Nghịch lý: Đậu lớp 10 nhưng không nhập học
Nhiều học sinh tại TP.HCM dù đậu lớp 10 công lập nhưng không nhập học vì thi để thử sức, trong khi nhiều em rớt cả ba nguyện vọng phải chọn học giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM năm 2023 căng thẳng hơn cả đại học, bởi toàn TP có hơn 96.000 thí sinh (TS) dự thi vào lớp 10 nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập trên địa bàn chỉ là 77.294 học sinh. Như vậy, có hơn 18.000 TS rớt lớp 10 công lập, phải chọn học các loại hình trường khác.
Trường công lập ngồi chờ TS nhập học
Trong khi nhiều trường THPT đã hoàn tất thủ tục nhận hồ sơ nhập học lớp 10 thì nhiều trường vùng ven, ngoại thành vẫn đang chờ TS.
Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), cho biết đến ngày 28-7, trường vẫn còn 85 em chưa nhập học. Trong 85 hồ sơ, số lượng các em có địa bàn cư trú tại quận 12, quận Tân Bình, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn chiếm 1/3.
Không ít học sinh dù đậu lớp 10 công lập nhưng không nhập học vì thi để thử sức. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (quận 3) thực hiện điền thông tin cá nhân vào phiếu trước khi bắt đầu làm bài. Ảnh: THU HƯƠNG/TTXVN
“Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, hạn chót để nộp hồ sơ là ngày 1-8 nên trường vẫn đang chờ học sinh. Hiện nay, trường đã tuyển được 16 lớp phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất. Trường cũng đã cử nhân viên gọi điện thoại cho các gia đình để nắm bắt tình hình” - bà Hảo nói.
Theo bà Hảo, trong 85 hồ sơ có 80 phụ huynh khi được gọi điện thoại cho biết đã nhập học trường tư, còn năm hồ sơ vẫn đang lưỡng lự.
Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu vì nhiều em đăng ký nguyện vọng vào trường có địa bàn cư trú rất xa.
“Đặc biệt, nhiều trường ở quận Tân Bình lấy điểm chuẩn 20 điểm nên một số em đặt nguyện vọng 3 tại đây, tuy nhiên sau khi trúng tuyển, cân nhắc kỹ về quãng đường di chuyển thì cuối cùng chọn học trường tư gần nhà hơn là đi học trường công cách 25 km” - bà Hảo nói thêm.
Tương tự, đến ngày 28-7, dù ở nội thành nhưng Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vẫn còn 10% chưa đến nhập học, trong khi chỉ tiêu của trường là 675 học sinh. Khi nhà trường liên hệ tới từng gia đình để nhắc nộp hồ sơ nhập học thì có nhiều phụ huynh cho biết đã nộp hồ sơ cho con vào trường quốc tế, dân lập. Tình trạng học sinh đậu nhưng không nhập học là chuyện đã xảy ra nhiều năm trước ở trường. Mỗi năm có khoảng 20-30 em dù trúng tuyển nhưng không nhập học đã tước đi cơ hội của nhiều học sinh khác.
Học sinh đăng ký nhập học tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các Trường THPT Bình Chiểu, Đa Phước, Nguyễn Văn Tăng...
Trường tốp đầu cũng tuyển chưa đủ
Không chỉ những trường ngoại thành có điểm chuẩn thấp không tuyển đủ chỉ tiêu, một số trường nội thành có điểm chuẩn cao và thuộc tốp đầu của TP cũng phải gọi điện thoại nhắc nhở học sinh đến trường làm hồ sơ nhập học.
Hơn 18.000 là số TS rớt lớp 10 công lập ở TP.HCM phải chọn học giáo dục thường xuyên, trường tư. Ngược lại, trong 77.294 em trúng tuyển vào trường công, có không ít em không nhập học vì thi để thử sức do chọn đi du học, vào trường tư thục chất lượng. |
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết đến cuối ngày 28-7 còn 39 em chưa nộp hồ sơ. Trước đó còn 46 em, tuy nhiên sau khi trường gọi điện thoại cho từng phụ huynh thì một số em đã đến nhập học.
“Số lượng còn lại đa phần các em đã lựa chọn học trường tư thục có tiếng hay trường quốc tế. Trường nằm ở tốp đầu nhưng đến nay vẫn còn hàng chục em chưa nhập học và sẽ không nhập học là vấn đề đáng suy nghĩ” - ông Phú nói.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Phú cho biết cần nghiên cứu kỹ khâu tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học sau, bởi trong thực tế, nhiều em đăng ký thi như một cuộc tập dượt rồi khi đậu lại không nhập học. Sở GD&ĐT TP.HCM cần có những quy định chặt chẽ hơn trong khâu tuyển sinh để tránh tình trạng trên.
Tương tự, cuối giờ chiều 28-7, bà Đỗ Thị Việt Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), cho biết còn bảy học sinh chưa nhập học. Tuy nhiên, theo quy định, sau 17 giờ ngày 1-8, trường mới biết chính xác số học sinh không đến nộp hồ sơ.
Chiều 28-7, ông Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), cho biết đã tiếp nhận hồ sơ của 730 em, còn 30 em nữa.
Cũng theo ông Quý, nhiều năm trở lại đây, số lượng học sinh vào lớp 10 nhập học không đủ so với chỉ tiêu, mỗi năm có khoảng hơn 20 em không nhập học. Nhiều em thi chỉ để thử sức và một số em đi du học. Đặc biệt, trên địa bàn quận có một trường tư thục khá nổi tiếng nên các em chọn vào học. Vì thế, tỉ lệ nhập học tại trường chưa bao giờ được 100%.
“Năm nào cũng vậy, không chỉ riêng trường tôi mà những trường có điểm chuẩn tốp đầu cũng không tuyển đủ. Có thể các em đi nước ngoài hoặc chọn các trường tư thục có chất lượng. Với cách tuyển sinh của TP.HCM những năm gần đây, học sinh không học ở trường trúng tuyển, không thể học trường công khác” - ông Quý nói thêm.
Không hạ điểm chuẩn, không tuyển bổ sung
Trước đó, sau khi công bố điểm chuẩn, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định sở sẽ không hạ điểm chuẩn, không tuyển bổ sung để đảm bảo chất lượng tuyển sinh cũng như công tác phân luồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Quý cho biết việc hạ điểm chuẩn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề. Ví dụ, trường còn thiếu 30 em, hạ điểm chuẩn nguyện vọng 1 xuống 0,5 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu, tuy nhiên những học sinh này đã đậu vào nguyện vọng 2 đăng ký. Nếu thực hiện sẽ gây rối cho các trường, đặc biệt khâu nhập học.
Còn có ý kiến cho rằng sở có thể tuyển bổ sung bằng mức điểm chuẩn của các trường cũng không ổn. Như vậy, những học sinh có điểm khá cao dù rớt ba nguyện vọng đã đăng ký vẫn có thể trúng tuyển vào một trường nào đó. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kỳ tuyển sinh năm tới. Học sinh có học lực khá, giỏi sẽ đăng ký ba nguyện vọng vào những trường tốp đầu để cuối cùng dù rớt vẫn đủ điểm đậu vào những trường thấp hơn do có tuyển bổ sung. Như vậy, những em này sẽ có tới bốn nguyện vọng.
“Sở GD&ĐT không hạ điểm chuẩn và không tuyển thêm sẽ khiến cho kỳ tuyển sinh khách quan và công bằng hơn đối với tất cả TS. Do đó, ngay từ đầu các em phải có sự lựa chọn hợp lý” - ông Quý nhấn mạnh.
Thiếu 0,25 điểm, cuối cùng chọn học giáo dục thường xuyên Sau khi Sở GD&ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn, con gái anh Nguyễn Minh (ngụ quận Tân Bình) thiếu 0,25 điểm để đậu vào nguyện vọng 3 Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận). “Tôi cứ chờ xem Sở GD&ĐT có hạ điểm chuẩn không, tuy nhiên qua thông tin báo chí, sở khẳng định không có chủ trương trên. Cuối cùng, sau khi tìm hiểu trường tư thục, trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, tôi quyết định cho con theo học hệ giáo dục thường xuyên” - anh Minh nói. Học sinh nội thành đổ xô đăng ký trường ngoại thành Tình trạng học sinh nội thành đăng ký nguyện vọng vào các trường ngoại thành không phải hiếm và đã diễn ra nhiều năm ở TP.HCM vì các trường này có điểm chuẩn khá thấp, dao động 10-12 điểm. Trong khi đó, nhiều em ở nội thành có điểm 17-18 vẫn rớt. Dù năm nay trong văn bản tuyển sinh, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng lưu ý đối với những trường hợp đăng ký nguyện vọng xa, hiệu trưởng trường THCS phải tư vấn riêng và có biên bản cam kết. Tuy nhiên, tình trạng này năm nay vẫn diễn ra vì nhiều em lựa chọn để có chỗ học, rồi cuối học kỳ 1 tìm mọi cách chuyển trường. “Năm 2019, tôi nhận đến 100 đơn xin chuyển trường. Tuy nhiên, sau khi thuyết phục, giải thích, đồng thời liên tục cải thiện về chất lượng cũng như chăm lo cho học sinh, tình hình giảm hẳn. Năm nay, số học sinh xin chuyển trường chỉ còn sáu em, trong đó đa phần có hoàn cảnh khó khăn và chuyển tỉnh” - bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), cho biết. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thi tuyển 3 môn, trong đó 2 môn Toán, Văn nhân hệ số 2 cộng với điểm rèn luyện 4 năm học và điểm ưu tiên nhưng nhiều trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn có điểm chuẩn...