Nghỉ học thứ 7: Phụ huynh “bối rối”, trường lo khó thực hiện
Trước đề xuất học sinh sẽ được nghỉ học thứ 7 và chủ nhật, nhiều phụ huynh đồng tình hưởng ứng, nhưng nhiều trường học cho rằng sẽ khó thực hiện, nhất là bậc trung học.
Vừa qua, Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã đề xuất không tổ chức dạy học vào thứ bảy, mà dành thời gian này cho việc khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cả xã hội.
Hiện nay, tại các trường công lập cấp học mầm non, tiểu học cũng đã thực hiện nghỉ thứ 7 và chủ nhật, chỉ trừ một số trường do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nên học sinh luân phiên học vào thứ 7. Đối với các trường THCS, THPT đa số đều đi học thứ 7, chỉ được nghỉ duy nhất ngày chủ nhật.
Thực tế cho thấy, không chỉ đối với học sinh và phụ huynh mà việc học thứ 7 là áp lực đối với nhiều giáo viên, đi làm 6 ngày trong tuần. Nếu như các giáo viên có con học mầm non, tiểu học sẽ được nghỉ ngày thứ 7 trong khi bố mẹ là giáo viên trung học vẫn phải đi làm.
Theo đó, trước đề xuất học sinh được đồng loạt nghỉ ngày thứ 7, nhiều giáo viên ủng hộ và cho rằng sẽ giảm bớt áp lực, có thêm giời gian để nghỉ ngơi, bên gia đình và tập trung cho biên soạn giáo án, tìm sáng kiến trong giảng dạy…
Đề xuất học sinh được nghỉ học thứ 7 nhận được sự quan tâm của phụ huynh. Ảnh: Q.A
Không chỉ giáo viên, nhiều phụ huynh có con học trung học cũng cho rằng học sinh được nghỉ ngày thứ 7 ở bậc trung học cũng nhiều điều thuận lợi vì lứa tuổi đã lớn có thể tự chăm sóc bản thân, tự học ở nhà và có thời gian nghỉ ngơi, làm bài tập, đọc sách, khám phá khoa học…
Phụ huynh Nguyễn Lan Hương (Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) có con đang học lớp 7, chia sẻ: “Hiện nay, phần lớn cơ quan, công ty áp dụng cho nhân viên được nghỉ 2 ngày/tuần. Nếu con đi học, gia đình cũng khó sắp xếp các hoạt động như đi chơi, dã ngoại, thăm các công trình văn hóa, lịch sử. Nếu chỉ được nghỉ chủ nhật như hiện nay, con thường ngủ, nghỉ là chính vì sau một tuần học mệt mỏi, không muốn đi đâu”.
Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh cho rằng đi học ngày thứ 7 cũng có mặt tích cực vì giảm tắc đường, giảm số ngày học thì cũng phải giảm chương trình nếu không ngày nghỉ sẽ phải tự học còn vất vả hơn đi học chính…
Còn đối với nhà trường, việc xem xét để học sinh đi học 5 ngày trong tuần và nghỉ trọn hai ngày cuối tuần cần xem xét kỹ trước khi triển khai đại trà bởi nội dung chương trình, cơ sở vật chất không phải trường nào cũng đủ điều kiện để cắt một ngày học.
Lãnh đạo một số trường THCS, THPT tại Hà Nội cho biết, sẽ rất khó cho các trường nếu cho học sinh nghỉ học thứ bảy. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chương trình hiện nay đang được ổn định và thiết kế cho học 6 ngày/tuần, nếu rút ngắn ngày học chỉ có thể áp dụng học 2 ngày trên tuần, hoặc cắt giảm tiết học. Bởi, đa số học sinh các trường hiện nay đều học chính khóa một buổi mới đủ lớp học, giáo viên.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Việc quyết định nghỉ học thứ 7 hay không còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường, có trường học sinh được học 2 buổi/ngày, nhưng nhiều trường lại chỉ học 1 buổi trên ngày. Vì thế, nếu xem xét việc học 5 ngày hay 6 ngày trên tuần vẫn phải đảm bảo yếu tố đủ kiến thức cho học sinh phù hợp với lứa tuổi, lộ trình học tập”.
Sức ép về dân số đã khiến lượng học sinh vào lớp 1 năm học 2018-2019 tăng đột biến ở một số quận trên địa bàn...