Ngày đầu nhận hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2015: Thí sinh đăng ký thận trọng

Ngày 1.4, các cơ sở giáo dục bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều học sinh vẫn chưa vội đặt bút làm hồ sơ vì thận trọng hơn     trước các điểm mới.

Hồ sơ tập trung vào khối A, D

Tại Văn phòng Tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM trong ngày 1.4, chỉ có khoảng chục thí sinh (TS) đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), còn lại đa số các TS đến để mua hồ sơ ĐKDT và tìm hiểu thông tin liên quan đến kỳ thi. Theo ghi nhận, đa số hồ sơ ĐKDT đều tập trung vào các môn thi thuộc khối thi truyền thống A, A1, D1. Theo lý giải của một nhân viên phòng tuyển sinh: Đa số các TS nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Bộ GDĐT đều là TS tự do nên các em này đã có quá trình ôn luyện một thời gian đối với các môn thi thuộc khối truyền thống.

Ngày đầu nhận hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2015: Thí sinh đăng ký thận trọng - 1

Thí sinh tìm hiểu thông tin về nộp hồ sơ thi tại Sở GDĐT Hà Nội. Tùng Anh

Sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết trong ngày đầu tiên rất ít TS nộp hồ sơ. Sở sẽ tổ chức cho TS đăng ký dự thi làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 2.4 - 30.4, tất cả các TS phải đăng ký dự thi để cung cấp thông tin cá nhân, các môn đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Sau ngày 30.4, TS không được quyền thay đổi môn thi. Đợt 2, sẽ dành để đăng ký xét công nhận tốt nghiệp, từ ngày 2 – 30.5. Những TS nào dự thi để xét công nhận tốt nghiệp phải đăng ký và cung cấp thông tin kết quả học tập, hạnh kiểm lớp 12. Đối với TS tự do phải nộp phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT vào trước thời điểm nộp phiếu đăng ký dự thi. Chính vì vậy, ngày đầu tại Hà Nội các trường THPT vẫn chưa nhận được hồ sơ nào của học sinh.

Em Lê Thị Thanh, học sinh lớp 12 Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng bày tỏ, năm nay em sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào ĐH. “Em còn chưa quyết định chọn môn thi nên chưa nộp hồ sơ đăng ký. Giáo viên cũng khuyên chúng em không nên vội vàng, gần đến hạn cuối nộp để tránh sai sót”- Thanh nói.

Năm nay Trường THPT Mường Lát (Mường Lát, Thanh Hóa) có 225 học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có tới 206 học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp, chỉ có 19 em đăng ký thi để xét tuyển vào trường ĐH, CĐ. Ông Lê Văn Tùng – Thư ký hội đồng Trường THPT Mường Lát cho biết, thời điểm này trường vẫn chưa nhận được hồ sơ của các em: “Năm nay có nhiều điểm mới, hồ sơ cũng khác hơn nên HS và cả thầy cô trong trường cũng thận trọng hơn trong việc hướng dẫn giúp các em làm hồ sơ”. Cũng theo thầy Tùng, nhiều em còn chưa quyết định môn tự chọn nên dự kiến đến giữa tháng 4 đa số các em mới bắt đầu nộp.

Lựa chọn xong môn thi mới đăng ký

Tại nhiều vùng, các trường THPT mới lấy được thông tin sơ lược bước đầu về lựa chọn môn thi của TS. Ghi nhận tại TP.HCM cho thấy, số TS đã đăng ký môn thi thì khối A, D1 vẫn áp đảo. Cụ thể, tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), thầy Phạm Quang Thiện - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học sinh lớp 12 có 325 em, trong đó có 70% số học sinh thi vật lý, tiếp theo là môn hóa học, hai môn lịch sử và địa lý, mỗi môn dưới 10 em đăng ký thi.

Tượng tự, trong tổng số 621 học sinh lớp 12 của Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) có 283 em chọn môn vật lý, tiếp đến là môn hóa học với 162, môn địa lý có 154. Hai môn có ít lựa chọn là sinh học với 14 học sinh và lịch sử chỉ có 9 học sinh. Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM) cũng có xu hướng tương tự khi môn vật lý dẫn đầu số học sinh đăng ký, sau đó đến hóa, sinh. Hai môn lịch sử và địa lý có số lượng đăng ký trung bình khoảng 30 em/môn. Còn tại Trường THPT Trí Đức (quận Tân Phú), chỉ có 96 em chọn thi 4 môn, 229 thi 5 môn và có 20 em chọn thi 6 môn.

Còn tại một số tỉnh, thành như: Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Bến Tre… cũng đã có những số liệu ban đầu về khảo sát môn thi với tỉ lệ các môn tự nhiên áp đảo. Những môn thi thuộc khối xã hội như địa lý, lịch sử rất ít.

Dù vậy, theo lãnh đạo Sở GDĐT nhiều tỉnh thành phía Nam, hiện vẫn chưa cho TS đăng ký môn thi vì còn thời gian khá nhiều, trong vài ngày tới các Sở sẽ tổ chức tập huấn và tư vấn để các TS có lựa chọn chắc chắn bởi sau ngày 30.4 sẽ không còn cơ hội thay đổi. Ông Nguyễn Duy Tâm -Trưởng phòng Khảo thí, Sở GDĐT An Giang, cho biết: Do kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới nên Sở đã tổ chức 3 buổi tập huấn cho giáo viên các tình huống có thể xảy ra khi TS nộp hồ sơ dự thi. Đồng thời sẽ tổ chức tư vấn để các em biết rõ những quy định mới, khả năng và nguyện vọng của từng TS để các em có lựa chọn chính.

 Thủ tướng chỉ đạo:Bố trí cụm thi phù hợp để tạo thuận lợi cho thí sinh

Tại Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 ký ban hành hôm 1.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GDĐT tiếp tục hoàn thiện phương án, kế hoạch triển khai thực hiện tổ chức tốt kỳ thi trên cơ sở tiếp thu đầy đủ, rộng rãi ý kiến góp ý xác đáng của xã hội. Bộ này phải xây dựng cụ thể và công bố công khai kế hoạch bố trí các cụm thi trên địa bàn các tỉnh, thành phố một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh... Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GDĐT sớm ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn liên quan phục vụ cho Kỳ thi từ việc tổ chức coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký tuyển sinh vào ĐH, CĐ, dạy nghề... tránh gây khó khăn, phiền hà cho học sinh...A.T

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh - Quốc Hải ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN