thông minh của người Do Thái có liên quan nhiều đến niềm yêu thích đọc sách của họ. Dù trong cảnh nghèo đói, túng quẫn, người Do Thái phải bán đồ đạc để kiếm sống thì họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ bán sách. Người Do Thái không bao giờ làm hỏng sách, họ sẽ luôn sửa chữa nếu sách bị hư hỏng, khi sách cũ nát không đọc được nữa, họ sẽ trịnh trọng đào một cái hố để "chôn" chúng.
Người Do Thái được mệnh danh là "dân tộc đọc sách", họ có thể đọc sách bất kể thời gian và địa điểm, trên đường phố, quảng trường hay thậm chí là nhà ga.
Chính vì sở hữu thói quen tự học được trau dồi từ khi còn nhỏ nên việc đọc sách đã trở thành một phần không thể từ bỏ của người Do Thái trong suốt quãng đời của mình. Họ tự biến trí tuệ của nhân loại thành kiến thức của mình và dùng nó để tạo ra những giá trị và của cải.
Chính vì lý do này mà cha mẹ Do Thái lúc nào cũng dạy con yêu sách vì họ biết rằng đọc sách là cách tốt nhất để lấp đầy trí tuệ cho não bộ.
Không chỉ có tài kinh doanh giỏi, các bố mẹ Do Thái còn có cách giáo dục con độc đáo. Ảnh minh hoạ
Tin tưởng và tạo động lực giúp trẻ tiến bộ
Theo GS Reuven Feuerstein - nhà tâm lý học nhận thức nổi tiếng thế giới đã nhận định trong nghiên cứu "Trí thông minh có thể sửa đổi" rằng, trí thông minh của con người không phải là một đại lượng cố định. Nhất là trí thông minh của trẻ có thể phát triển và thay đổi theo thời gian nhờ vào các phương pháp học tập và rèn luyện khoa học.
Chính vì thế, người Do Thái cho rằng, đứa trẻ nào cũng đều thông minh và có khả năng phát triển tốt. Khi bậc cha mẹ tạo dựng niềm tin và nhận thức tích cực cho con thì chắc chắn sẽ giúp trẻ phát triển theo chiều hướng tích cực. Khi đó, trẻ sẽ học được cách tin tưởng vào chính bản thân mình và dần dần điều đó sẽ thúc đẩy, tạo động lực giúp trẻ tiến bộ hơn theo thời gian.
Không gán ghép những từ tiêu cực cho con
Cha mẹ Do Thái không bao giờ gán ghép những từ mang nghĩa tiêu cực cho con cái như "Con là người xấu/Con là đồ lười". Thay vào đó, họ sẽ nói rằng: "Một đứa trẻ ngoan ngoãn như con tại sao lại gây ra hành vi đáng tiếc như vậy?".
Người Do Thái ý thức và nắm bắt rất rõ những khuyết điểm, hành động xấu của con, nhưng trước mặt người ngoài và trước mặt trẻ, họ không chỉ trích như vậy mà sẽ tìm cách uyển chuyển hơn để truyền đạt. Ngoài ra, họ sẽ khéo léo uốn nắn, dạy dỗ lại con cái mà không để người ngoài can thiệp.
Dường như những người thành công nhất đều là các đại diện kiệt xuất của dân tộc Do Thái. Ảnh minh hoạ
Chế độ sống "có thù lao", rèn luyện khả năng sinh tồn
Chế độ sống "có thù lao" là một trong những phương pháp giáo dục sinh tồn thú vị của người Do Thái. Đầu tiên, các bậc cha mẹ Do Thái sẽ liệt kê một danh sách các công việc lặt vặt trong gia đình và quy định một mức thù lao nhất định cho từng công việc đó. Khi hoàn thành một công việc nào đó, trẻ sẽ nhận được số tiền thù lao như quy định và có thể tự do sử dụng khoản tiền đó của mình.
Điều này mang lại kết quả xuất sắc, không chỉ khiến con cháu người Do Thái hiểu biết về giàu có mà còn cho phép họ thực hiện sự nghiệp của mình ở bất kỳ thời điểm nào với số tiền thù lao có được.
Theo quan điểm của các bậc cha mẹ Do Thái, giáo dục kỹ năng khác nhau được dạy trong trường học, bao gồm âm nhạc, khiêu vũ, nghệ thuật, quần vợt... là những dưỡng chất cần thiết để trẻ phát triển. Tuy nhiên, những giáo dục này không thể cho phép trẻ học hỏi kinh nghiệm sống.
Để nuôi dạy con cái, cha mẹ Do Thái đã vứt bỏ rất nhiều thứ hào nhoáng, đặt giáo dục sinh tồn lên hàng đầu và đi thẳng vào mục đích ban đầu của việc nuôi dạy - làm cho mọi đứa trẻ lớn lên có một cuộc sống tốt hơn.
Cách làm này có tác dụng tốt đối với tất cả trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Dưới sự vận hành của cơ chế sống "có thù lao", mọi đứa trẻ đều có khả năng hơn cha mẹ tưởng tượng. Đồng thời, ý thức về thời gian, tiền bạc, tự quản lý và có trách nhiệm được hình thành ở trẻ.
Người Do Thái tin rằng trẻ biết lao động ngay từ nhỏ có thể tự tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình trên cơ sở không ngừng trải nghiệm cuộc sống. Sau này chúng sẽ dễ dàng thành công hơn trong sự nghiệp.
Kích thích trí tò mò và sáng tạo của trẻ
Trẻ con là đối tượng non nớt, chưa có sự hiểu biết về cuộc sống nên luôn tò mò với thế giới xung quanh. Các bậc cha mẹ cần kích thích trí tò mò của trẻ bởi mọi sự giới hạn hay cấm đoán trẻ khám phá cuộc sống có thể làm cho chúng có tâm lý trở ngại, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đối với người Do Thái, họ luôn tạo môi trường giáo dục cho trẻ một cách khoa học và phù hợp. Ở đó, trẻ được thỏa mãn sự tò mò của bản thân về mọi vấn đề trong cuộc sống, phù hợp với độ tuổi, sở thích, mong muốn... của trẻ.
Chẳng hạn như, khi trẻ phát hiện về một loài cây kỳ lạ nào đó xuất hiện trong cuốn sách hay một chương trình mà trẻ yêu thích. Chúng sẽ có tâm lý tò mò và mong muốn khám phá về loài cây đó. Người lớn lúc này cần tìm hiểu đúng nhu cầu của trẻ và cung cấp cho chúng tư liệu phù hợp giúp trẻ hiểu hơn về vấn đề chúng đang quan tâm.
Lười biếng hay không làm gì cả ngày không bao giờ có trong suy nghĩ của trẻ Do Thái bởi các em được dạy làm việc chăm chỉ, biết quản lý thời gian. Ảnh minh hoạ
Học là sự lặp lại không ngừng nghỉ
Người Do Thái coi việc học là "sự lặp đi lặp lại". Đọc, nói, nghe, viết phải được thực hành lặp đi lặp lại và những gì đã học phải được ghi nhớ bằng cách nhắc lại. Với phương pháp giáo dục này của người Do Thái khá tương đồng với câu nói của Lênin: "Học, học nữa, học mãi".
Khen ngợi trẻ ngay khi có thể
Những bà mẹ Do Thái luôn khen ngợi con, ngay từ khi trẻ được sinh ra và chưa hiểu ngôn ngữ của cha mẹ. Mọi động tác của trẻ như biết nói hoặc biết vẽ đều sẽ nhận được những lời khen ngợi từ cha mẹ. Đặc biệt, trẻ em Do Thái thường được khen ngợi ở chốn đông người để các em có thể cảm nhận sự hiện diện và vị trí của mình trong xã hội.
Nếu thành tích của trẻ ấn tượng hơn, các em sẽ nhận được sự vỗ tay, chúc mừng từ tất cả thành viên trong gia đình. Người Do Thái tin rằng việc được khuyến khích sẽ nâng cao lòng tự trọng, thúc đẩy tinh thần và cung cách làm việc của trẻ.
Trì hoãn sự thoả mãn để rèn luyện ý chí
Trì hoãn sự thỏa mãn là một trong những phương pháp giáo dục quan trọng của người Do Thái. Điều này cho phép trẻ học cách kiên nhẫn, tinh thần chịu khó, khả năng kiềm chế nhằm hình thành một người kiên cường trong tương lai.
Trong nhiều gia đình, cha mẹ thường đáp ứng nguyện vọng và thỏa mãn các yêu cầu của con một cách nhanh chóng. Điều này khiến trẻ không hiểu được thế nào là khó khăn để có được thứ mình muốn và sẽ tự coi mình cao hơn người khác một bậc.
Sara Imas, bà mẹ Do Thái có 2 con trai là tỷ phú ngành công nghiệp kim cương đã khẳng định: "Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con".
Trì hoãn sự thỏa mãn nhằm nâng cao sức chịu đựng tâm lý của trẻ khi bị từ chối và nuôi dưỡng "trí thông minh nghịch cảnh" là điều cần thiết để thành công. Đồng thời, cha mẹ có thể rèn luyện cho trẻ ý chí và kỳ vọng vào cuộc sống trong việc hưởng thụ chậm trễ, từ đó trở nên linh hoạt và kiên nhẫn hơn trong học tập.
Trò chuyện cùng trẻ
Cha mẹ là người đóng vai trò trung gian giúp thúc đẩy khả năng phát triển trí tuệ của trẻ thông qua sự tương tác, trao đổi. Điều này đã được GS Reuven Feuerstein nhận định trong học thuyết nổi tiếng
"Trải nghiệm học có trung gian". Ông cho rằng, trí thông minh của trẻ sẽ được bồi dưỡng và phát triển tốt khi có sự hỗ trợ tích cực từ phía cha mẹ."
GS Feuerstein cũng khẳng định rằng, trí thông minh của trẻ là không có giới hạn và giãn nở tùy ý. Điều này thì phụ thuộc vào phương pháp mà cha mẹ giáo dục và định hướng phát triển cho con. Vì vậy, cha mẹ cần trò chuyện, tâm sự cùng con để tạo động lực, giúp con có tư duy tích cực, tin tưởng vào khả năng của mình.
Đồng thời, khuyến khích con bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của bản thân, để từ đó ba mẹ sẽ biết cách hỗ trợ và định hướng cho con phù hợp.
Tìm ra lý do thất bại chứ không phải tập trung đến điểm số
Khi con bị điểm kém, nhiều bố mẹ chỉ tập trung đến điểm số để la mắng. Song người Do Thái lại tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân khiến con thất bại. Bởi thất bại này chính là chìa khóa của thành công tới.
Ví dụ nếu con bị điểm thấp trong bài kiểm tra, cha mẹ Do Thái thường không chỉ trích con mà tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết triệt để vấn đề.
Dạy trẻ cách quản lý thời gian
Trẻ em Do Thái được dạy rằng phải làm việc chăm chỉ và biết cách quản lý thời gian hợp lý để mọi việc không chồng chéo lên nhau. Cha mẹ Do Thái cho con học rất nhiều bộ môn cùng lúc với khối lượng thời gian lớn như đàn violin, tiếng Anh, Toán học.
Nhiều em sinh ra trong gia đình kinh doanh buôn bán có thể tham gia làm việc cùng cha mẹ từ rất sớm. Thông qua những hoạt động trải nghiệm lớn và liên tục như vậy, các em phải học cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc và luôn tự nhủ phải làm việc chăm chỉ.
Cách giáo dục con cái của người Do Thái luôn khiến cho mọi người khâm phục và muốn học hỏi theo.
Nguồn: [Link nguồn]