Nghiên cứu của ĐH Stanford: Cha mẹ đừng quá lo lắng về thời điểm mua điện thoại cho trẻ
Nghiên cứu này cho biết, cha mẹ đừng quá căng thẳng về việc khi nào nên mua cho con cái một chiếc điện thoại, bởi điều đó không quan trọng.
Nếu bạn đang lo lắng về việc có nên cho con mình sử dụng điện thoại hay không, điều này chứng tỏ bạn đang nằm trong phần lớn những bậc phụ huynh biết quan tâm tới con cái. Ngay cả những người nổi tiếng như Steve Jobs hay Bill Gates cũng có những quy định nghiêm ngặt đối với việc cho con cái sử dụng các thiết bị công nghệ.
Việc nghiêm cấm con sử dụng điện thoại hay đặt ra những quy định không thể kéo dài quá lâu, đến một lúc nào đó cha mẹ cũng sẽ băn khoăn về độ tuổi nào là thích hợp nhất để mua cho con mình một chiếc điện thoại.
Ảnh minh họa.
Theo nghiên cứu của Trường Y Stanford, các nhà khoa học đã xem xét sức khỏe tinh thần, thể chất và thành tích học tập của những đứa trẻ có điện thoại ở các độ tuổi khác nhau và nhận thấy mọi thứ hoàn toàn không có quá nhiều sự khác biệt.
Mức độ ảnh hưởng của màn hình điện thoại tới sức khỏe của trẻ em là chủ đề của rất nhiều nghiên cứu, đặc biệt khi ngày càng có nhiều người trẻ đang vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm, cô lập. Các bậc phụ huynh rất lo lắng và đang tìm kiếm lời giải thích cho điều này.
Các nhà khoa học tiếp tục tranh luận về phương pháp và kết luận của nhiều nghiên cứu này. Nhưng những kết quả mới nhất của Trường Y khoa Stanford ít nhất sẽ khiến những bậc cha mẹ bớt lo lắng về việc không cho con sử dụng điện thoại, và cân nhắc liệu bản thân có đang suy nghĩ quá nhiều hay không.
Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Child Development, người ta theo dõi 250 trẻ em trong 5 năm, quan sát sức khỏe và thể trạng của chúng có bị ảnh hưởng gì đáng kể hay không kể từ khi được cha mẹ mua cho chiếc điện thoại. Cha mẹ của những đứa trẻ này sẽ quan sát sức khỏe, giờ đi ngủ, điểm số của con mình, cũng như yêu cầu bọn trẻ phải đeo một thiết bị theo dõi giấc ngủ.
Sau khi theo dõi cẩn thận như vậy, nhóm nghiên cứu đã không nhận thấy có bất kỳ sự khác biệt nào.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, trẻ em trong nghiên cứu này có điện thoại hay không và thời điểm chúng có điện thoại lần đầu tiên dường như không có mối liên hệ có ý nghĩa nào với sức khỏe và kết quả học tập”, tác giả Xiaoran Sun nhận xét.
Xiaoran Sun cũng cho biết, không có quy tắc vàng nào trong việc đợi con cái tới một độ tuổi nhất định mới được sử dụng điện thoại.
Độ tuổi trung bình trẻ em sở hữu điện thoại là 11,6 tuổi, nếu chúng sử dụng sớm hơn một chút cũng không thành vấn đề. Đối với những bậc cha mẹ đang lo lắng về điều này, họ cần hiểu không phải đứa trẻ nào cũng biết cách sử dụng điện thoại đúng đắn, điều quan trọng là cha mẹ nên hướng dẫn trẻ như thế nào.
Thomas Robinson, một đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Một lời giải thích khả dĩ cho những kết quả này là các bậc cha mẹ chỉ cho con cái sử dụng điện thoại theo nhu cầu hợp lý”.
Nếu để một đứa trẻ 9 tuổi vật lộn với việc hoàn thành bài tập về nhà trên điện thoại thông minh mà không có sự giám sát của cha mẹ sẽ là một ý tưởng tồi. Khi trẻ càng nhỏ, việc để chúng sử dụng điện thoại cần được cha mẹ kiểm soát.
Những bậc phụ huynh như Steve Jobs hay Bill Gates có thể đã quá thận trọng với công nghệ mới ảnh hưởng tới con cái. Mối quan hệ giữa trẻ em và màn hình điện tử rất phức tạp, có những mặt lợi và hại nhưng cha mẹ không cần phải nghiêm trọng hóa vấn đề này.
Nếu trẻ có ý thức về việc sử dụng điện thoại, cha mẹ nên cân nhắc về thời điểm mua cho con mình một chiếc. Tùy vào từng trường hợp của mỗi gia đình và bản thân của đứa trẻ mà cha mẹ có nên mua cho chúng điện thoại hay không.
Một game thủ Trung Quốc gần đây gây sốt khi tiết lộ rằng, mình được cha mẹ của ít nhất 2 đứa trẻ trả tiền với mục đích đánh bại con họ trong các trò chơi điện tử.
Nguồn: [Link nguồn]