Người cha có 3 con học ĐH Harvard chia sẻ 2 bí quyết dạy con cực kỳ quan trọng
Với xuất phát điểm là một người nhập cư sang Mỹ tiếng Anh không biết một chữ, ông Trương đã dạy dỗ con mình trở thành những người rất thành công ở đất nước này.
Khi một đứa trẻ sinh ra, chúng như tờ giấy trắng, cha mẹ muốn con mình trở thành một “bức tranh” như thế nào, nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc cha mẹ dạy dỗ trẻ khi còn bé. Có thể nói rằng, chính cách giáo dục của cha mẹ mới ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của con mình sau này.
Dưới sự huấn luyện của ông Trương Kiến Loan, cả 3 người con trai của ông đều được nhận vào Đại học Harvard danh tiếng. Sau khi tốt nghiệp đại học, các con của ông đều làm việc ở phố Wall, đảm nhiệm vị trí cao trong nhiều công ty lớn. Vì 3 người con đều tốt nghiệp từ đại học danh tiếng, học thức cao, thành công trong công việc nên rất nhiều người tò mò muốn biết cách giáo dục của gia đình ông Trương như thế nào.
Ông Trương kể lại rằng, kể từ khi mới sang Mỹ, con của ông chỉ học ở những trường lớp bình thường. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn nỗ lực học tập, bọn trẻ đã được xếp vào lớp dành cho người có tài năng thiên phú và đậu vào Harvard.
Ông Trương nói: “Có rất nhiều cách để giáo dục, nhưng ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái mới là thứ quan trọng nhất”.
1. Để trẻ chịu khổ
Có câu nói: “Dù khó đến đâu cũng không thể làm khổ con cái, dù nghèo đến đâu cũng không thể thất học”. Làm cha mẹ, chẳng ai muốn con mình phải chịu khổ, họ thà để bản thân khổ cực chứ nhất quyết phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con mình.
Khi ở độ tuổi đi học, cả 3 người con của ông Trương đều gặp rất nhiều khó khăn. 2 vợ chồng ông lúc nào cũng bận rộn công việc nên việc chăm sóc những đứa trẻ buộc phải nhờ vào cậu con trai đầu.
Bây giờ, chúng ta thường nói với con cái rằng: “Con chỉ cần học và không phải làm gì cả”. Nhưng ông Trương đã không làm như vậy, ông sẵn sàng để bọn trẻ chịu thiệt thòi và trau dồi tinh thần trách nhiệm cho chúng.
Trong thời gian học tiểu học và trung học cơ sở, 3 đứa trẻ làm bài tập về nhà sau khi tan học lúc 2 giờ chiều, đi phụ giúp quán ăn lúc 5 giờ và về nhà học tiếp lúc 8 giờ tối. Nhưng điều này không cản trở việc học của bọn trẻ, thậm chí còn giúp chúng cố gắng hơn và thăng hạng từ lớp bình thường lên lớp thiên tài.
Ngay từ nhỏ, cả 3 người con của ông Trương đều ý thức được cha mẹ mình làm việc rất vất vả, nên từ sớm đã hình thành tính tự lập, có ý thức học tập. Nhìn cha mẹ khổ cực như vậy, con của ông đều mong muốn thay đổi vận mệnh của mình bằng kiến thức, chỉ có nỗ lực học tập mới có thể thoát nghèo và thay đổi được tương lai của chính mình.
Ông Trương còn nói rằng, trẻ em ngày nay cảm thấy việc học là điều rất khó khăn và vất vả, nhiều em than phiền việc học rất mệt và không biết làm sao để học tốt lên.
Một số đứa trẻ nói rằng, khi cha mẹ chúng trở về nhà lúc nào cũng chỉ biết nằm dài trên sofa hoặc sử dụng điện thoại, sau đó thúc giục mình học bài. Chúng không hề biết cha mẹ mình đã làm việc bên ngoài vất vả ra sao, việc dùng điện thoại lúc đó cũng chỉ là để giải quyết công việc.
Vậy nên, muốn con cái hiểu được việc học là điều dễ dàng nhất, hãy để chúng biết được mùi vị của sự cực khổ khi làm việc là như thế nào, có như thế chúng mới hiểu được tầm quan trọng của việc học.
Giáo sư Lý Mỹ Kim từng nói: “Đứa trẻ phải học cách chịu trách nhiệm và học cách chia sẻ công việc nhà ngay từ nhỏ”.
2. Trở thành tấm gương tốt cho con cái
Khi ông Trương đến Mỹ, một chữ tiếng Anh ông cũng không biết nên chỉ có thể chăm chỉ học tiếng Anh mỗi ngày. Dù không hề nhắc nhở con cái học hành, nhưng 3 cậu con trai của ông thấy cha mình tranh thủ học tiếng Anh bất cứ khi nào rảnh rỗi, chúng tự giác thay đổi và học hành chăm chỉ hơn.
Con trai ông cũng kể lại rằng, khi vô tình nhìn thấy mẩu giấy ghi nhớ từ vựng tiếng Anh mà mẹ mình dán trong một cuốn sách, lúc đó cậu cảm thấy rất xấu hổ vì đã không học tập chăm chỉ và quyết tâm thay đổi.
Cha mẹ có thể không phải lúc nào cũng phải ngồi vào bàn học để cho con mình noi theo, nhưng ít nhất họ cũng nên dành thời gian học sách khi rảnh và trở thành một tấm gương tốt cho con cái.
Giai đoạn tiểu học và trung học cực kỳ quan trọng đối với trẻ
Đặc biệt, ông Trương nhấn mạnh tầm quan trọng của bậc tiểu học và trung học cơ sở. Sở dĩ như vậy là vì thời điểm này, môi trường học sẽ phần nào quyết định rất nhiều yếu tố có liên quan trực tiếp đến cuộc sống sau này của một đứa trẻ.
Bậc tiểu học là giai đoạn vàng trong cuộc đời của một đứa trẻ, là lúc mà trẻ cần hình thành thói quen học tập, sở thích học tập và tính cách. Nếu không được đào tạo bài bản, trẻ sẽ đi chệch hướng phát triển lành mạnh, từ đó thay đổi tương lai của mình.
Giai đoạn trung học cơ sở là nhịp cầu nối giữa trường tiểu học và trường cấp 3. Những thói quen hình thành ở trường tiểu học sẽ được củng cố ở trường trung học cơ sở, những thói quen tốt lúc này sẽ tạo nền tảng vững chắc khi lên trung học phổ thông. Trung học cơ sở cũng là giai đoạn tuổi mới lớn dễ nổi loạn nhất, nếu không hướng dẫn tốt trẻ sẽ lầm đường.
Nguồn: [Link nguồn]
3 phương pháp mà người bà này chia sẻ rất đơn giản, bất kỳ cha mẹ nào cũng đều có thể áp dụng.