Ngày đầu tiên đăng ký xét tuyển ĐH: Không nhiều thí sinh đăng ký trực tuyến
Có tới 3 hình thức đăng ký xét tuyển sinh đại học năm 2016 nhưng ghi nhận tại các trường ĐH cho thấy, thí sinh vẫn chọn cách truyền thống đến trường nộp hồ sơ. Trong khi trước đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT kỳ vọng thí sinh sẽ chọn đăng ký bằng hình thức trực tuyến.
Thí sinh ngày đầu nộp hồ sơ xét tuyển tại TPHCM.
Vượt hàng trăm km để nộp trực tiếp
Hôm qua 1/8, mới 7h30 sáng tại hội trường T45 ĐH Thủy lợi đã thấy phụ huynh, thí sinh có mặt để làm thủ tục đăng ký xét tuyển. Là một trong những thí sinh có mặt đầu tiên, em Lê Tiến Sơn, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa cho biết, em và bạn bắt xe từ 3h đêm để ra ĐH Thủy lợi. “Đăng ký trực tuyến em không yên tâm. Mặt khác, với mức điểm của mình, em muốn ra tận trường nghe các thầy tư vấn để chọn được ngành học phù hợp và khả năng đỗ cao” – Sơn chia sẻ lựa chọn của mình. Với mức điểm 22 khối A, Sơn hoàn toàn tự tin mình có tấm vé để vào ĐH Thủy lợi.
9h sáng tại ĐH Bách khoa Hà Nội, hành lang tầng hai phòng đào tạo của trường, thí sinh và người nhà đứng chật kín. Không đủ bàn để khai hồ sơ, thí sinh lấy ghế ra kê để viết. Người mướt mải mồ hôi, vừa cầm chiếc quạt giấy mang vội từ nhà, chị Chu Thị Thi, mẹ của thí sinh Nguyễn Sơn Lam cho biết hai mẹ con chị bắt xe từ Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh lên Hà Nội chuyến 4h sáng. Trước khi đến ĐH Bách khoa, hai mẹ con chị đã vào Học viện Hậu cần đăng ký nguyện vọng NV 1 xong xuôi. “Sơn Lam được 24.5 điểm khối A. Cháu chưa chắc đỗ Học viện Hậu cần nên nộp thêm NV2 tại ĐH Bách khoa Hà Nội” – chị Thi cho biết.
Tại TPHCM, mới 5 giờ sáng Đỗ Thị Ngọc Dung cùng mẹ (quê ở Tiền Giang) đã bắt xe lên TPHCM để nộp hồ sơ vào trường Đại học Sài Gòn. Đến bến xe miền Tây lúc hơn 8 giờ sáng, hai mẹ con tiếp tục đi xe ôm đến trường Đại học Sài Gòn. Dung cho biết, Dung có hai nguyện vọng nộp vào hai trường gồm Đại học Sài Gòn và Đại học Tiền Giang. “Nguyện vọng của em là muốn vào học ở trường thành phố nên để chắc ăn em phải đến tận nơi tham quan, tìm hiểu rồi mới nộp. Còn trường Đại học Tiền Giang gần nhà thì vài ngày nữa thong thả nộp cũng không sao”, Dung nói.
Sân trường Đại học Sài Gòn ngay từ sáng sớm đã có khoảng 300 thí sinh và phụ huynh tới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Để thuận tiện cho phụ huynh, trường đã bố trí mấy chục bàn ghế, căng dù lớn để che mưa, che nắng và dùng nhiều bảng lớn để dán thông tin xét tuyển, chỉ tiêu từng ngành để thí sinh tìm hiểu.
Tại trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng có cả trăm thí sinh và phụ huynh đến trường nộp hồ sơ. Tuy nhiên, khi đến nơi thì nhiều phụ huynh ngỡ ngàng vì trường không nhận trực tiếp mà phải nộp bằng trực tuyến. Quy trình nộp gồm thí sinh sẽ phải nộp lệ phí hồ sơ ở phòng giao dịch một ngân hàng đặt tại trường. Sau đó, thí sinh sẽ mang giấy xác nhận đóng lệ phí cùng hồ sơ di chuyển lên một trong hai hội trường ngồi chờ gọi tên. Mỗi giảng đường bố trí khoảng 10 máy tính nối mạng, để các chuyên viên, tình nguyện viên hướng dẫn thí sinh đăng ký trực tuyến.
Tương tự, ở các trường đại học khác cũng có khá nhiều thí sinh và phụ huynh ngoại tỉnh, vượt cả trăm kilômét để đi nộp hồ sơ trực tiếp chứ không nộp qua đường bưu điện hay trực tuyến qua website.
Thí sinh không mặn mà với trực tuyến
Tính đến cuối giờ chiều 1/8, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận được 500 hồ sơ thí sinh đến đăng ký trực tiếp tại trường. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường lý giải: “Do ĐH Bách khoa thu hồ sơ cho cả nhóm GX nên số lượng hồ sơ lớn. Nhưng cũng do một phần tâm lý thí sinh và người nhà muốn đến tận nơi để nộp hồ sơ mới yên tâm”.
Ông Điền cũng cho hay, với hình thức đăng ký trực tuyến, thí sinh rất thuận lợi. Nhưng có lẽ do tâm lý chưa quen giao dịch bằng hình thức này nên người dân vẫn còn e dè.
“ĐH Bách khoa Hà Nội đã tạo điều kiện cho thí sinh nộp trực tuyến khi đóng phí là mua thẻ cào và nạp vào tài khoản như điện thoại. Nhưng nhiều thí sinh vẫn băn khoăn nhỡ tiền không đến được trường, rồi không nhận được xác nhận của trường thì sao. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh, thí sinh muốn đến trường nộp, cầm được biên lai của trường mới yên tâm ra về” - ông Điền chia sẻ.
Còn GS.TS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cũng thấy bất ngờ trước việc thí sinh đến đông ngay từ ngày đầu đăng ký xét tuyển. “Lúc đầu chúng tôi cũng chỉ nghĩ những ngày đầu các em thăm dò, chưa nộp vội. Nhưng không ngờ, nhiều thí sinh và phụ huynh đã đến trường nộp luôn đăng ký xét tuyển” - GS Trịnh Minh Thụ cho hay.
Thí sinh có thiệt? Thời gian vừa qua, Tiền Phong nhận được thắc mắc của thí sinh: “Điểm chuẩn các đợt xét tuyển bổ sung có thể thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển đợt 1. Vậy cho em hỏi, nếu như em thích trường A và đăng ký thêm 1 NV trường B. Nhưng ở đợt xét tuyển lần 1, em không đủ điểm đậu vào trường A em thích mà chỉ đậu trường B. Nhưng nếu như ở đợt xét tuyển bổ sung, điểm chuẩn trường A lại hạ thấp hơn mức điểm của em. Vậy em cần phải làm sao để không đánh mất cơ hội vào trường A nếu như trường hợp đó xảy ra”. Trả lời về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT khẳng định kết thúc đợt 1 em đỗ 1 trong 2 trường thì phải xác nhận việc học tại trường đó và nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi. Còn nếu em không nộp giấy trường sẽ không gọi và em có thể đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Thu, Phó trưởng Phòng Đào tạo ĐH Y Hà Nội băn khoăn vì như thế có thiệt cho các thí sinh không? Đồng thời, với một trường luôn thuộc diện top trên, bà Thu cũng cho rằng năm nay các trường sẽ khó đoán được tình hình tuyển sinh sẽ như thế nào vì có tỷ lệ ảo. |