Ngừng tuyển sinh: Chỉ là cảnh báo?

Việc 207 ngành đào tạo ĐH bị ngừng tuyển sinh từ năm 2014 mà Bộ GD-ĐT công bố chỉ mang tính cảnh báo để các trường chấn chỉnh, bổ sung đội ngũ giảng viên.

Nhiều trường ĐH có các ngành học nằm trong danh sách 207 ngành bị ngừng tuyển sinh năm 2014 mà Bộ GD-ĐT công bố hiện vẫn chưa rõ số phận của những ngành học này sẽ ra sao, khi kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ đang đến gần. Trong đó, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có đến 15 ngành học trong danh sách, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 8 ngành, Trường ĐH Hà Tĩnh 14 ngành, Trường ĐH Quy Nhơn 7 ngành, Trường ĐH Quảng Bình 8 ngành…

Đủ giảng viên là được tuyển sinh

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT - cho hay việc cảnh báo ngừng tuyển sinh đối với các ngành học này dựa trên báo cáo của các trường cũng như sự rà soát, trao đổi giữa các chuyên viên theo dõi cơ sở đào tạo và các trường. Thậm chí, Bộ GD-ĐT cũng tiến hành kiểm tra một số cơ sở có số liệu báo cáo không bình thường, kết hợp kiểm tra ngẫu nhiên một số trường.

Chia sẻ thêm về quyết định gây sốc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm 2012, bộ đã kiểm tra một số cơ sở và dừng tuyển sinh một số ngành không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng. Đầu năm 2013, bộ đã gửi công văn yêu cầu các trường rà soát tổng thể, báo cáo tình hình đội ngũ của các ngành nghề hiện đang đào tạo. Kết quả cho thấy một số trường, nhất là các trường ở địa phương, trường ĐH mới được nâng cấp từ các trường CĐ, gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Theo ông Ga, một số trường công lập hợp đồng với giáo viên đã nghỉ hưu nhưng theo quy định thì những giáo viên này không được tính vào đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường. Trong khi đó, các trường ngoài công lập lại kê khai giáo viên cơ hữu, trong khi giáo viên này đã là giáo viên cơ hữu của trường khác dẫn đến tình trạng chồng chéo.

Ngừng tuyển sinh: Chỉ là cảnh báo? - 1

Thí sinh dự thi ĐH-CĐ năm 2013 tại TP HCMẢnh: Tấn Thạnh

Việc thông báo ngừng tuyển sinh đột ngột hơn 200 ngành đào tạo ĐH trong thời điểm mùa tuyển sinh đã cận kề khiến không ít thí sinh đứng ngồi không yên vì có thể sẽ phải đổi ngành dự kiến đăng ký. Trước lo lắng này của các thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga trấn an: “Trong vòng 2 năm, bất cứ lúc nào nhà trường báo cáo có đầy đủ giáo viên thì bộ sẽ cho phép tuyển sinh trở lại”. Khẳng định này của ông Ga cũng đồng nghĩa với việc trong vòng 2 tháng nữa, trước khi thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh 2014, trường nào tuyển đủ số lượng giảng viên sẽ được tuyển sinh như bình thường.

Kiếm đâu ra tiến sĩ… đạo diễn?

Trước quyết định đột ngột của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo nhiều trường ĐH tỏ ra không đồng tình. Ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cho rằng cách tiếp cận vấn đề đối với những ngành năng khiếu của Bộ GD-ĐT chưa ổn. Theo ông Hiệp, trường đã đào tạo ngành đạo diễn hơn 30 năm nay nhưng không hề có một tiến sĩ đạo diễn điện ảnh nào và chắc chắn 3 năm tới như trong quy định của bộ cũng không có. “Thầy của các đạo diễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh… có phải là thạc sĩ, tiến sĩ đâu. Bao nhiêu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân của Việt Nam hiện nay đều do cử nhân dạy. Bộ GD-ĐT cần hiểu đặc thù của các trường nghệ thuật” - ông Hiệp nói.

Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông, cho rằng Bộ GD-ĐT chưa kiểm tra lại số liệu và việc thống kê có sự nhầm lẫn. Theo ông Dụ, trường này sẽ báo cáo lại với bộ về số liệu giảng viên. “Có những ngành bây giờ bộ mới quyết định đình chỉ tuyển sinh nhưng thực ra chúng tôi ngừng tuyển sinh từ lâu rồi, như ngành tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp” - ông Dụ dẫn chứng. 

Thí sinh không nên lo lắng

Ông Bùi Anh Tuấn cũng nhấn mạnh mục tiêu lần rà soát này của Bộ GD-ĐT là phát đi cảnh báo để các trường phải chú ý đến  việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên. “Nếu trong thời gian tới, các trường khắc phục được thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét” - ông Tuấn khẳng định. Theo ông Tuấn, các thông tin liên quan đến tuyển sinh sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong cuốn Thông tin những điều cần biết về tuyển sinh CĐ năm 2014 nên thí sinh không phải lo lắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN