Nghi con bị xâm hại, cha mẹ đến đâu để giám định và điều nhất định không được quên!

Sự kiện: Giáo dục

Những ngày gần đây, mọi người chia sẻ nhiều thông tin về trường hợp bị xâm hại phải lòng vòng nhiều ngày, nhiều bệnh viện để được giám định vẫn bị “từ chối”. Vậy trong trường hợp nghi con bị xâm hại, đến đâu để giám định, mọi người nên nắm một số thông tin dưới đây.

Có rất nhiều trường hợp nạn nhân là trẻ nhỏ bị xâm hại nhưng lúng túng không biết phải làm gì, đưa con đi giám định ra sao? Câu chuyện về một người mẹ dắt con gái 5 tuổi bị xâm hại tại phòng trọ, ở quận Tân Bình TPHCM đi từ 16h đến 24h chỉ để giám định cho con vì cơ quan này chỉ sang cơ quan kia. Hay trường hợp cháu bé 3 tuổi ở Nhà Bè đã đến 6 bệnh viện để khám cho con mình sau khi bị xâm hại nhưng bị từ chối được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày gần đây. Điều này thêm một lần nữa cho thấy những khó khăn khi giám định trẻ xâm hại tình dục.

Nghi con bị xâm hại, cha mẹ đến đâu để giám định và điều nhất định không được quên! - 1

Ảnh minh họa

Khi chẳng may có sự cố xảy ra với con mình, nghi ngờ con bị dâm ô, xâm hại tình dục, cha mẹ cần nhớ rằng:

- Tuyệt đối không tắm rửa, thay áo quần cho trẻ vì trên thân thể lúc này đang lưu giữ các dấu vết của kẻ thực hiện hành vi xâm hại.

- Cha mẹ hoặc người thân thích (không ngoại trừ người dân) phải lập tức báo sự việc cho một trong các nơi: UBND phường/xã/thị trấn; công an; cơ quan Lao động thương binh và xã hội các cấp nơi xảy ra sự việc; hoặc gọi nhanh qua đường dây nóng: 111, 113, 1900 545559, 1800 9069 nhờ can thiệp và hỗ trợ gấp cho nạn nhân.

- Yêu cầu nơi tiếp nhận phải đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị khẩn cấp, đồng thời thông báo cho công an.

- Sau khi bệnh viện có chẩn đoán ban đầu, cha mẹ yêu cầu công an huyện/quận phải ra quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân ngay, và đồng thời gia đình yêu cầu các cơ quan phải bảo mật tất cả các thông tin liên quan nạn nhân và gia đình.

Đối với những vụ án xâm hại trẻ em thì cái quan trọng nhất vẫn là chứng cứ và phải là chứng cứ hiện hữu thì công an mới vào cuộc và mới khởi tố. 

Để được giám định tư pháp, căn cứ quy định tại điều 22, luật giám định tư pháp năm 2012 thì cha mẹ cần gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định (trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản), hết thời hạn này người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Các cơ quan chức năng thực hiện giám định mà cha mẹ khi nghi ngờ con bị xâm hại có thể đưa bé đến để làm giám định như: Các cơ quan giám định gồm Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an, trung tâm pháp y các tỉnh, TP trực thuộc trung ương…

+ Trung tâm Pháp y tại TP.HCM: 336 Trần Phú, phường 7, quận 5, TP.HCM.

+ Trung tâm Pháp y tại Hà Nội: 35 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

+ Viện Pháp y Quốc gia: 41 Nguyễn Đình Chiểu, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

+ Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng: 1C Trần Thánh Tông, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội...

Hồ sơ yêu cầu giám định gồm:

+ Quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định.

+ Biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng.

+ Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ liên quan đến giám định và các hồ sơ về y tế có liên quan giám định pháp y.

Hồ sơ đề nghị giám định có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đều được.

Nếu đưa trẻ đến giám định ở những cơ sở y tế không có chức năng, không có giám định viên, kết quả khám cũng không được sử dụng trong quá trình xét xử.

Nếu cơ quan công an đưa đi khám định, gia đình không mất phí. Nếu gia đình tự đưa đi sẽ mất phí hoặc sau khi có kết quả giám định do cơ quan công an đưa đi mà gia đình không tin tưởng và đề nghị đưa đi giám định lại. Trong trường hợp này, nếu kết quả sai với kết quả ban đầu do cơ quan công an đưa đi gia đình không mất phí, còn nếu trùng hợp với kết quả ban đầu gia đình sẽ mất phí. Chi phí giám định là 665.000 đồng/ trường hợp.

Các bước giám định

Về quy trình giám định, trước khi thực hiện giám định, ngoài việc được bảo đảm an ninh, người được giám định sẽ được làm công tác tư tưởng, được giải thích các bước giám định… Nếu là trẻ em dưới 13 tuổi thì phải có người giám hộ.

Theo Thông tư 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về quy trình giám định pháp y, quy trình giám định xâm hại tình dục, các bước giám định được thực hiện như sau:

1. Khám tổng quát

2. Khám sinh dục nữ: Bằng nghiệp vụ của mình bác sỹ, chuyên gia dám định sẽ ghi nhận những tồn thương thông thường và tổn thương có thể xảy ra đối với hành vi xâm hại bao gồm cả việc khám màng trinh và khám âm đạo...

3. Khám hậu môn

- Ghi nhận tình trạng hậu môn, các nếp gấp hậu môn.

- Ghi nhận tình trạng tầng sinh môn.

4. Khám hầu họng

5. Khám toàn thân: Tìm kiếm những dấu vết chống đỡ các vấn đề liên quan.

6. Khám chuyên khoa

- Giám định viên chỉ định.

- Cơ quan trưng cầu đưa đi khám và lấy kết quả giao cho cơ quan giám định.

7. Các kỹ thuật cận lâm sàng

Tùy vào sự cần thiết mà làm các kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán và loại trừ:

- Siêu âm bụng tổng quát, siêu âm bìu đối với nam.

- Xét nghiệm HIV, vi khuẩn lậu, giang mai, các bệnh lây qua đường tình dục.

- Xét nghiệm tinh trùng trong âm đạo, trong nước súc miệng, trong phết hầu họng.

- Xét nghiệm ADN.

- Xét nghiệm tế bào niêm mạc âm đạo trên phết rãnh quy đầu.

- Xét nghiệm lông thu được.

8. Chụp ảnh và làm bản ảnh

- Chụp ảnh chân dung.

- Chụp các giai đoạn tiến hành giám định.

- Chụp ảnh các phim X-quang.

- Chụp ảnh các các dấu vết có trên bộ phận sinh dục và các nơi khác có tổn thương.

+ Làm bản ảnh.

+ Tùy theo tính chất, vị trí mà đặt thước tỉ lệ khi chụp ảnh.

9. Khám nghi can

- Khi cơ quan giám định trưng cầu.

- Khi không có sự phù hợp giữa tổn thương thực thể và các hành động do thủ phạm gây nên, giám định viên đề nghị cơ quan trưng cầu đưa nghi can đến giám định để có bằng chứng.

Theo quy trình giám định tình dục hiện tại, sau khi nạn nhân hoặc gia đình trình báo sự việc, cơ quan điều tra tiến hành lập biên bản lấy lời khai, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở khám chữa bệnh để khám chứng thương. Chỉ đến khi hoàn tất hồ sơ, cơ quan điều tra mới gửi quyết định trưng cầu giám định pháp y tình dục đến Trung tâm Pháp y.

Nhiều chuyên gia đánh giá, quy trình này còn nhiều bất cập khiến việc giám định tình dục muộn. Vấn đề giám định cần được thay đổi, nhanh chóng hơn.

Cách giúp con cân bằng tâm lý sau khi bị xâm hại tình dục

Hãy nhắc nhở trẻ, nếu thấy một ai đó nhìn con lâu hơn, nhìn chằm chằm thì nên tìm những người tin cậy bên cạnh để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.My ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN