Ngoại ngữ: Người học phải được lựa chọn!

“Ngay như tiếng Anh bây giờ, học hết phổ thông mà các em có giao tiếp được hay chưa? Chất lượng tiếng Anh đạt đến đâu rồi? Tôi cho rằng tiếng Anh các em học còn chưa xong thì phân tán ra nhiều môn khác sẽ rất tốn kém nguồn lực”.

Theo TS Phạm Thanh Duy, Bộ Giáo dục muốn đưa thêm tiếng gì vào dạy cũng được nhưng phải tôn trọng lựa chọn của người học.

Phải dựa trên nguyên tắc không ép buộc

. Phóng viên: Ông có nhận xét gì về việc Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ 1, sẽ thực hiện từ năm 2017?

+ TS Phạm Thanh Duy, ĐH KHXH&NV TP.HCM: Bộ đưa tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung vào nhóm ngoại ngữ 1. Vấn đề là Bộ không được ép buộc, không đặt chỉ tiêu theo kiểu mỗi trường phải có một lớp học tiếng Nga, một lớp học tiếng Trung hay một tỉnh/thành phải đạt bao nhiêu phần trăm học sinh chọn tiếng Nga, tiếng Trung... Nếu để tự chọn, tự nguyện thì phần lớn học sinh và phụ huynh học sinh sẽ chọn tiếng Anh như một nhu cầu tất yếu. Nếu em nào tự chọn tiếng Nga, tiếng Trung thì cũng là tự nguyện.

. Nhưng các em chỉ mới học lớp 3, mới tám tuổi thì có đủ nhận thức rằng thứ tiếng nào là cần học? Làm sao tránh những vết xe đổ trước đây, học sinh chọn tiếng Nga, học bảy năm trời, lên đại học không dùng, phải học từ đầu tiếng Anh để bắt kịp các bạn đại học?

+ Thông thường thì phụ huynh sẽ định hướng cho các em. Có thể họ có nhu cầu cho con học tiếng khác tiếng Anh. Ví dụ ở Nha Trang, bây giờ rất nhiều khách Nga, khách Trung, có thể phụ huynh sẽ thấy khả năng phát triển tiếng Nga, tiếng Trung có lợi hơn. Cũng có thể phụ huynh cảm thấy học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ có hiệu quả hơn và họ sẵn sàng đầu tư cho con học tiếng Anh ở trung tâm, còn học ngoại ngữ gì ở trường thì là phụ thôi. Thậm chí là tránh việc giáo viên tiếng Anh trong trường dạy không chuẩn.

Nguyên tắc là phải để học sinh tự nguyện lựa chọn học theo nhu cầu. Không được ép buộc để đạt bất cứ chỉ tiêu giáo dục nào.

Nhiều luồng ý kiến phản đối vì e ngại Bộ muốn đạt chỉ tiêu, muốn hoàn thành đề án chứ không phải vì nhu cầu xã hội cần tiếng Trung, tiếng Nga.

Ngoại ngữ: Người học phải được lựa chọn! - 1

Nhiều phụ huynh lo lắng việc thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ 1 sẽ khiến con em họ bị hành xác một cách vô ích.

Người Hoa cũng chỉ muốn con học tiếng Anh

. Theo ông thì có nên thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung cho học sinh chọn học từ năm 2017 hay không?

+ Theo tôi thì Bộ cần có một nghiên cứu nghiêm túc về nhu cầu học các tiếng này, đánh giá khả năng sử dụng các thứ tiếng này trong tương lai, cơ hội nghề nghiệp như thế nào, ứng dụng của ngoại ngữ này ra sao. Đánh giá xong hết mà thấy có nhu cầu, có thực tiễn ứng dụng được thì mới triển khai.

Tiếng Nga, tiếng Trung khá phức tạp, học khó mà dễ quên. Đặc biệt nếu không có cơ hội sử dụng, tiếp xúc hằng ngày thì học 10 năm cũng mất hết. Trong khi đó, tiếng Anh lại rất thông dụng, có thể tiếp xúc hằng ngày, nếu đi du lịch nước ngoài thì biết tiếng Anh là có thể tự đi được. Hơn nữa, biết tiếng Anh thì sẽ phát triển chuyên môn nghề nghiệp của mình dễ dàng hơn bởi thông tin chuyên môn bằng tiếng Anh rất nhiều.

Cách đây hai tháng, tôi có phỏng vấn cô hiệu trưởng và một cô giáo dạy tiếng Trung tại một trường tiểu học ở quận 5, nơi có đông đồng bào người Hoa sinh sống. Trường này tổ chức dạy tăng cường tiếng Trung. Mấy năm trước, trường có năm lớp tăng cường tiếng Trung nhưng năm nay không tuyển được hai lớp. Có thể thấy ngay cả người Hoa người ta cũng có xu hướng cho con em của họ học tiếng Anh.

Muốn thí điểm, phải nghiên cứu, chuẩn bị

. Ông có kinh nghiệm nào về việc nghiên cứu trước khi thí điểm hay không?

+ Tôi nhớ vào năm 2007, Bộ GD&ĐT dự định tăng học phí, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề nghị Bộ chưa quyết định vội. Ông đứng ra đề xuất một nhóm nghiên cứu về vấn đề này trong thời gian sáu tháng. Tôi đi khảo sát ở tỉnh Trà Vinh, nhiều người than rằng tăng học phí thì có thể họ sẽ cho con nghỉ học ở nhà phụ làm nông. Họ cho rằng học hết tiểu học và học hết THPT mà làm nông thì cũng như nhau thôi. Tôi còn nhớ có một người đàn ông đã viết cho tôi một danh sách mười mấy khoản tiền phải đóng để con đi học, ngoài khoản học phí nữa.

Sau khi nghiên cứu được trình thì Bộ không tăng học phí nữa. Đó là đóng góp rất lớn từ nghiên cứu thực tiễn ảnh hưởng lên chính sách giáo dục.

Việc dạy ngoại ngữ nào, chọn học ngoại ngữ nào... cũng vậy. Cần có một nghiên cứu nghiêm túc hơn cho thấy có cần học tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 hay không, hay là chỉ dạy mỗi tiếng Anh thôi, rồi mới quyết định triển khai hay dừng.

. Giả sử thị trường có nhu cầu các ngoại ngữ này thì người dân cũng sẽ rất lo ngại đội ngũ giáo viên thế nào, chương trình giảng dạy ra sao... Tiếng Anh đã dạy bao nhiêu năm nhưng chất lượng giáo viên và chương trình cũng còn chưa yên tâm, huống gì ngoại ngữ mới…

+ Đúng như thế. Trong Quyết định 1400 phê duyệt “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” này có đề cập:

“Cần ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các công dân Việt Nam giỏi ngoại ngữ và các giáo viên là người Việt Nam ở nước ngoài, các giáo viên bản ngữ, các giáo viên ngoại ngữ do tổ chức tình nguyện của các nước nói tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc tham gia dạy học ngoại ngữ ở các cấp học”. Nhưng Bộ cần phải nói rõ chính sách thu hút này đã thực hiện đến đâu, đội ngũ giáo viên thế nào để học sinh quyết định chọn học hay không.

Mặt khác, đề án cũng đặt yêu cầu giai đoạn 2008-2010 phải xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa ở phổ thông theo chương trình 10 năm... Trong giai đoạn 1 là thí điểm chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông (lớp 3 đến lớp 12). Giai đoạn 2 là thực hiện đại trà chương trình này và giai đoạn 3 từ năm 2016 thì 100% học sinh lớp 3 trên cả nước bắt đầu học ngoại ngữ theo chương trình 10 năm.

Tuy nhiên, để triển khai thì cần đánh giá các giai đoạn trước đó kết quả như thế nào. Nhất là đội ngũ giáo viên, giáo trình, chương trình đã thực hiện đến đâu thì mới cho học sinh chọn tiếng Nga, tiếng Trung.

. Xin cám ơn ông.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Phổ cập được tiếng Anh thì mới mong hội nhập

Trong bối cảnh nhân lực và tiền còn hạn chế thì ngoại ngữ tốt nhất để dạy cho học sinh là tiếng Anh, vì là thứ tiếng đang phổ cập. Chưa nói sang châu Âu, châu Mỹ, ngay trong ASEAN thôi, ngôn ngữ chung cũng chính là tiếng Anh. Từ cuối năm 2015, thị trường lao động mở ra tám ngành nghề có thể chuyển dịch tự do trong ASEAN thì yếu tố tiên quyết để tham gia thị trường này là lao động phải biết tiếng Anh.

Cần kiến nghị Quốc hội quy định tiếng Việt là ngôn ngữ chính và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Chỉ khi phổ cập tiếng Anh thành công thì chúng ta mới đi nhanh trên con đường hội nhập.

Các nước đều chỉ chú trọng tiếng Anh

Tại Hàn Quốc: Kể từ năm 1974, tất cả trường trung học và THPT của Hàn Quốc đều được yêu cầu đưa tiếng Anh làm môn học bắt buộc. Kể từ năm 1997 đến nay, ở đất nước này tiếng Anh đã được giảng dạy từ năm lớp 3. Các trường mẫu giáo cũng đưa tiếng Anh vỡ lòng vào chương trình đào tạo.

Hàn Quốc cũng có chính sách bắt buộc học sinh học thêm ngoại ngữ thứ hai kể từ năm 1968, lựa chọn giữa ba ngôn ngữ Pháp, Đức và Trung Quốc. Tuy nhiên, nghiên cứu của ĐH Quốc gia Seoul cho thấy đa phần nam sinh chọn tiếng Đức còn nữ sinh thì chọn tiếng Pháp. Tiếng Trung Quốc lại không được mấy ưa chuộng.

Tại Nhật Bản: Chính phủ Tokyo mới đây đã chính thức thông qua đề án cải cách giáo dục ngoại ngữ tại nước này. Đến năm 2020, tiếng Anh sẽ chính thức trở thành môn học bắt buộc cho học sinh lớp 5 và lớp 6.

Tại Trung Quốc: Tiếng Anh cũng đã được bắt buộc giảng dạy tại tiểu học từ năm 2001.

Sau khi Singapore tuyên bố hoàn toàn độc lập vào năm 1965, đích thân ông Lý Quang Diệu đã quyết định lựa chọn tiếng Anh chứ không phải ngôn ngữ của ba cộng đồng lớn tại Singapore (Hoa, Ấn và Malay) làm ngôn ngữ được giáo dục đại trà tại Singapore.

Từ năm 1987, tất cả trường giáo dục phổ thông tại Singapore đều được chuyển thành trường sử dụng tiếng Anh để giảng dạy. Còn trong môi trường đại học, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ giảng dạy từ năm 1979.

Trung Nhân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Như (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN