Nghệ An: Năm học mới, thầy trò lại lo chạy lũ

Hàng năm, xã Yên Tĩnh, huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) - nơi có 100% đồng bào Thái sinh sống, thường phải hứng chịu nhiều trận lũ quét lớn nhỏ.

Vì vậy việc "chạy lũ" đối với người dân và các thầy trò nơi đây đã trở nên hết sức quen thuộc... Trở lại Yên Tĩnh sau gần 1 tháng diễn ra trận lũ quét làm ngập toàn bộ các trường học, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức dạy học ở đây còn rất bộn bề.

Nơm nớp lo mưa lũ

Tìm đến Trường THCS Yên Tĩnh khi cơn mưa vừa tạnh, gặp lớp bùn nhão ngập đến cổ chân giữa sân trường. Thấy khách bì bõm giữa bùn, thầy Nguyễn Ngọc Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường bảo: "Hôm nay như thế là đỡ nhiều rồi, chứ những ngày sau lũ mới thật sự vất vả". Thầy Tuấn cho biết: Năm học này trường có 8 lớp với 229 học sinh (82 em bán trú).

Do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nên chất lượng dạy và học ở Yên Tĩnh thường đứng ở tốp cuối so với mặt bằng toàn huyện. Bên cạnh đó, xuất phát từ yếu tố địa hình nên các trường học ở Yên Tĩnh thường bị ngập mỗi khi có mưa lớn kéo dài, khi nước khe Chà Hạ dâng cao. Trên bức tường của các phòng học vẫn còn in đầy dấu tích của các trận lũ.

Nghệ An: Năm học mới, thầy trò lại lo chạy lũ - 1

Sân Trường THCS Yên Tĩnh (Tương Dương) thường xuyên bị lầy thụt

"Vừa làm lễ khai giảng xong, trời mưa như trút nước, lũ lên rất nhanh làm ngập trường học. Gần như toàn bộ trang thiết bị dạy học, trong đó có dàn máy vi tính bị hư hỏng. Cho nên ở bất kỳ thời điểm nào, mỗi khi có mưa lớn là cả thầy và trò đều nơm nớp lo sợ" - thầy Tuấn chia sẻ. Hệ thống phòng học, nhà công vụ giáo viên và khu ký túc xá học sinh của trường hiện đang được đầu tư xây dựng kiên cố. Nhưng hiện tại, sân trường và bờ rào vẫn chưa được thi công. Đặc biệt, do sân trường vẫn là nền đất nên mùa mưa lũ thường xuyên bùn lầy, nước đọng, ảnh hưởng đến việc đi lại, công tác vệ sinh và mỹ quan trường học.

Bộn bề trường lớp

Cảnh bề bộn không chỉ diễn ra ở Trường THCS Yên Tĩnh mà là tình trạng chung của các trường học trên địa bàn xã. Hiện Trường Tiểu học Yên Tĩnh 1 đứng chân ở bản Pa Tý, nơi hơn 3 năm trước xảy ra trận lũ quét làm 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 học sinh, đang bắt đầu xây dựng mới. Hiện tại, thầy và trò đang phải mượn tạm nhà văn hóa của bản để tổ chức dạy học.

Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 (ở bản Cặp Chạng) cũng đang trong quá trình xây dựng mới. Để đảm bảo chương trình, nhà trường phải mượn phòng học và khu nội trú của Trường THCS. Cơ sở chính của trường mầm non cũng đang trong quá trình thi công, cô và trò hiện đang phải mượn tạm một số phòng và sân của Trạm Y tế xã để làm phòng học và sân chơi cho trẻ. Việc mượn địa điểm để tổ chức dạy học gây ra tình trạng lộn xộn về giờ giấc, ảnh hưởng đến chất lượng học.

Hầu hết các trường học trên địa bàn Yên Tĩnh đều nằm trong khu vực khe Chà Hạ nên nguy cơ ngập lũ rất cao. Đặc biệt, những năm gần đây, khe Chà Hạ đang bị "băm nát" bởi nạn khai thác vàng sa khoáng, càng làm gia tăng nguy cơ lũ quét, lũ ống. Theo thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, các trường học ở đây cần được đầu tư xây dựng hệ thống kè chống lũ và bờ rào, cùng với việc cần sớm có giải pháp nắn dòng chảy của khe Chà Hạ để tránh lũ cho các thôn bản, trường học...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Kiên (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN