Ngày khai giảng là ngày giỗ: Nạn bắt nạt ở trường học Nhật Bản quá bất thường?
Tự tử đang là nguyên nhân hàng đầu của các em độ tuổi 10-19 tại Nhật Bản. Cậu bé Ashi 13 tuổi, Nhật Bản, đã đưa ra một thông điệp cho những em đang phải chịu đựng cảnh bị bắt nạt rằng: “Thật đau đớn nhưng xin các bạn đừng chọn cái chết".
Theo The Economist (Anh), vấn nạn bắt nạt ở trường học Nhật Bản đang ngày càng trầm trọng. Dù có thể không phổ biến hơn so với các quốc gia khác, nhưng nó có tính chất nghiêm trọng và bất thường hơn nhiều.
The Economist cho hay, tình trạng bắt nạt trong các trường học Nhật Bản gia tăng mạnh trong khoảng 3 năm gần đây và có thêm cả hình thức trấn lột.
Gần đây, dư luận Nhật Bản xôn xao với trường hợp nạn nhân là Ashi (tên nhân vật đã được thay đổi). Sau vụ động đất và sóng thần xảy ra vào năm 2011, Ashi và gia đình phải sơ tán khỏi Fukushima.
Ảnh minh họa.
Mới 7 tuổi, cậu bé phải theo học tại một ngôi trường mới ở Yokohama. Các bạn cùng lớp thường hay bắt nạt cậu. Chúng gọi cậu bé là “thằng còi cọc”.
Chúng lấy đồ, đánh và thậm chí còn xô cậu bé xuống cầu thang. Chúng đưa cậu bé đến một phòng gọi là phòng “học” và có những hành vi bắt nạt cậu bé. Chúng cho rằng cậu bé sẽ lan truyền phóng xạ cho những người xung quanh.
Thậm chí, từ năm 2014, Ashi còn bị trấn lột tiền. Những bạn bắt nạt cậu cho rằng gia đình cậu có khoản tiền trợ cấp khi đi sơ tán. Ashi đã vay họ hàng đến 1,5 triệu yên (13.000 USD) để nộp cho chúng. Khi hết tiền, em cũng bỏ học vì không chịu nổi cảnh bị bắt nạt.
Giờ Ashi đã 13 tuổi. Cậu là một trong rất nhiều trẻ em sơ tán từ nơi khác tới đã bị bắt nạt ở trường. The Economist cho rằng, những trẻ em sơ tán từ Fukushima sau trận động đất và sóng thần năm 2011 là những em phải chịu khổ sở nhất vì bị bắt nạt ở trường học.
Đáng tiếc là hội đồng nhà trường ở Yokohama đã nhiều lần đổ lỗi cho cậu bé. Họ nói rằng cậu đã tự nguyện cho bạn cùng lớp tiền. Sau khi bị công chúng chỉ trích, hội đồng nhà trường mới thay đổi thái độ và xin lỗi gia đình Ashi.
Vấn nạn bắt nạt ở trường học Nhật Bản là một vấn đề lớn bởi dù không phổ biến hơn so với nhiều quốc gia khác nhưng nó có tính chất nghiêm trọng và bất thường hơn nhiều.
Nhiều học sinh đã tự tử do bị bạn học thường xuyên bắt nạt. Hiện tượng tự tử đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu của các em có độ tuổi từ 10 đến 19 ở Nhật Bản. Đặc biệt, ngày khai giảng năm học thường là ngày có nhiều học sinh tự tử nhất.
Theo ông Mitsuru Taki thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản, bắt nạt ở các nước khác thường có kiểu hai hoặc ba học sinh bắt nạt một bạn khác. Ở Nhật thì khác, hầu hết các trường hợp đều là một nhóm đông chuyên dọa nạt và đánh đập một học sinh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hình thức bắt nạt kiểu như vậy. Hiệu trưởng của một trường cấp hai ở Tokyo cho hay, một đặc điểm nổi bật trong các trường học Nhật Bản là bạn không nên nổi bật hay khác biệt.
Nhân viên quản lý giáo dục ở Yokohama cúi đầu xin lỗi gia đình em Ashi trong buổi họp báo ngày 13 tháng 2 sau một thời gian dài đổ lỗi cho Ashi.
Cách tổ chức của các trường học Nhật Bản cũng góp phần gia tăng áp lực. Các hoạt động của trường như dọn dẹp, ăn trưa và học tập đều được thực hiện theo nhóm. Học sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều nguyên tắc về đồng phục, kiểu tóc...
Những em là kuuki wo yomu (không biết để ý đến tâm trạng, không khí của mọi người) có thể bị các thành viên khác trong lớp xa lánh, cô lập.
Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, học sinh Nhật Bản thường đứng đầu danh sách về học thuật. Nhật Bản cũng có tỷ lệ bỏ học thấp nhất.
Tuy nhiên, học sinh Nhật Bản lại không thích đến trường hơn so với các quốc gia khác. Ông Shoko Yoneyama của Đại học Adelaide nhận định, các trường học ở Nhật Bản là "những cộng đồng bất hòa, không êm ấm".
Giáo viên hiếm khi giúp đỡ những em bị bắt nạt. Họ nổi tiếng về khả năng sư phạm, đặc biệt là giáo viên toán nhưng hầu hết trong số họ không được đào tạo để ngăn chặn tình trạng bắt nạt.
Theo bà Kanae Doi thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), một cuộc khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 12% giáo viên tham gia vào việc giải quyết các trường hợp học sinh bị bắt nạt.
Em Erika, 18 tuổi đã bỏ học tại một trường ở Tokyo do không chịu được việc bị bắt nạt, cho hay: “Giáo viên đã nói với tôi rằng, tôi phải thích nghi hoặc nghỉ học. Và rồi tôi quyết định nghỉ học”.
Kể từ những năm 1980, Nhật Bản đã chú ý đến việc kiềm chế sự bắt nạt, nhưng các trường học đã không mấy quan tâm đến vấn đề này.
Năm 2013, Nhật Bản đã ra luật chống bắt nạt. Theo đó, các trường học phải báo cáo về trường hợp học sinh bị bắt nạt. Từ đó, số vụ bắt nạt được công bố ngày càng tăng, từ vài nghìn trường hợp mỗi năm lên 224.450 vào năm 2015. Bên cạnh đó, nhiều trường học bị nghi ngờ không báo cáo đầy đủ các vụ học sinh bị bắt nạt.
Tuy nhiên, luật pháp mới chỉ yêu cầu giáo viên hay nhà trường báo cáo các trường hợp học sinh bị bắt nạt mà không có nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề. Những kẻ bắt nạt hiếm khi bị trừng phạt. Năm 2014, có 188,057 trường hợp bắt nạt nhưng chỉ có hai trường hợp kẻ bắt nạt bị phạt nặng.
Gần đây, chính phủ tuyên bố sẽ xem xét các chính sách để chống nạn bắt nạt trong các trường học. Tuy nhiên, không thể ngăn chặn vấn nạn đó chỉ bằng luật pháp. Để giải quyết vấn đề, các nhà hoạch định chính sách và giáo viên phải thừa nhận rằng quá nhiều quy định phải tuân thủ ở trường học là nguyên nhân rất lớn gây ra tình trạng bắt nạn ở trường học.
Tháng 11/2016, cậu bé Ashi 13 tuổi kể trên đã đưa ra một thông điệp cho những em đang phải chịu đựng cảnh bị bắt nạt rằng: “Thật đau đớn nhưng xin các bạn đừng chọn cái chết".