Nghi ngại mô hình trường tiên tiến

Sáng 31/7, buổi tọa đàm về mô hình trường THPT tiên tiến (còn được gọi là trường chất lượng cao) có sự tham gia của Sở GD&ĐT TP.HCM và Viện Nghiên cứu Giáo dục TP.HCM cùng nhiều lãnh đạo là hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm nhìn nhận và phân tích hiệu quả của mô hình trường THPT tiên tiến với mức học phí hiện nay là gần 900.000 đồng/tháng, thực hiện từ năm 2006. Hiện Sở GD&ĐT đang có tờ trình đề xuất UBND TP cho tăng mức học phí này lên khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.

Tiên tiến hay chỉ để... tiêu tiền?

TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục TP.HCM, cho rằng: Năm 2009, viện đã khảo sát trên 1.000 học sinh (HS) tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) cho thấy 1/4 HS tại trường xuất thân từ gia đình lao động bình thường nên không thể cho rằng đây là trường chỉ dành cho con nhà giàu. HS không học trường này thì vẫn phải đi học thêm, chi phí học thêm của HS chiếm 1/3 thu nhập của gia đình bình thường ở TP.HCM. Do vậy, các yếu tố để tạo ra tên gọi mô hình trường tiên tiến cần có lộ trình, đánh giá tính hợp lý của nó. Trường có chất lượng cao hay thấp, kết quả học tập là 50% do HS, 30% do giáo viên, 20% là do sự điều hành của hiệu trưởng, chương trình, cơ sở vật chất. “Chất lượng giáo dục của bất kỳ ngôi trường nào cũng phụ thuộc vào yếu tố quan trọng là đội ngũ giáo viên chứ không phải cơ sở vật chất chiếm bao nhiêu phần trăm. HS tốt nghiệp từ mô hình trường tiên tiến này có khác gì so với các trường khác, giáo viên ra sao, tiêu chí tuyển chọn giáo viên phải như thế nào?” - TS Dung nhấn mạnh.

Bà Hồ Cam Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Tân Bình), cho rằng: Những gì về đầu tư cơ sở vật chất cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên Trường Lê Quý Đôn làm được thì Trường Nguyễn Thượng Hiền cũng làm được ba năm qua. Ban giám hiệu vận động phụ huynh khối lớp 10 vào đầu năm học đóng khoảng 1,7 đến 2 triệu đồng trang bị cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho HS suốt ba năm THPT. Do đặc điểm của khu vực dân cư, trường chưa thực hiện được mô hình sĩ số 30 HS/lớp. HS của trường phần đông là con em gia đình lao động nghèo. Chúng tôi muốn đạt chuẩn nhưng nếu chuẩn mà giảm số lớp, số HS trong từng lớp trong khi các trường trong quận còn thiếu mà đưa HS này đi xa hơn hoặc vào tư thục, dân lập thì thật bất hợp lý. Điều này cũng gây thiệt thòi cho HS trong quận và các quận, huyện người dân có đời sống thấp.

Phải chứng minh được hiệu quả

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn nhận: “Bản thân nhà trường thực hiện mô hình trường tiên tiến sẽ phải khẳng định và chứng minh tính hiệu quả của mô hình cho phụ huynh, xã hội thấy. Lúc đầu TS Hồ Thiệu Hùng phản đối mô hình trường này nhưng giờ ông cũng đã ủng hộ. Nếu phải gọi là công bằng trong giáo dục thì hết sức vô cùng. Chẳng lẽ phải chờ Sơn La, Cao Bằng làm mình mới làm. Cứ níu kéo như vậy thì bao giờ mình mới phát triển hay là cứ để hệ thống giáo dục mãi tụt hậu” - ông Chương nói.

Theo ông Chương, mô hình trường tiên tiến phải cam kết chất lượng giáo dục từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nội dung giáo dục trong nhà trường; đảm bảo các chính sách xã hội về học bổng, miễn giảm học phí cho HS diện nghèo, diện chính sách. Các trường này sẽ là những đơn vị đi đầu trong phát triển, đổi mới giáo dục để về lâu dài các trường còn lại cũng cần học tập mô hình trường này nhằm nâng chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, mô hình này cần cân nhắc khi triển khai nhiều ở các cấp học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Việt (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN