Nghiên cứu của giáo sư Đại học Stanford: Những đứa trẻ hay được khen thông minh dễ rơi vào 'tư duy cố định', khó phát triển vượt bậc
Nếu tập trung vào sự thông minh, bạn sẽ vô tình tạo ra kiểu tư duy cố định cho con trẻ, làm cho chúng trở nên "miễn cưỡng" khi phải chấp nhận rủi ro và dễ tổn thương khi thất bại.
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ nhận ra rằng, muốn con trở nên xuất sắc, tự tin, cần dành nhiều lời động viên cho con. Những đứa trẻ luôn được cha mẹ khen ngợi sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, luôn tràn đầy năng lượng tích cực và không lo ngại trước khó khăn. Lời khen chính là nguồn động viên lớn lao giúp trẻ vượt qua mọi thách thức.
Giáo dục đúng đắn là sự kết hợp giữa khen thưởng và trừng phạt, phê bình nghiêm khắc khi trẻ làm sai nhưng khen ngợi khi trẻ thực hiện tốt. Phương pháp nuôi dạy con rõ ràng sẽ giúp trẻ nhận thức được đâu là điều nên phát huy, đâu là điểm cần sửa chữa.
Khen ngợi có thể nâng cao sự tự tin, nhưng khen ngợi cũng cần có kỹ năng, bởi nếu thực hiện sai cách có thể cản trở sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.
Khen ngợi con sai cách có thể gây tác dụng ngược. Ảnh minh họa
Carol Dweck, nhà tâm lý học đến từ Đại học Stanford đã dành gần 10 năm nghiên cứu và đưa ra kết luận: Những đứa trẻ thường được khen ngợi là thông minh thường dễ rơi vào Tư duy cố định (Tin rằng trí thông minh là di truyền và hữu hạn), trong khi những đứa trẻ thường được khen ngợi vì chăm chỉ có nhiều khả năng Tư duy tăng trưởng (Tin rằng quyết tâm có thể vượt thử thách).
Chìa khóa để chúng ta khen ngợi con cái cũng nằm ở việc chúng ta truyền cho con mình tư duy cố định hay tư duy tăng trưởng. Ví dụ: Khi khen một đứa trẻ là "tuyệt vời, thông minh và tài giỏi", điều chúng ta dạy cho đứa trẻ là một tư duy cố định, nghĩa khác của nó là đứa trẻ được điểm cao vì nó thông minh, chơi piano bởi vì trẻ có năng khiếu.
Những ảnh hưởng của tư duy cố định và tư duy phát triển đối với sự phát triển của trẻ em là gì?
Giáo sư Carol Dweck đã nghiên cứu về tác động của lời khen đối với trẻ em, bằng cách tiến hành nghiên cứu trên 400 học sinh lớp 5 tại 20 trường học ở New York. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu chỉ gọi mỗi lần một em trong lớp và tiến hành kiểm tra IQ vòng 1. Đề bài là một câu đố đơn giản và tất cả các em đều có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ cho trẻ biết điểm và kèm theo một lời khen ngợi. Những đứa trẻ được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm. Một nhóm trẻ nhận được lời khen về chỉ số IQ, chẳng hạn như: "Con rất giỏi giải đố, thật thông minh" và nhóm kia thì khen "Con vô cùng chăm chỉ nên kết quả rất tốt".
Ở vòng thi thứ hai, có 2 đề thi có độ khó khác nhau để các em có thể thoải mái lựa chọn. Nhóm được khen nỗ lực đến 90% em chọn bài khó hơn. Ngược lại, những đứa trẻ được khen thông minh đa số chọn đề dễ. Có thể thấy rằng những đứa trẻ cho rằng mình thông minh lại không thích đối mặt với thử thách.
Dweck đã viết trong báo cáo nghiên cứu: "Khi chúng ta khen trẻ thông minh, chúng ta đang nói với chúng rằng để luôn thông minh, đừng mạo hiểm phạm sai lầm". Đây là điều mà những đứa trẻ "thông minh" trong thí nghiệm đã làm: Tránh nguy cơ có thể dẫn đến thất bại để luôn trông thông minh.
Trong thí nghiệm thứ ba và thứ tư được tiến hành sau đó, mặc dù các chủ đề sau cũng đơn giản như chủ đề đầu tiên, nhưng điểm số của những đứa trẻ được khen ngợi vì đã nỗ lực tăng khoảng 30% so với lần đầu tiên. Những đứa trẻ được khen thông minh thấy điểm số giảm khoảng 20% so với lần đầu.
Nếu bạn muốn khích lệ con mình thì hãy động viên, khen ngợi chúng vì đã nỗ lực hơn là khen chúng thông minh. Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu của Dweck, ông khuyên rằng nếu bạn muốn khích lệ con mình thì hãy động viên, khen ngợi chúng vì đã nỗ lực hơn là khen chúng thông minh. Nếu tập trung vào sự thông minh, bạn sẽ vô tình tạo ra kiểu tư duy cố định cho con trẻ, làm cho chúng trở nên "miễn cưỡng" khi phải chấp nhận rủi ro và dễ tổn thương khi thất bại.
Khen trẻ thông minh, những đứa trẻ đó sẽ nghĩ rằng tài năng và trí thông minh là chìa khóa thành công, từ đó đánh giá thấp tầm quan trọng của sự chăm chỉ.
Khen ngợi quá trình chứ không chỉ kết quả
Khi khen con, cha mẹ không nên chú trọng vào kết quả. Nếu cha mẹ khen ngợi kết quả một cách mù quáng sẽ khiến trẻ chỉ tập trung vào điểm số, thành tích và cố gắng đáp ứng mong đợi của người lớn. Lâu dần, trẻ sẽ nghi ngờ sự chân thành trong lời khen của cha mẹ.
Chẳng hạn khi trẻ làm bài tốt trong kỳ kiểm tra và nhận được lời tuyên dương: "Con đã là người đứng đầu trong lớp, thật tuyệt vời!". Trẻ sẽ không cảm thấy hứng thú vì lời khen mang tính đại khái. Thay vì đó, cha mẹ có thể nhấn mạnh hành vi cụ thể: "Gần đây con học hành chăm chỉ, điều này đã giúp con dành điểm cao trong kỳ kiểm tra vừa qua". Lời khen này tác động tích cực đến trẻ nhiều hơn.
Khi chỉ ra những biểu hiện, hành động cụ thể sẽ giúp trẻ hiểu được quá trình nỗ lực của mình. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng để tiếp tục làm tốt hơn nữa.
Có nhiều bậc phụ huynh thường dành những lời khen như: "Con thật tuyệt vời", "Con làm tốt lắm",… Trẻ biết rằng bản thân đang được tuyên dương nhưng chúng không hiểu vì sao lại được khen. Những lời khen như vậy không có tác dụng, thậm chí còn khiến trẻ ỷ lại, chỉ thích khen ngợi. Dần dần chúng sẽ không chịu đựng được lời chỉ trích, làm suy giảm khả năng chịu áp lực, chịu thất bại.
Hãy khen ngợi trẻ vì những nỗ lực chứ không phải vì kết quả. Ảnh minh họa
Khen ngợi hiệu quả là mô tả biểu hiện, hành động cụ thể. Chẳng hạn như khi trẻ nhường đồ chơi cho bạn, cha mẹ có thể nói: "Việc con sẵn sàng chia sẻ đồ chơi của mình với bạn là rất tốt. Con là một đứa trẻ có trái tim ấm áp!". Hay khi trẻ dọn dẹp nhà cửa, cha mẹ hãy dành lời khen: "Hôm nay con đã lau sàn nhà, bàn ghế giúp không gian trở nên sạch sẽ, gọn gàng. Con làm rất tốt đấy!".
Cha mẹ càng khen ngợi cụ thể càng giúp trẻ hiểu được mình đã làm tốt điều gì. Từ đó trẻ thêm tin tưởng và nhận ra giá trị của bản thân.
Không nên khen về tính cách, nên tập trung vào điều trẻ thực hiện
"Con ngoan quá!", "con thật tốt!",… là những lời khen về nhân cách mà cha mẹ hay dùng. Tuy nhiên, "ngoan" và "tốt" là khái niệm rất khó nhận định, không ai có thể phân biệt chính xác được. Ngoài ra, lời khen kiểu này còn khiến trẻ cảm thấy khó chịu, tạo áp lực vô hình "con ngoan trò giỏi" cho trẻ.
Những đứa trẻ nhận lời khen về nhân cách nhiều sẽ trở nên tự mãn, hình thành tâm lý tự kiêu. Vì vậy, cha mẹ hãy khen ngợi về sự thật, về những việc trẻ làm tốt. Một điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là không nên "keo kiệt" lời khen với trẻ.
Sự trưởng thành của con cái không thể tách rời sự đồng hành của cha mẹ. Một trong những cách giúp con phát triển, gặp thuận lợi trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống là nhận được nhiều lời động viên, khen ngợi từ đấng sinh thành.
Nguồn: [Link nguồn]
Hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng mình sở hữu những kỹ năng nuôi dạy trẻ tiến bộ. Tuy nhiên, điều đó không phải luôn đúng!