Ngồi nhầm lớp: Bởi ở lại lớp là rất khó!
Anh Nguyễn Hữu Sơn ở Thanh Vân, Thanh Chương, Nghệ An bức xúc khi con gái của anh học đến lớp 3 mà cháu vẫn không thể viết được những từ có hai âm tiết.
Học sinh lớp 3 không bằng học sinh lớp 1
Trường hợp của cháu Nguyễn Thị Lê sinh năm 2005 đang là học sinh lớp 3 của trường Tiểu học Thanh Vân, huyện Thanh Chương, Nghệ An là một điển hình cho trường hợp "ngồi nhầm lớp".
Anh Nguyễn Hữu Sơn, bố của cháu Lê cho biết anh bất ngờ khi anh hỏi con trên các chương trình ti vi nhưng cháu không đọc nổi. Mỗi lần hỏi con như thế anh lại thấy không hiểu thầy cô giáo ở lớp đào tạo con anh kiểu gì.
Búc xúc việc con mình đã học hết lớp 3 kiến thức còn không bằng học sinh lớp 1, anh Sơn đã lên nhà trường nhờ thầy cô cho cháu Lê học lại từ đầu nhưng không được sự chấp nhận của nhà trường.
Trường Tiểu học Thanh Vân nơi em Lê đang học
Các thầy cô giáo kiên quyết không đồng ý cho cháu Lê xuống học lại từ đầu. Học bạ của cháu Lê đều đủ điều kiện lên lớp với những lời nhắc nhở tiếp thu ở lớp còn chậm và cần cố gắng trong học tập. Và cứ như thế dù cháu chưa đọc thông, viết thạo các thầy cô giáo vẫn cố "ủn" cho cháu lên lớp để nhà trường đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, đơn vị văn hóa.
Cực chẳng đã, anh Sơn đã gửi kiến nghị lên Phòng Giáo dục huyện Thanh Chương. Thanh tra phòng GD huyện Thanh Chương đã kiểm tra cháu Lê thì thực tế việc học và viết của cháu đôi khi không bằng học sinh lớp 1.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Võ Bá Phượng - hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Vân cho biết đối với trường hợp của em Lê trong quá trình học em đã đạt chuẩn kiến thức kỹ năng. Em Lê đã đạt được quá mức trung bình nên các thầy cô giáo đã xét cho em lên lớp".
Trường tiểu học Thanh Vân đạt trường chuẩn quốc gia, trong đó một trong những tiêu chí là số học sinh yếu kém không được vượt quá 5%, có lẽ vì thế năm nào nhà trường cũng chiếu cố cho các em học sinh lên lớp để tỷ lệ lên lớp đạt 99%.
Học hết lớp 12 chỉ biết ngày 2/9 là ngày Quốc khánh
Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An cho biết sau khi thanh tra, xem xét trường hợp của em Lê, Sở sẽ tiến hành kỷ luật các giáo viên có liên quan. Ông Vinh cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng "ngồi nhầm lớp" như của em Lê là do còn mang nặng bệnh thành tích. Mặt khác cũng có thể do tâm lý của giáo viên khi đánh giá học sinh họ cũng sợ kết quả học sinh học kém còn ảnh hưởng đến đánh giá chất lượng giáo viên.
Cô Lê Thị Hương, một giáo viên dạy môn sử của trường nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ về vấn đề ngồi nhầm lớp này. Theo cô Hương, đối với môn Toán, môn Vật lý, việc học sinh hổng kiến thức rất rõ còn đối với những môn xã hội thì kiểm soát học sinh khó hơn một chút. Tuy nhiên việc ngồi nhầm lớp không có gì lạ không chỉ ở các tỉnh thành nông thôn, miền núi mà ngay cả ở Hà Nội.
Nói đến môn sử, cô Hương cho biết có những học sinh cấp 3 cũng không thể biết được rằng cách mạng tháng 8 diễn ra năm nào. Có học sinh học đến lớp 12, cô giáo kiểm tra thử trình độ về môn sử qua trắc nghiệm chỉ trả lời đúng duy nhất một câu đó là "ngày quốc khánh là ngày 2/9". Cô giáo gọi em lên hỏi vì sao lấy ngày này là ngày Quốc khánh thì em ấy không biết.
Còn thầy T.A - giáo viên một trường bán công ở Đống Đa khẳng định việc ngồi nhầm lớp rất phổ biến. Thậm chí việc cho học sinh lưu ban là một điều rất nặng nề mà ngay cả giáo viên cũng rất ngại nói đến. Cho đến thời điểm này, học sinh nào cực kỳ cá biệt thể hiện trên điểm số không thể chữa được may ra nhà trường mới cho lưu ban.
Tuy nhiên, về cá nhân mình, thầy T. A cho biết, học lại không phải là biện pháp tốt vì các em đã chậm nhận thức. Việc học lại bố mẹ nhiều bố mẹ cũng không thích vì sợ hàng xóm, người nhà chê cười nên thầy cô và phụ huynh cùng cố gắng cho con lên lớp.